OPEC mắc kẹt trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan"
OPEC dường như đang mắc kẹt giữa 2 lựa chọn hoặc nâng mức cắt giảm hoặc rút khỏi thỏa thuận trước thềm cuộc họp tại Nga sắp bắt đầu.
- 21-07-2017Giá dầu bất ngờ quay đầu giảm
- 20-07-2017Giá dầu Brent tăng, GAS báo lãi 4.087 tỷ đồng 6 tháng, nắm giữ 29.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi
- 20-07-2017Tồn kho Mỹ tiếp tục giảm, giá dầu lên đỉnh 6 tuần
Kế hoạch rút lượng dầu thừa trên toàn cầu của OPEC có vẻ như không phát huy tác dụng như họ mong muốn, tuy nhiên vẫn còn chút hy vọng các nhà xuất khẩu dầu khí sẽ có hành động quyết liệt hơn nữa trong cuộc họp diễn ra ngày 24/7.
Tiến thoái lưỡng nan
Giá dầu mắc kẹt trong "thị trường gấu" do trữ lượng dầu thô giữ ở mức cao mặc dù các nước vẫn duy trì thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân là do sản lượng khai thác của 3 nước Mỹ, Libya và Nigeria liên tục tăng.
Một thách thức lớn mà bộ trưởng dầu khí các nước đang phải đối mặt trước thềm cuộc họp diễn ra tại St. Petersburg là tìm các giải pháp rút lượng dầu thừa thay thế tốt hơn so với hiện tại.
Nếu OPEC quyết định rút khỏi thỏa thuận cắt giảm và tăng sản lượng, giá dầu thậm chí sẽ còn trượt dốc thảm hại hơn nữa đồng thời kinh tế của các nước thành viên cũng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu các nước đồng thuận nâng mức cắt giảm sản lượng lên trên 1,8 triệu thùng/ngày thì vẫn như thường lệ, Mỹ sẽ lợi dụng điều này càng tăng cường khai thác dầu đá phiến. Như vậy OPEC đang rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", mắc kẹt giữa hai lựa chọn. Chuyên gia Mike Wittner, giám đốc nghiên cứu đến từ ngân hàng Societe Generale SA nhận định "Nếu họ cắt giảm sâu hơn, giá dầu thô sẽ tăng. Nhưng giá càng tăng thì càng kích thích Mỹ tăng sản lượng".
Báo cáo của EIA dự báo hoạt động khai thác ở các mỏ dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng khoảng 113.000 thùng trong tháng 8. Tổng sản lượng ở những khu vực này ước đạt 5.59 triệu thùng/ngày trong tháng tới. Hiện chỉ tính riêng sản lượng khai thác dầu phiến đang dần tiến tới tức mức kỷ lục 5,58 triệu thùng/ngày, Cục Năng lương Mỹ cho hay.
Đây là lần thứ 5 liên tiếp EIA dự báo sản lượng khai thác của Mỹ sẽ tăng hơn 100.000 thùng/ngày. Dự báo của EIA là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các nhà khai thác của Mỹ sẽ không ngừng khai thác dầu thô ngay cả khi giá dầu WTI kỳ hạn vẫn mắc kẹt bên dưới mức 50 USD/thùng.
Hiện tại, giá dầu gần như quay đầu xuống mức trước thời điểm OPEC và một số quốc gia khác ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi cuối năm ngoái. Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định mặc dù một số chuyên gia dự báo thỏa thuận này sẽ rút lượng dầu thừa trên thị trường nhưng dường như điều này vẫn chưa xảy ra.
Mức tuân thủ bắt đầu suy yếu
Thỏa thuận giữa OPEC và đồng minh thậm chí bị phá vỡ bởi chính các nước thành viên khi các "ông lớn" như Ả-rập Saudi, Nga và Iraq đã tăng cường xuất khẩu ngay trước khi kỳ hạn đợt 1 (tháng 6) của thỏa thuận sắp kết thúc.
Không những thế, một số dấu hiệu còn cho thấy nguồn cung dầu thô của OPEC tăng so với tháng 6 khiến niềm tin của các nhà đầu tư về khả năng OPEC cắt giảm sản lượng không còn cao như trước. Cụ thể, nguồn cung dầu thô của OPEC được dự đoán tăng 145.000 thùng/ngày so với tháng 6. Mức tăng này đã kéo tổng sản lượng của OPEC lên 33 triệu thùng/ngày đồng thời giảm tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của tổ chức này xuống còn 78%.
Điều này đã đẩy giá dầu hôm thứ 6 tuần trước trượt dốc mạnh. Giá dầu WTI và dầu Brent kỳ hạn giảm lần lượt 2,5% và 2,76% xuống còn 45,77 USD/thùng và 47,94 USD/thùng. Hiện giá dầu Brent và WTI đang ở mức thấp hơn 50% so với đỉnh năm 2014.
Thêm vào đó, một thách thức khác mà OPEC phải đối mặt đó chính là Libya và Nigeria- 2 quốc gia được miễn trừ ký thỏa thuận cắt giảm do nguồn cung bị gián đoạn gây ra bởi những bất ổn trong nước. Sản lượng khai thác của 2 quốc gia này đã phục hồi mạnh trở lại khiến trữ lượng dầu trên thế giới vẫn giữ ở mức cao hơn trung bình 5 năm.
Trong khi cả Libya và Nigeria đều được mời tới tham dự cuộc họp tại St. Petersburg thì cả hai quốc gia này đều tỏ ra miễn cưỡng giảm nguồn cung ngay cả khi họ bị yêu cầu phải làm điều đó.
Trong khi đó, mức độ tuân thủ của các nước thành viên thỏa thuận cũng bắt đầu suy yếu. Điển hình như Iraq với mức độ tuân thủ thỏa thuận xuống chỉ còn 29%. Nước này tỏ ra thất vọng trước hiệu quả của thỏa thuận và cho rằng lẽ ra không nên tham gia cắt giảm sản lượng khai thác trong khi nền kinh tế vẫn còn đang rất khó khăn.
Thực tế là, việc giá dầu giảm xuống dưới 50 USD đã làm nản lòng và gây tổn hại tới một số nước thành viên OPEC đã ký thỏa thuận cắt giảm. Bộ trưởng Năng lượng Ecuador Carlos Perez hôm thứ 2 cho biết nước này chuẩn bị rút khỏi thỏa thuận cắt giảm.
Giải pháp tăng cường
Việc thỏa thuận cắt giảm không được được thành công như mong đợi đã khiến Ả-rập Saudi buộc phải tìm thêm các giải pháp khác. Nước này cho biết sẽ cắt giảm khoảng 600.000 thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày trong mùa hè này do nhu cầu năng lượng trong nước đang đạt đỉnh. Thậm chí lượng cắt giảm có thể lên tới 1 triệu thùng/ngày.
Dữ liệu gần đây cho thấy các nước cần phải thực sự nỗ lực hơn nữa trong việc tái cân bằng thị trường dầu thô. Với mức sản lượng khai thác như hiện tại thì OPEC khó lòng có thể đạt được mục tiêu ban đầu như tổ chức này đã tuyên bố là đến tháng 4/2018, trữ lượng dầu thô sẽ giảm xuống còn mức trung bình 5 năm.
Nhiều chuyên gia dự báo về triền vọng không mấy khả quan giá dầu thô nếu như OPEC không có những giải pháp tăng cường. Goldman Sachs cảnh báo giá dầu rất có thể giảm xuống dưới 40 USD/thùng nếu như sản lượng khai thác của Mỹ vẫn cứ tiếp tục tăng và OPEC không có thêm bất kỳ động thái nào trong cắt giảm sản lượng. oldman Sachs cắt giảm chỉ tiêu giá dầu thô Mỹ trong 3 tháng tới xuống còn 47,5 USD/thùng từ mức dự báo từ trước đó là 55 USD/thùng.
Mối đe dọa từ dầu đá phiến sẽ càng khiến thỏa thuận thêm rạn nứt, theo ông Paolo Scaroni, cựu giám đốc công ty dầu khí Eni SpA của Italy cho hay.
Người đồng hành