MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS. TS Tô Trung Thành: Đại dịch COVID-19 sẽ tạo ra cú sốc kinh tế toàn cầu, riêng tác động từ hạn chế giao thương với Trung Quốc có thể làm GDP Việt Nam giảm tăng trưởng tới 0,8%

Nếu dịch bệnh kéo dài hơn 3 tháng, khả năng nền kinh tế có thể rơi vào thời kỳ suy thoái là rất cao nếu không có những giải pháp đột phá và quyết liệt.

PGS.TS Tô Trung Thành
PGS.TS Tô Trung Thành
Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
11 bài viết

Dịch bệnh COVID-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ đầu năm 2020. Cho tới thời điểm ngày 26/3/2020, dịch bệnh đã lan tới 198 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 468.000 trường hợp nhiễm bệnh và gần 21.200 ca tử vong. Số người nhiễm bệnh và bị chết vì bệnh đều vượt xa các con số liên quan đến dịch SARS trong năm 2002-2003 (26 quốc gia, 8.098 trường hợp nhiễm và 774 trường hợp chết) và MERS trong năm 2012 (27 quốc gia, 2.494 trường hợp nhiễm và 858 trường hợp chết). Nếu như trước tháng 3, dịch bệnh chủ yếu diễn ra ở Trung Quốc thì kể từ tháng 3 dịch bệnh đã lan nhanh ở các nước ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở Italy, Iran và Hàn Quốc. Châu Âu và Mỹ - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh.

Đại dịch sẽ tạo ra cú sốc kinh tế toàn cầu và có thể khiến nền kinh tế suy thoái

Những diễn biến trên cho thấy dịch bệnh COVID-19 không phải là một bệnh dịch thông thường, trong một khu vực địa lý, mà là một đại dịch (pandemic) có phạm vi toàn cầu. Nếu như dịch bệnh SARS kéo dài 6 tháng mới bị khống chế (số lượng người bị nhiễm và chết tăng không đáng kể) và khoảng 8 tháng mới chấm dứt thì với quy mô lây nhiễm như hiện tại của COVID-19, thời gian có thể khống chế và chấm dứt dịch bệnh có thể kéo dài lâu hơn thế.

Khi đại dịch diễn ra trong một thời gian từ 3 tháng trở lên trên qui mô toàn cầu, nó sẽ tạo ra cú sốc trên cả hai phía cung và cầu với mọi nền kinh tế. Theo dự báo của Bloomberg, trong kịch bản tồi nhất, thiệt hại tổng cộng của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu có thể lên đến 2,7 nghìn tỷ USD, với các nền kinh tế rơi vào suy thoái, bao gồm ở Mỹ, khu vực đồng EUR và Nhật Bản, và mức tăng trưởng chậm nhất tại Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, tác động của dịch COVID 19 có thể khiến nền kinh tế bị tác động một cách mạnh mẽ và lâu dài. Kinh tế sẽ suy giảm nhanh chóng do giảm mạnh ở cả tổng cung (các doanh nghiệp suy giảm sản xuất, đứt gãy nguồn cung đầu vào,....) và tổng cầu (nhu cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư sản xuất suy giảm, xuất khẩu giảm mạnh...). Trong khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn với thế giới (năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP đã lên đến 200%, cao nhất trong khu vực), khu vực đối ngoại lại đang là đầu tầu cho tăng trưởng trong những năm qua, nên mức độ tác động của dịch COVID 19 đến nền kinh tế sẽ bị khuyến đại nhiều hơn.

Do tác động của dịch COVID-19 và phản ứng của Chính phủ, Doanh nghiệp tổ chức, và người dân, hầu hết các ngành dịch vụ của nền kinh tế bị ảnh hưởng ngay lập tức, và rất nặng nề như các ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Vận tải, kho bãi; Giáo dục và đào tạo; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí... Việc ngành dịch vụ chiếm tới hơn 40% GDP và đang giữ nhịp cho tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua) bị ảnh hưởng nặng nể sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2 đã giảm 7,9% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, các ngành khác cũng bị tác động. Ngành chế biến chế tạo, đang đóng góp lớn vào xuất khẩu và tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là ngành tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu nhập đầu vào từ Trung Quốc, Hàn Quốc và xuất sang Mỹ và châu Âu. Việt Nam hiện đang nhập đầu công nghệ; máy móc thiết bị; điện tử điện thoại linh kiện từ Trung Quốc lần lượt chiếm đến 34,16%; 38,62% và 29,80% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tương ứng trong năm 2019. Việt Nam cũng nhập khẩu máy vi tính, linh kiện điện từ Hàn Quốc chiếm thị phần cao nhất gần 35%. Việc hạn chế giao thương với các đối tác lớn này, đồng thời sản xuất tại các nước này cũng bị đình trệ, dẫn đến sư đứt đoạn trong quá trình sản xuất trong chuỗi giá trị tại Việt Nam. Ngoài ra, thượng nguồn của chuỗi giá trị mà Việt Nam tham gia là Mỹ và EU cũng trở nên khó khăn hơn. Như vậy, cả thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi giá trị Việt Nam tham gia đều bị ảnh hưởng nặng nề. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,4% (so với mức tăng 11,4% cùng kỳ năm trước).

Ngành nông lâm thủy sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh giới hạn giao thương với Trung Quốc; trong khi Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng của các sản phẩn nông sản của Việt Nam (chiếm gần 25% kim ngạch xuất khẩu nông sản).

Nếu dịch bệnh chỉ kéo dài 2-3 tháng, đa phần các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn có thể chịu đựng được. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng nền kinh tế có thể rơi vào thời kỳ suy thoái là rất cao nếu không có những giải pháp đột phá và quyết liệt. Nhiều doanh nghiệp khó có thể cầm cự, phải ngừng hoạt động và sa thải lao động. Trong 2 tháng đầu năm 2020 đã có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lao động trực tiếp làm việc ở các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là rất lớn như ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang có khoảng 20 triệu lao động, riêng ngành dệt may là khoảng 3 triệu lao động trực tiếp. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là hơn 5 triệu lao động. Ngành vận tải kho bãi là 3,3 triệu lao động...Lực lượng lao động không có việc làm gia tăng sẽ khiến cho tổng cầu sụt giảm tiếp, kéo theo các doanh nghiệp bị xoáy thêm vào vòng soáy suy giảm, dẫn đến vấn đề nợ xấu gia tăng, và gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính tiền tệ. Khó khăn và bất ổn kinh tế thực cũng khiến thị trường chứng khoán suy giảm mạnh.

Bên cạnh đó, gia tăng các chi phí để chống dịch, và phòng chữa bệnh sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, trong tình trạng ngân sách đang khó khăn và nguồn thu bị suy giảm do kinh tế suy giảm; thâm hụt ngân sách gia tăng, các nguồn lực khác để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bị thu hẹp đáng kể.

4 kịch bản tác động của COVID-19 lên kinh tế Việt Nam

Dựa trên bảng Bảng cân đối liên ngành song phương Việt Nam – Trung Quốc, trong Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2019 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chúng tôi đã đưa ra một số kịch bản tác động của riêng việc hạn chế giao thương với Trung Quốc:

Thứ nhất, tác động của việc hạn chế quan hệ thương mại qua đường tiểu ngạch với Trung Quốc. Giả sử xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch giảm 30%, do Việt Nam nhập từ Trung Quốc cho nhu cầu cuối cùng cao hơn Viêt Nam xuất sang Trung Quốc (hơn 2 lần), từ bảng IO song phương cho thấy GDP của Việt Nam không giảm mà thậm chí có thể tăng khoảng 0,7%.

Thứ hai, tác động của ngành du lịch giảm sút. Tổng cục Du lịch Việt Nam đã ước tính thiệt hại vì COVID-19 trong 3 tháng sẽ ở mức 5,9 – 7,7 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở thị trường khách Trung Quốc, quốc tế và nội địa. Với thị trường Trung Quốc, khách du lịch sẽ giảm 90 – 100%, tương ứng từ 1,7 đến 1,9 triệu lượt (1,8 – 2 tỷ USD). Các thị trường quốc tế khác được dự báo giảm 50 – 70%, tương đương 2 – 2,8 triệu lượt (2,2 – 3 tỷ USD). Thị trường nội địa giảm 50 – 70%, khoảng 10,9 – 15,3 triệu lượt (1,9 – 2,7 tỷ USD). Gộp các ngành liên quan đến du lịch như khách sạn, nhà hàng, vận tải, vui chơi - giải trí có tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất (doanh thu) khoảng 30%. Như vậy, ảnh hưởng đến giá trị tăng thêm của các hoạt động liên quan đến du lịch khoảng 1,8 – 2,3 tỷ USD, chiếm khoảng 0,8% GDP. Với những giả thiết Tổng cục Du lịch đưa ra ở trên, GDP dự báo giảm 1,2% – 1,4%.

Thứ ba, tác động của việc suy giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. Giả sử nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 5% sẽ khiến GDP của Việt Nam giảm 0,1%.

Thứ tư, tổng hòa một số kịch bản trên. Nếu tổng hòa kịch bản xuất nhập khẩu tiểu ngạch với Trung Quốc giảm 30%, thiệt hại doanh thu du lịch 5,9 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc cho sản xuất giảm 0,5% thì GDP dự báo có thể giảm 0,6%. Trong kịch bản tổng hòa các yếu tố, nếu thiệt hại doanh thu du lịch nặng nề hơn (7,79 tỷ USD), thì GDP dự báo có thể giảm 0,8%.

Như vậy, chỉ riêng việc hạn chế giao thương với Trung Quốc đã kéo giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến 0,8%. Hiện nay, tác động nhiều chiều và từ các khu vực khác như Mỹ, châu Âu chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

PGS. TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên