MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS-TS. Trần Đình Thiên: Kinh tế Việt Nam, bi kịch cô gái có khuôn mặt không đường nét

Bi kịch của kinh tế Việt Nam là bởi nó mang một khuôn mặt nhạt nhoà, không có đường nét, không có một cá tính riêng, ông Trần Đình Thiên, PGS-TS Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét.

Việt Nam được đánh giá là một trường hợp khá đặc biệt bởi dù đang trong quá trình công nghiệp hoá đất nước nhưng lại không có một ngành công nghiệp mũi nhọn nào. Đầu tư, kinh doanh dàn trải, không có sự tập trung, điểm nhấn khiến cho kinh tế Việt Nam được ví von như một cô gái có khuôn mặt nhạt nhoà, không đường nét như bình luận của PGS-TS. Trần Đình Thiên.

Sản phẩm của ngành mũi nhọn của một quốc gia, ngoài giá trị của bản thân, nó còn mang ý nghĩa đặc trưng của chính quốc gia đó. Như là cái những cái tên bảo chứng chất lượng của Panasonic, Sony hay là Samsung - gợi lên sự chuyển mình thần kỳ của một đất nước.

Còn Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa định hình đất nước sẽ sản xuất cái gì, tập trung vào cái gì. Chúng ta dường như đang rơi vào cái bẫy của thu hút đầu tư, của tăng trưởng nhờ đồng vốn FDI nên cứ vô tư mở cửa, vô tư ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, sản xuất.

Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam được nhận định là tăng theo từng năm. Theo số liệu gần đây nhất được Tổng cục Thống kê đưa ra thì tổng vốn cấp mới 6 tháng đầu năm đã tăng thêm 105,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so sánh với những chi phí cơ hội đã bỏ ra, luồng vốn này vẫn là cả một câu chuyện đáng suy nghĩ, TS Trần Đình Thiên nhận xét

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết, khu vực FDI chiếm đến 70% giá trị xuất khẩu của cả nước nhưng giá trị gia tăng chưa tới 20% trong GDP. Vậy FDI đổ vào chỉ làm tăng nhập khẩu. Trên thực tế, các loại hàng hoá nhập khẩu lại được dùng làm máy móc, nguyên liệu đầu vào cho FDI rồi khi có thành phẩm mang đi xuất khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử, máy tính, linh kiện... mang tính gia công lắp ráp, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả thu về không cao.

Đầu tư dàn trải, không có sự chuẩn bị trước khiến Việt Nam luôn là một nước đi sau, một nước chỉ có thể làm vỏ, bao bì cho sản phẩm chất lượng cao của nước khác. Và gần như những ưu đãi của các hiệp định, ký kết, mở cửa là dành cho các doanh nghiệp ngoại.

Một nghịch lý khác được ông Trần Đình Thiên chỉ ra chính là việc Việt Nam vẫn còn mở của cho vốn FDI đầu tư vào những ngành công nghiệp nặng, như thép, như giấy,... vốn được ví là “công nghiệp hoàng hôn”.

Hậu hoạ mà những dự án này để lại là rất lớn như là "thảm hoạ Formosa" gần đây. Nó là sự đánh đổi quá đắt giá khi cứ tiếp tục đầu tư vào những ngành công nghiệp như vậy.

Khuôn mặt kinh tế Việt Nam cần đường nét, nhưng đường nét đó phải là những chuyển biến như là đẩy mạnh vào ngành công nghệ cao. Ngành này đối với thế giới vẫn là mới, do đó Việt Nam cũng có thể thực hiện được. Việt Nam không thể tiếp tục chấp nhận việc mờ nhạt mãi, ông Thiên cho hay.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên