MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS Trần Đình Thiên: Cơ hội để sửa đổi Luật Đầu tư mạnh mẽ, toàn diện, đừng chỉ "cơi nới"

26-05-2020 - 09:37 AM | Bất động sản

Bàn về Luật Đầu tư (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, PGS TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, cần sửa đổi mạnh mẽ hơn nữa, mạnh tay cắt bỏ những quy định không phù hợp để "cởi trói" cho doanh nghiệp thay vì chỉ "cơi nới" một vài điều luật.

Thưa ông, một trong những lý do được cơ quan soạn thảo đưa ra để đề nghị sửa Luật Đầu tư 2014, đó là nhiều thủ tục hành chính "trói chân" doanh nghiệp, xuất phát từ việc chưa phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Theo ông, mục tiêu này là hợp lý hay chưa?

Hiện nay, Việt Nam đang đặt ra hàng loạt vấn đề có tính chất nền tảng cho sự phát triển khi chúng ta bàn về thu hút vốn FDI, bàn sửa đổi Luật Đất đai… Sở dĩ, nhiều vấn đề cấp bách đang đặt ra như vậy là để thích ứng với sự biến động của thời cuộc. Việc sửa đổi Luật Đầu tư cũng cần được nhìn nhận trong xu thế đó. Nó càng trở nên cấp thiết hơn, bởi Luật Đầu tư có ý nghĩa tạo hành lang hoạt động cho doanh nghiệp nhưng luật hiện hành đang có nhiều vấn đề không phù hợp, đang trở thành những rào cản trói buộc, khiến không ít DN chịu tốn kém chi phí, khó phát triển với quy mô lớn và lãng phí rất nhiều cơ hội.

Việc sửa đổi Luật Đầu tư vào thời điểm này là một quyết sách sáng suốt của Chính phủ, Quốc hội, xuất phát từ việc lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, theo dõi quá trình triển khai luật hiện hành trong nhiều năm qua và nhận ra những bất cập. Đây là thời điểm chín muồi để sửa luật, nhằm gỡ bỏ mọi rào cản, trong đó có giảm thiểu các thủ tục hành chính để DN phát triển lớn mạnh, có sức bật vươn tầm quốc tế. Việc sửa đổi cần tiến hành ngay, nếu không sẽ kéo lùi sự phát triển.

Nói vậy để thấy, việc sửa Luật Đầu tư đang được kỳ vọng tạo ra những sự thay đổi một cách căn bản, thậm chí rất bức thiết đến mức theo tôi nếu có thể được, thậm chí có thể bỏ Luật Đầu tư đi.

Vì sao thưa ông?

Vì chúng ta đã có những định hướng rất cụ thể cho các hoạt động đầu tư, được quy định trong các dự án luật khác rồi. Chẳng hạn, một dự án đầu tư phải đặt vấn đề an ninh quốc gia lên hàng đầu. Tiếp sau đó là những tiêu chuẩn về môi trường, xã hội.

Một vài lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì cũng đã được vạch rõ hành lang hoạt động rồi, DN được phép làm những gì mà luật pháp không cấm. Trong thực tế, ở nhiều nước phát triển họ đã bỏ Luật Đầu tư đi rồi.

Tất nhiên, trong điều kiện nước ta, việc bỏ hẳn đi bộ luật đó cũng chưa phù hợp, nên mới có chuyện đưa luật hiện hành ra bàn để sửa sao cho nó phù hợp nhất, tiến bộ nhất. Việc sửa đổi Luật Đầu tư phải hướng tới thúc đẩy tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính cũng như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, tăng cường hậu kiểm trong quản lý đầu tư.

Để làm được điều đó, cần tính toán làm sao để cho những thủ tục trói buộc DN phải đơn giản đi. Đặc biệt, đây phải là một bộ luật chuẩn mực để soi chiếu và bỏ đi những ràng buộc, rào cản đang còn tồn tại ở những luật khác. Chứ nếu vẫn còn tư duy lấy các luật hiện hành khác ra để ràng buộc trong lúc những bất cập ở Luật Đầu tư chưa sửa được thì sẽ làm khó cho doanh nghiệp, không khuyến khích doanh nghiệp phát triển lớn mạnh như mục tiêu Chính phủ đề ra.

Để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển lớn mạnh, xây dựng được các doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia, theo ông, việc sửa đổi Luật Đầu tư lần này cần triệt để tuân thủ những nguyên tắc gì?

Có hai vấn đề tối thượng mà bất kỳ dự án đầu tư nào cũng cần tuân thủ các nguyên tắc mang tính quốc gia: Đó là đảm bảo an ninh quốc phòng và tiêu chuẩn về môi trường, xã hội. Nếu có muốn "trói" thì nên trói chặt ba yếu tố đó.

Còn lại, cứ tuân thủ nguyên tắc cái gì Nhà nước không cấm thì DN được làm. Đã xây dựng Luật Đầu tư thì phải đảm bảo mục tiêu số 1 là hỗ trợ DN, cởi bỏ rào cản, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lớn mạnh. Chứ sửa luật mà cứ đặt tinh thần "trói buộc" lên trước thì không nên.

Ngoài những dự án có yếu tố đặc biệt, nhạy cảm, liên quan đến an ninh – quốc phòng cần được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, theo ông, có cần thiết đưa ra một giới hạn về mức vốn đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách (10.000 tỷ đồng trong dự thảo luật) để Thủ tướng phê duyệt hay không?

Luật sửa đổi nâng hạn mức từ 5.000 lên 10.000 tỷ đồng cũng là một sự nỗ lực tích cực mà chúng ta cần ghi nhận. Tuy nhiên, Chính phủ phải có luận cứ tốt hơn để thuyết phục xã hội. Đây là cơ hội rất tốt để thay đổi luật, chứ không phải chỉ đơn thuần làm mỗi việc "cơi nới" luật. Nếu cơi nới thì bản chất vẫn như cũ, rào cản vẫn như cũ, thủ tục hành chính "trói buộc" DN vẫn không thay đổi.

Trong khi đó, DN bây giờ lớn hơn nhiều rồi. Ngày xưa DN quy mô 5.000 tỷ là to lắm nhưng giờ 50.000 tỷ cũng chưa thấm vào đâu. Vậy nên, nếu anh nghĩ cái mới đưa ra đã "cơi nới" so với cái cũ đã là tốt rồi, giống như dây thừng đang siết lại, giờ nới lỏng ra đúng không? Nhưng nguy cơ tiếp theo đó là lại sẽ bị "siết" lại tiếp. Mà đã như vậy thà thả ra còn hơn chỉ bàn chuyện nới.  

Quan điểm của tôi là chúng ta cần thay đổi chứ không phải cơi nới. Cứ mỗi lần cơi nới thêm ra như thế này là tốn kém biết bao nhiêu chi phí, là để lãng phí biết bao nhiêu cơ hội. Nghĩa là DN phải kêu trời kêu đất thì mới được nới tiếp đúng không? Trong khi bản chất câu chuyện là những lo ngại của Chính phủ về việc phải kiểm soát các dự án quy mô lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia. Nhưng rõ ràng, quy mô dự án chưa hoàn toàn phản ánh được tất cả những lo toan đó của Chính phủ. Ở đây, đưa lý lẽ nào ra cũng cần một sự giải trình rành mạch.

Theo tôi, không nên đặt ra quy định về quy mô số tiền như thế nào vì chúng ta đã gia nhập quốc tế, cứ đưa ra các rào cản như vậy cho từng dự án là có thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư, nhất là trong thời điểm đón các dòng chuyển dịch đầu tư. Thêm cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đẩy lên cho Chính phủ là thêm thời gian, là lỡ cơ hội bởi chúng ta đều hiểu các  thủ tục phê duyệt hiện vẫn còn nhiêu khê, phức tạp. Việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để. Thời đại 4.0 mà mất 2-3 năm mới xong thủ tục phê duyệt thì chết rồi. DN trong nước một mặt đang khích lệ họ phát triển, mặt khác cứ trói buộc mãi thì sẽ mãi chậm lớn mà thôi.

Sửa Luật Đầu tư, chính là cơ hội để chúng ta bỏ đi một sự trói buộc không cần thiết, làm chậm quá trình phát triển.

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua tại kỳ họp lần này. Là một chuyên gia kinh tế uy tín, theo ông, các ĐBQH cần cân nhắc điều gì trước khi ấn nút biểu quyết, để đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp Việt?

Mỗi ĐBQH đều hiểu được nguyên lý về việc sửa luật là để tạo điều kiện thuận lợi cho DN chứ không phải để trói buộc DN. Điều kiện đưa ra là để người ta tuân thủ chứ không phải có lợi ích ở đâu đó. Hơn nữa khi thảo luận luật phải có những điều đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư: đó là quyền được phục vụ. Nhà nước phải có nghĩa vụ phục vụ nhà đầu tư vì dự án mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân. Quyền của nhà đầu tư phải được tôn trọng và bảo vệ, đồng nghĩa với việc cơ quan nhà nước và người đại diện nhà nước cần có nghĩa vụ và chịu trách nhiệm đảm bảo bằng những điều luật, chế tài cụ thể.

Luật phải giúp DN lớn lên, đừng để DN và đất nước mất đi thời cơ. Đó là hai điểm mấu chốt quan trọng và nhà nước phải chịu trách nhiệm khi ban hành luật.

Xin cảm ơn ông!

Nam Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên