MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS. Trần Đình Thiên: Kiềm chế chi phí đẩy nhưng việc bơm "máu” cho nền kinh tế là việc phải làm

PGS. Trần Đình Thiên: Kiềm chế chi phí đẩy nhưng việc bơm "máu” cho nền kinh tế là việc phải làm

Việt Nam đang nhập khẩu lạm phát rất lớn và nếu không "bơm tiền" ra thì lạm phát vẫn tăng lên. PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, trong điều kiện lạm phát, doanh nghiệp "thiếu máu", thiếu lực thì rủi ro lại càng cao.

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
83 bài viết

Suy nghĩ về cách để Việt Nam có thể xoay chuyển tình thế trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra mấy điểm chính.

Việt Nam là nền kinh tế mở, đặc biệt mở và chúng ta chưa thực sự mạnh nhưng chúng ta sống trong thế giới chuyển biến nhanh và bước vào giai đoạn công nghệ cao. Trong 2 - 3 năm gần đây, thế giới rất rủi ro và đầy bất trắc.

Hai đặc điểm như vậy cho thấy, thế giới đang rất cần cấu trúc lại, từ đó mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam.

"Tất nhiên, cơ hội với một nền kinh tế mở, một nền kinh tế chưa thực sự mạnh thì cũng chính là thách thức", TS. Thiên nói.

Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, TS. Trần Đình Thiên nêu vấn đề, mọi hoạt động của nền kinh tế nói riêng và thế giới nói chung đều đang theo xu hướng toàn cầu hoá, đặc biệt rủi ro cũng là rủi ro toàn cầu hoá: Thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, xung đột… đều ở cấp độ toàn cầu hoá. Những rủi ro này xảy ra rời rạc mà lại tích hợp với nhau nên tác động rất khủng khiếp.

Để phát triển trong thế giới như vậy, Việt Nam với khát vọng của mình có năng lực mới, cách thức mới, những nỗ lực mới để phát triển, mà trong đó 2 nhóm năng lực quan trọng nhất là năng lực thể chế và năng lực đổi mới sáng tạo. Hai điểm này là năng lực thuộc về con người để vận dụng, sáng tạo, tận dụng tất cả những điều kiện có để vươn lên.

Hai năm vừa qua, kinh tế thế giới rất lao đao. Đặc biệt năm 2022, xung đột kinh tế gắn với xung đột bạo lực ở tầm cao. Nó không chỉ đơn thuần là đứt gãy chuỗi liên kết mà vấn đề tiền tệ đang nổi lên rất mạnh, đi liền với đó là những vấn đề liên quan đến công nghệ cao. Xung đột về kinh tế trong năm 2022 một phần là nguyên nhân những cũng là kết quả của giai đoạn trước.

Đứt gãy trong chuỗi cung ứng cũng là một điểm cần lưu tâm, khi Trung Quốc còn áp dụng Zero Covid-19 thì toàn bộ thế giới còn bị ảnh hưởng. Sự cộng hưởng tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine càng khiến tình trạng đứt chuỗi cung ứng xăng dầu, nguyên liệu đầu vào,… trở nên ghê gớm mà Việt Nam chính là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ.

Nếu Việt Nam thu hẹp được tác động từ các yếu tố tiêu cực này thì có lẽ đây là lời khẳng định tốt nhất về năng lực độc lập tự chủ của Việt Nam.

Những dự báo gần đây càng chỉ ra rằng tình hình kinh tế thế giới năm 2022 sẽ càng xấu đi chứ không phải tốt lên. Dự báo về tăng trưởng GDP cứ vài tháng lại được điều chỉnh một lần theo hướng hạ xuống, xu hướng đình trệ lạm phát đang bộc lộ nguy cơ rất lớn, hai cuộc khủng hoảng về năng lượng và lương thực dần hình thành đe doạ nền kinh tế và con người,... là những thách thức rất lớn mà TS. Thiên chỉ ra.

NÊN ĐẶT CHỈ TIÊU LẠM PHÁT CAO HƠN ĐỂ "BƠM TIỀN" CHO NỀN KINH TẾ

Trong tình thế không mấy "sáng sủa", nhiều nguy cơ, lắm thách thức và tình thế thực sự khó lường, Việt Nam có điều gì để phát triển, TS. Thiên đặt vấn đề.

Dù vậy, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng chỉ ra rằng, hai năm qua đã mang đến rất nhiều bài học.

Bài học thứ nhất, những rủi ro của thế giới đòi hỏi sự liên kết, phụ thuộc với nhau để cùng tồn tại.

Bài học thứ hai là bài học về luật chơi. Toàn cầu hoá đẩy con người gần lại với nhau, vì vậy không thể "một mình một chợ" hay tự cô lập mình bằng cách xung đột với thế giới xung quanh.

Bài học thứ ba là lợi thế đi sau. Dịch Covid-19 buộc chúng ta từ nền kinh tế vật thể chuyển sang nền kinh tế số. Do đó, chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu nhất để chúng ta đối phó với những rủi ro kiểu cũ, bước sang thời đại mới. Nếu không chuyển đổi số và áp dụng công nghệ cao thì không thể chống đỡ với rủi ro từ dịch bệnh. Việt Nam đi sau nên cần phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Bài học thứ tư là dịch chuyển chuỗi cung ứng, đây là cơ hội cho Việt Nam. Công thức Trung Quốc +1 chưa bao giờ hiện rõ với Việt Nam, với ASEAN như lúc này, nếu Việt Nam chuẩn bị tốt hơn trong những năm vừa qua thì chắc chắn bây giờ sẽ khác.

Việt Nam đã đi qua giông bão và trụ hạng được là những thành tựu rất lớn.

PGS. Trần Đình Thiên: Kiềm chế chi phí đẩy nhưng việc bơm máu” cho nền kinh tế là việc phải làm - Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam đang có nền tảng rất tốt và Việt Nam là một quốc gia có khát vọng rất mạnh. TS. Trần Đình Thiên

Điều hành của Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh đầy "hiểm nguy" vừa qua cho thấy sự bản lĩnh, năng lực, linh hoạt nhạy bén trong chính sách, quyết liệt trong hành động.

Chống dịch nhưng không được làm đứt chuỗi của nền kinh tế thị trường. Các chuỗi hàng hoá, tiền tệ, lao động nếu có vấn đề thì nền kinh tế sẽ lao đao. Bài học chống dịch nhưng không làm đứt chuỗi là bài học rất lớn.

Cảnh báo sức sống "tiềm tàng" của cơ chế mệnh lệnh hành chính và cơ chế xin – cho. Nếu không có thái độ cảnh giác, kiên quyết thì nền kinh tế thị trường sẽ khó có cơ hội vươn lên.

Chương trình sau dịch không chỉ phục hồi kinh tế mà là phục hồi và phát triển, tận dụng thời cơ để Việt Nam bứt lên,...Đây là những lưu ý quan trọng mà TS. Thiên gửi tới Chính phủ.

Như vậy, thế giới vẫn bất thường, bất ổn nhưng Việt Nam đang có nền tảng tốt, có đà, có thế để phát triển. Điều này giúp chúng ta có cơ hội để bứt phá, TS. Thiên nói.

"Tất cả những câu chuyện tắc nghẽn vốn đầu tư công hay e ngại bơm vốn cho doanh nghiệp vì sợ lạm phát đều gây lãng phí cơ hội", TS. Thiên nhìn nhận.

Trong hoàn cảnh không bình thường thì tư duy và hành động cũng phải khác thường. Không chỉ là tháo gỡ, chỉnh sửa và phải thay đổi cơ chế.

Với nỗi lo lạm phát, Việt Nam đang nhập khẩu lạm phát rất lớn và nếu không bơm tiền ra thì lạm phát vẫn tăng lên. Kiềm chế chi phí đẩy nhưng việc "bơm máu" cho nền kinh tế là việc phải làm. Trong điều kiện lạm phát, doanh nghiệp thiếu máu, thiếu lực thì rủi ro lại càng cao.

TS. Thiên đề nghị Chính phủ nên mạnh dạn chủ động đặt chỉ tiêu lạm phát cao hơn để bơm tiền ra cho nền kinh tế, đẩy nhanh sản xuất.

Nhiều năm rồi, vốn giải ngân đầu tư công chậm chứ không phải chỉ do Covid-19 còn vốn tư nhân rất linh hoạt. Trong khi nguồn vốn công chậm lại mà nguồn vốn tư đang bùng nổ thì cần làm sao để giữ được nguồn lực mà không vi phạm về luật.

"Nếu kiềm chế nguồn vốn tư nhân thì sẽ làm chậm lại và mất đi cơ hội của nền kinh tế", TS. Thiên thẳng thắn chỉ ra.

PGS. Trần Đình Thiên: Kiềm chế chi phí đẩy nhưng việc bơm máu” cho nền kinh tế là việc phải làm - Ảnh 2.

TS. Trần Đình Thiên phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 4

HÀNG KHÔNG, DU LỊCH VÀ NĂNG LƯỢNG ĐANG CÓ CƠ HỘI RẤT LỚN

Trong số các lĩnh vực, TS. Thiên cho rằng, hàng không, du lịch và năng lượng là những ngành sẽ tạo lên "sức bật" cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Hàng không Việt Nam đang có cơ hội trỗi dậy rất là mạnh và hoàn toàn có thể vươn lên tạo lập vị thế trên thế giới. Cần có cách tiếp cận hàng không Việt Nam như một thế lực quốc gia có vị thế toàn cầu.

Du lịch cần thông thoáng hơn các quy định về visa, hộ chiếu,…cũng như cách thu hút du lịch của 63 tỉnh/thành phố cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để liên kết vùng, khu vực.

Cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới lần này cũng là cơ hội để Việt Nam ghi tên mình, tạo lập vị thế quan trọng trong sơ đồ năng lượng. Khi thế giới khủng hoảng năng lượng kiểu cũ (dầu thô) thì Việt Nam hoàn toàn có thể bứt lên bằng năng lượng xanh (hydro green), TS. Thiên khẳng định.

Việt Nam đang đứng trước thời điểm có tính thử thách rất lớn nhưng những khó khăn trong 2 năm vừa qua chúng ta đều đã vượt qua.

"Tư thế của Việt Nam là tư thế độc lập, đang đà vươn lên vì vậy không có lý do gì để cho đến bây giờ chúng ta đang có đà tốt, vị thế tốt lại không tận dụng được cơ hội của mình", TS. Trần Đình Thiên kết luận bài phát biểu của mình.

Theo Hạ An

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên