MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu: "Kinh doanh hay chơi chứng khoán, 17-18 tuổi cũng có thể trở thành tỷ phú; còn bác sĩ thường ổn định kinh tế khi tóc đã muối tiêu"

17-06-2021 - 15:11 PM | Sống

PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu: "Kinh doanh hay chơi chứng khoán, 17-18 tuổi cũng có thể trở thành tỷ phú; còn bác sĩ thường ổn định kinh tế khi tóc đã muối tiêu"

Theo PGS. TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu, đặc thù của ngành y là học lâu, kiếm tiền muộn. Tuy nhiên, bác sĩ khi đã có tay nghề và vị trí nhất định thì không thể nghèo được.

PGS. TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu là chuyên gia hàng đầu về can thiệp tim mạch cho trẻ em, đồng thời có rất nhiều cống hiến to lớn cho nền y học nước nhà.

Mới đây, trong buổi giao lưu trực tuyến ra mắt cuốn sách "Câu chuyện từ trái tim" (NXB Thế giới và Nhã Nam), PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu đã có những chia sẻ xoay quanh cuộc sống và nghề nghiệp của mình.

"Bác sĩ trông thì nhàn, nhưng bận tối mắt tối mũi"

Một trong những vấn đề được nhiều độc giả quan tâm nhất trong buổi giao lưu là thực trạng thăm khám, chữa bệnh của đội ngũ bác sĩ tại Việt Nam hiện nay.

PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, khó khăn lớn nhất của các bác sĩ Việt Nam hiện nay là thiếu thời gian. "Các bác sĩ trông thì nhàn, chỉ khám bệnh có 2-3 buổi/tuần thôi, nhưng thật ra bận tối mắt tối mũi", ông nhận xét.

Mỗi khi bệnh nhân vào viện, các bác sĩ phải thăm khám, giải thích và cho thuốc một cách kỹ lưỡng, trong đó việc giải thích diễn ra rất lâu. Ngoài thời gian đó, họ còn phải thực hiện các công việc chuyên môn, đi giảng dạy cho sinh viên,…

Vị bác sĩ này gợi ý, ngành y cần xây dựng một đội ngũ hỗ trợ bác sĩ như nước ngoài, gọi là thư ký y khoa. Họ là những người chuyên phụ trách nhập và trả kết quả, liên hệ và trả lời những thắc mắc thông thường của người bệnh. Như vậy, bác sĩ sẽ có thêm thời gian để học tập, nghiên cứu và nâng cao trình độ, bởi ngành y nếu không học liên tục sẽ tụt hậu rất nhanh.

Về chuyện bác sĩ thường lạnh lùng, ít cười khi thăm khám cho bệnh nhân, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu cũng đồng tình rằng đã đến lúc ngành y cần thay đổi.

"Trước đây dân gian có câu ‘Thầy già con hát trẻ’. Bác sĩ phải già, nghiêm nghị, đạo mạo thì người ta mới tin", ông giải thích. "Thế nhưng hiện nay, chúng ta phải thay đổi. Bác sĩ càng cởi mở và thân mật, người bệnh càng dễ chia sẻ với mình".

Ngoài ra, trong buổi giao lưu trực tuyến, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu cũng nhắc đến vấn nạn lạm dụng chỉ định điều trị. Đây là hiện tượng phổ biến trong ngành y mà ông đã bày tỏ lo lắng không ít lần trên các phương tiện truyền thông.

PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu: Kinh doanh hay chơi chứng khoán, 17-18 tuổi cũng có thể trở thành tỷ phú; còn bác sĩ thường ổn định kinh tế khi tóc đã muối tiêu - Ảnh 1.

Theo ông, đa số các bệnh hiện nay đều có thể chẩn đoán được nếu có phương tiện hiện đại. Vì thế, sự khác nhau trong khám, chữa bệnh chỉ nằm ở trình độ bác sĩ. Bác sĩ giỏi thường mất rất lâu để chỉ định xét nghiệm, vậy nên họ có thể trả lời kết quả sớm cho bệnh nhân. Bác sĩ kém lại khám rất nhanh, nhưng phải tốn nhiều thời gian mới đưa ra được kết luận.

"Nhanh một tí cho chúng ta nhưng lại làm lâu cho người bệnh – đó là cái hại nhất", vị bác sĩ này chia sẻ.

"Tôi chưa thấy bác sĩ nào giỏi mà nghèo cả"

Trong buổi giao lưu trực tuyến, nhiều độc giả trẻ tỏ ra quan tâm đến triển vọng của ngành y. Chuyện bác sĩ mới ra trường chật vật về kinh tế, lương thấp không đủ sống và lo cho gia đình cũng được đề cập tới.

Theo PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu, vấn đề này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà là tình trạng chung của thế giới. Hầu hết các bác sĩ mới ra trường đều gặp khó khăn trong việc ứng dụng kiến thức trên trường vào thực tiễn bệnh viện.

"Chúng ta chưa được bệnh nhân tôn trọng, đồng nghiệp tôn trọng, đương nhiên là thu nhập sẽ thấp’, ông giải thích. Tuy nhiên, khi bác sĩ dần dần có vị trí, phương pháp chuyên môn thành thạo, danh tiếng, thu nhập của họ sẽ ổn định.

"Tôi chưa thấy bác sĩ nào giỏi mà nghèo cả", ông khẳng định. 

Vị bác sĩ này cũng nói thêm: "Chúng tôi thường ổn định kinh tế khi tóc đã muối tiêu rồi. Các ngành nghề khác như kinh doanh hay chứng khoán, 17-18 tuổi cũng có thể trở thành tỷ phú được".

Do đặc thù của ngành y là vậy, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu khuyên người trẻ cần xác định đây không phải nghề để kiếm tiền, mà là vì đam mê, sự nghiệp và cống hiến.

PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu nhận định, thu nhập của bác sĩ tại Việt Nam hiện chưa tương xứng với sự vất vả, đóng góp của họ. Ông đề xuất Việt Nam nên áp dụng cách làm của nước ngoài: cho sinh viên y vay tiền đi học.

Ngân hàng sẽ có những gói ưu đãi dành cho các sinh viên y học đại học, thạc sĩ và nội trú. Họ tự tin cho vay vì biết sinh viên y sau khi tốt nghiệp và đi làm sẽ có đủ tiền để trả lại.

"Tôi nghĩ trong tương lai chúng ta cần phải nghĩ về việc đấy. Nên tạo gói hỗ trợ cho các sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn", ông nói.

PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu: Kinh doanh hay chơi chứng khoán, 17-18 tuổi cũng có thể trở thành tỷ phú; còn bác sĩ thường ổn định kinh tế khi tóc đã muối tiêu - Ảnh 2.

Song song đó, các bệnh viện ngày nay rất biết trân trọng những người có chuyên môn cao. Vì thế, bác sĩ giỏi ra trường được vài năm có khá nhiều lựa chọn. PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu cũng khuyên sinh viên y khoa không nên so sánh bản thân với những người bạn đồng trang lứa.

"Tôi nhớ mãi năm đó, lương học bổng của Y6 chúng tôi chỉ có 21.000 VNĐ, mà lương các bạn đã tính bằng USD rồi", ông kể. "Tôi rất thông cảm, nhưng chúng ta đừng nhìn sang các bạn. Cứ nhìn về phía trước, nhìn những người trong ngành đã đi trước mình để phấn đấu".

PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu cũng nhắn nhủ tới các sinh viên y rằng khó khăn của ngành này không chỉ dừng lại ở việc học lâu hay kiếm tiền muộn.

"Bác sĩ mà bệnh nào cũng chữa được chắc không có trên đời. Ngày nào cũng có những ca tuột khỏi tay chúng tôi, không giữ lại được", ông tâm sự. "Đó cũng là một cái phải trả giá. Để vượt qua, mình luôn luôn tự nhủ rằng đấy là số phận, là nghiệp y của mình".

"Tôi thường đi làm rất sớm, 5h30 đã ra khỏi nhà"

Bên cạnh những câu chuyện về ngành y, cuộc sống cá nhân của PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu cũng được vô số độc giả quan tâm.

Vị bác sĩ này chia sẻ, ông theo đuổi chuyên ngành tim mạch hoàn toàn là vì sở thích. So với các lĩnh vực, tim mạch lại rất rõ ràng và tường minh, phù hợp với người ưa tư duy logic như ông. Thế nhưng, ít ai biết rằng đam mê của ông lại từng bị gia đình phản đối.

"Hồi đó, tôi quyết định vào tim mạch. Chú ruột tôi – GS. TS. Nguyễn Lân Việt, khi đó là Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam – nhất định bảo: ‘Thôi, đừng vào tim mạch’, vì thấy hồi xưa tôi nghịch. Vào đây mà không cẩn thận, làm bệnh nhân chết là người ta kiện đi tù. Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm theo. Mình đã thích thì mình phải làm", ông tiết lộ.

Hiện tại, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu vừa làm bác sĩ, vừa chịu trách nhiệm quản lý (Giám đốc Bệnh viện ĐH Y), vừa tham gia nghị trường (đại biểu Quốc hội). Công việc tuy rất bận rộn nhưng ông vẫn cố gắng dậy sớm, sắp xếp để hoàn thành tất cả.

"Tôi thường đi làm rất sớm, 5h hoặc 5h30 đã ra khỏi nhà. Tôi làm công việc chuyên môn vào sáng sớm; buổi trưa, buổi chiều chủ yếu làm công tác quản lý, viết sách, giảng bài...", ông cho biết.

Với vị bác sĩ này, khó khăn và vất vả nhất là giai đoạn họp Quốc hội, mỗi năm khoảng 2 tháng. Khi đó, ông sẽ phải làm việc thêm cả buổi trưa hoặc buổi tối muộn.

Dù vậy, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu vẫn duy trì khám bệnh 3 buổi/tuần. Trong đó, có 2 buổi là khám theo chức danh PGS. TS. (khám theo yêu cầu, bệnh nhân phải trả phí cao hơn); buổi còn lại diễn ra vào thứ Tư, khám với tư cách bác sĩ (giá khám thông thường).

"Từ trước đến giờ, ngày thứ Tư của tôi không thay đổi. Tôi vẫn giữ thói quen này trong 20 năm hành nghề", ông chia sẻ.

PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu: Kinh doanh hay chơi chứng khoán, 17-18 tuổi cũng có thể trở thành tỷ phú; còn bác sĩ thường ổn định kinh tế khi tóc đã muối tiêu - Ảnh 3.

Với khối lượng công việc đồ sộ như vậy, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu đã học hỏi kỹ năng quản lý thời gian của bố mình – GS. TS. sinh học Nguyễn Lân Dũng

"Ông là người rất nguyên tắc. Ví dụ, ông đang ngồi viết từ điển tiếng Anh chuyên ngành sinh học. Ông bảo ngày hôm nay viết vần A thì ông phải viết bằng hết vần A thì mới đi ngủ. Năm nay ông 84 tuổi mà vẫn đang viết cuốn sách dày cỡ 7.000-8.000 trang", vị bác sĩ tiết lộ.

Bản thân PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu cũng đề ra cho mình những nguyên tắc riêng.

Thứ nhất, đã xác định làm việc gì thì phải làm đến tận cùng. Đừng làm dở dang, làm nửa chừng rồi quay đi làm việc khác rồi mới quay lại, bởi như vậy các việc sẽ chồng chéo lên nhau.

Thứ hai, phải xác định được tầm quan trọng của công việc: việc gì không thể không làm, việc gì có thể chờ, việc gì có thể tặc lưỡi bỏ qua.

"Việc quan trọng nhất là sắp xếp thời gian để khám, chữa bệnh. Việc quan trọng thứ hai là dạy học. Đi giảng bài, chấm luận án nghiên cứu sinh, hướng dẫn sinh viên,… những việc đó không thể quên được", ông nói.

Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, những việc nhỏ hơn có thể từ từ làm, nhưng không nên bỏ dở. Hiện tại, ông đang có một thư ký riêng chuyên sắp xếp thời gian, công việc chuyên nghiệp cho mình.

Tú Khê

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên