PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Điểm nhạy cảm của "bom tấn" kích thích tăng trưởng
Với kịch bản lạc quan, GDP Việt Nam năm 2020 sẽ tăng trưởng 4% và với các dự báo ít tích cực hơn thì con số là dưới 3%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng, phải đến cuối quý 3, xu hướng của nền kinh tế mới được định hình.
- 25-07-2020Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng: Phấn khởi về làn sóng FDI mới có lẽ là đang lạc quan... hơi quá!
GDP quý 2 tăng trưởng 0,36% và quý 1 là 3,82% nhưng 6 tháng chỉ tăng 1,81%. Theo anh, với đà tăng trưởng này, cả năm có thể đạt mức trên 3% và gần 4% hay không?
Theo tôi, những dữ liệu này không đủ cơ sở để kết luận xu hướng tăng trưởng 2 quý cuối năm là bao nhiêu. Thực chất, mọi dự đoán về con số tăng trưởng cụ thể không quan trọng bằng việc nền kinh tế có lấy lại được các động lực phục hồi kinh tế, cũng như giải quyết được các vấn đề tiếp theo hay không.
Từ góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng, nền kinh tế chưa ở mức tệ nhất, do độ trễ của các tác động tiêu cực từ quá trình cách ly xã hội cũng như từ nền kinh tế của các nước đối tác vẫn chưa bộc lộ và truyền dẫn một cách đầy đủ lên nền kinh tế Việt Nam. Phải đợi đến hết quý 3 thì chúng ta mới có đầy đủ những số liệu đầu vào để đánh giá được triển vọng kinh tế của cả năm.
Như vậy, theo góc nhìn của ông, điều đó có nghĩa rằng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục đi xuống, hay theo hướng tăng nhưng rất chậm?
Tôi nghĩ rằng tăng trưởng kinh tế trong quý 3 sẽ có chiều hướng đi xuống. Tuy nhiên, cho đến lúc này chúng ta cũng chỉ đưa ra những dự đoán và chờ đợi. Bởi vì nếu dữ liệu quý 3 xấu hơn thì khả năng cao chúng ta sẽ tăng trưởng âm. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ không xảy ra.
Trước khi có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng công bố hôm 24/7, Việt Nam vẫn là quốc gia kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt. Điều này giúp gì cho việc hồi phục tăng trưởng kinh tế hay không?
Không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã rất thành công trong công cuộc chống dịch. Đây chắc chắn cũng là một lợi thế lớn khi giải quyết bài toán khôi phục lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế thời hậu dịch.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều này cũng không thể đảm bảo được quá trình phục hồi kinh tế của chúng ta sẽ diễn ra nhanh hơn.
Sự thành công trong quá trình chống dịch đã giúp chúng ta bảo vệ được sức khoẻ của người dân. Điều thứ hai là chúng ta cũng không phải tốn kém những khoản ngân sách khổng lồ để xử lý hậu quả của dịch bệnh. Đây là những tiền đề quan trọng để chúng ta đảm bảo rằng nền kinh tế không gặp những thiệt hại quá nặng nề như các quốc gia trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, do độ mở rất lớn của nền kinh tế, sự phục hồi của Việt Nam không thể tách khỏi xu thế chung của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, chừng nào kinh tế thế giới bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng thì nền kinh tế Việt Nam mới mong phục hồi theo.
Do chống dịch thành công, nên chúng ta cũng sẽ nhận được những kết quả tích cực hơn mức trung bình trên thế giới. Điều này có nghĩa là, nếu nền kinh tế thế giới phục hồi, thì chúng ta sẽ phục hồi nhanh hơn. Còn nếu như nền kinh tế các nước tiếp tục xấu đi, thì tôi cho rằng các hoạt động kinh tế của chúng ta cũng sẽ duy trì ở mức như hiện tại chứ không giảm xuống nữa.
Theo ông, hiện tại, những yếu tố nào khiến các dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn rất bất định?
Có 3 yếu tố chúng ta không kiểm soát được. Thứ nhất đó là sự sụt giảm tổng cầu của thế giới nói chung cũng như nhu cầu của các quốc gia đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Hiện tại, nền kinh tế các nước vẫn còn cách ly để chống dịch, đường biên vẫn chưa mở cửa, do vậy giao thương quốc tế rất khó khăn và dẫn tới việc hàng hoá của chúng ta bị bí đầu ra.
Hơn nữa, phần lớn các ngành công nghiệp của chúng ta phải sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu. Vì vậy hiện nay, vấn đề đảm bảo yếu tố đầu vào cho các ngành sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Đây là vấn đề rất đáng lo ngại vì khi các khu công nghiệp và nhà máy phải cắt giảm một lượng lớn nhân công. Điều này sẽ gây ra những diễn biến không thể dự đoán trước.
Yếu tố bất định thứ hai đó là tiêu dùng. Yếu tố này nằm trong 3 động lực tăng trưởng mà hiện nay Chính phủ đang thúc đẩy, bao gồm: tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư công.
Tiêu dùng nội địa, mặc dù phần nào khả quan hơn xuất khẩu nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Do thu nhập bị giảm xuống và tâm trạng bi quan với triển vọng kinh tế, người tiêu dùng đang có xu hướng phòng thủ trong chi tiêu.
Yếu tố cuối cùng đó là xuất khẩu. Như tôi đã đề cập, biên giới các nước đối tác của Việt Nam vẫn còn đang đóng cửa. Mặc dù chúng ta đã có những chính sách kích thích xuất khẩu rất đúng hướng, nhưng vấn đề là thị trường các nước vẫn chưa mở cửa và hấp thụ được lượng hàng hoá mà chúng ta mong muốn xuất đi. Đây là một yếu tố chúng ta không thể kiểm soát được.
Vậy yếu tố nào trong kích thích tăng trưởng chúng ta có thể kiểm soát được tốt?
Hiện chỉ có kích thích tài khoá thông qua đầu tư công là yếu tố chúng ta có thể kiểm soát và nắm quyền chủ động nhất.
Gần đây, trong chuyến đi rà soát các dự án đầu tư công, Thủ tướng có phát biểu rằng: "Ai không làm thì đứng ra một bên để người khác làm!". Ông thấy gì từ động thái này?
Có hai vấn đề ở đây: Thứ nhất, Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách sốt ruột về việc giải ngân đầu tư công vì là đây là yếu tố duy nhất mà chúng ta có thể chủ động thúc đẩy. Điển hình như Chính phủ có thể chủ động trong việc thu xếp ngân sách, bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư công.
Đây là những biện pháp mà Chính phủ kỳ vọng sẽ tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, giải quyết đầu ra cho ngành sản xuất, tạo bầu không khí lạc quan và giúp người dân cảm thấy yên tâm hơn.
Tuy nhiên, chúng ta đang gặp phải những rào cản. Vấn đề đầu tiên đó là thủ tục đầu tư công không đơn giản, do phải liên quan đến các quy trình về giải phóng mặt bằng, về pháp lý, và những yếu tố này đều được ràng buộc bởi những quy trình chặt chẽ.
Lý do các dự án đầu tư công đang trì hoãn và kéo dài là bởi lãnh đạo các địa phương hoặc các bộ ngành luôn phải cẩn trọng khi đưa ra những quyết định mang tính đột phá. Rủi ro trong việc ra quyết định liên quan đến pháp lý và sinh mệnh chính trị của họ.
Thời gian gần đây, nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế đưa ra các kịch bản tăng trưởng khác nhau. Ông có nhận xét gì về các kịch bản tăng trưởng đó?
Nhiều tổ chức và các nhà kinh tế đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế khác nhau nhưng không ai có thể biết chính xác xác suất của từng kịch bản là bao nhiêu. Theo tôi, yếu tố then chốt là việc có tìm ra vắc-xin nhanh chóng và phổ biến chương trình chủng ngừa được hay không. Vì vậy, các kịch bản phục hồi kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian tìm ra vắc-xin nhanh hay chậm.
Có thể nói vui rằng lần này người đưa ra các kịch bản kinh tế chính xác nhất là các chuyên gia y tế chứ không phải kinh tế!
Nếu đánh giá về những rào cản phục hồi tăng trưởng của Việt Nam bao gồm cả những yếu tố chủ quan và khách quan. Theo ông, yếu tố nào có tác động lớn nhất?
Điểm mấu chốt và quan trọng lúc này đó là tìm ra vắc-xin và phổ biến vắc-xin rộng rãi ra cộng đồng. Khi điều này xảy ra, các hoạt động đầu tư, sản xuất, chi tiêu sẽ bùng nổ. Các dự án đang trì hoãn sẽ được khôi phục, tiêu dùng nội địa sẽ tăng nhanh... Tuy nhiên, từ giờ cho tới thời điểm đó, những yếu tố như kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư công, các chính sách trợ giúp xã hội… sẽ đảm bảo cho nền kinh tế không rơi vào tăng trưởng âm hoặc không gây ra đổ vỡ cho một số ngành sản xuất.
Nếu xếp hạng về tác động của "cỗ xe tam mã" mà Chính phủ đang muốn kích thích, đầu tư công sẽ là yếu tố quan trọng nhất, sau đó là tiêu dùng và cuối cùng là xuất khẩu. Xuất khẩu là yếu tố phụ thuộc hoàn toàn vào viễn cảnh nền kinh tế thế giới, do vậy đầu tư công và tiêu dùng sẽ là các yếu tố có tính chất mũi nhọn.
Ông có nhận xét về việc tiêu dùng nội địa vẫn là một yếu tố khó kiểm soát. Vì sao lại khó kiểm soát khi mà Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp tác động vào khả năng chi tiêu của người dân?
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định chi tiêu của người dân đó là về giá cả. Mặc dù, Chính phủ mà chủ yếu là Bộ Công Thương cũng đã tích cực đốc thúc và tác động lên các trung tâm thương mại, khu mua sắm, những doanh nghiệp, thương hiệu để có những chương trình giảm giá nhưng khó khăn ở phía cung cũng khó lòng để họ có thể đưa ra những mức giá thực sự hấp dẫn mà vẫn đảm bảo được chất lượng hàng hoá dịch vụ.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tìm cách để kích thích mua sắm, tác động lên ý muốn và hành vi chi tiêu của người dân. Điển hình như các quyết định kéo dãn thời gian kết thúc năm học, cố gắng duy trì kỳ nghỉ hè đủ dài để các gia đình đi du lịch, hoặc những chương trình ưu đãi liên quan đến lương thực, thực phẩm, nông sản. Tuy vậy, mấu chốt vẫn ở tâm lý tiêu dùng của người dân. Họ chưa thực sự lạc quan, chưa tự tin về thu nhập của họ trong tương lai. Nên hầu như tác động của các chính sách này rất hạn chế.
Chính vì vậy, triển vọng kinh tế lạc quan nhất lúc này đó là năm nay Việt Nam sẽ không rơi vào tăng trưởng âm và hy vọng chúng ta có thể sống chung với Covid-19 càng sớm càng tốt!