Petrolimex ngừng nhập xăng dầu để mua sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn
Từ tháng 8 này, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hầu như không nhập khẩu xăng dầu để tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).
- 27-02-2018Petrolimex và Indian Oil đã nộp hồ sơ làm NĐT chiến lược của Lọc Hóa dầu Bình Sơn
- 03-02-2018Tiếp tục thoái vốn Nhà nước ở Petrolimex, VEAM, Habeco trong năm 2018
- 12-01-2018Mỹ "tố" PVN, PV Oil, Petrolimex và 5 doanh nghiệp Nhà nước khác với WTO
Theo Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách từ xăng dầu (nhập khẩu) 7 tháng đầu năm 2018 đạt 21.578 tỷ đồng, tăng 5.415 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 12,45% tổng thu ngân sách toàn Ngành trong cùng thời điểm.
Như vậy, tăng thu 7 tháng đầu năm 2018 chủ yếu là do xăng dầu nhập khẩu tăng về trị giá.
Tổng cục Hải quan cho hay, theo thông tin từ Petrolimex, từ tháng 8/2018, Tập đoàn hầu như không nhập khẩu xăng dầu do bao tiêu sản phẩm đầu ra Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Do đó, Tổng cục Hải quan tính toán nguồn thu từ xăng dầu các tháng cuối năm dự kiến giảm mạnh.
Thực tế, tháng 7 lượng xăng nhập khẩu đã giảm 42% so với tháng 6 dẫn tới ngành Hải quan giảm thu khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trong một tính toán đưa ra đầu tháng 7 trước đó, Tổng cục Hải quan đã nhận định từ tháng 7/2018, đến hết năm 2018 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp ra thị trường 3,99 triệu tấn xăng dầu thành phẩm.
Vì vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu sẽ giảm tương đương và làm giảm thu ngân sách của ngành Hải quan từ mặt hàng xăng dầu (nhập khẩu) khoảng 15.000 tỷ đồng.
Thực tế như thông tin mới đây từ Petrolimex và kết quả nhập khẩu xăng dầu tháng 7 cho thấy dự báo trước đó của ngành Hải quan đang diễn ra đúng trong thực tế.
Ngoài xăng dầu nhập khẩu, ngành Hải quan còn tiếp tục đối mặt với tình hình giảm thu từ việc cắt giảm thuế quan theo các cam kết quốc tế.
Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù kim ngạch có thuế những tháng qua tăng so với cùng kỳ năm 2017, nhưng năm 2018 là năm có ảnh hưởng sâu, rộng nhất từ trước tới nay bởi tất cả Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều tới giai đoạn cắt giảm sâu.
Riêng với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), có đến trên 90% dòng hàng có thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống 0%.
Giảm mạnh nhất là một số mặt hàng có số thu lớn thuế suất cao như: Ô tô từ 30% xuống 0%; linh kiện phụ tùng từ 5% và 20% xuống 0%; sắt thép 5% xuống 0%…
Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) năm 2018 có tới hơn 400 dòng hàng có thuế suất 5%, 7%, 10% giảm về 0%.
Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, giảm thu từ FTA 6 tháng đầu năm khoảng 14.400 tỷ đồng.
Báo hải quan