MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS Trần Đình Thiên: Những doanh nghiệp ‘đại bàng’ như Vingroup, Viettel cần cách tiếp cận mới hậu Covid-19

PGS.TS Trần Đình Thiên: Những doanh nghiệp ‘đại bàng’ như Vingroup, Viettel cần cách tiếp cận mới hậu Covid-19

Trao đổi với Trí thức trẻ, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, khi Việt Nam đứng dậy thì cần phải “thay máu”. Để làm được điều đó, những “đại bàng” Việt Nam như Vingroup, Viettel sẽ trở thành những người dẫn dắt, đón đầu xu hướng để đưa cả nền kinh tế phục hồi.


PGS.TS Trần Đình Thiên: Những doanh nghiệp ‘đại bàng’ như Vingroup, Viettel cần cách tiếp cận mới hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Gần đây, khu vực kinh tế tư nhân được coi là "lực đẩy" của nền kinh tế, nhưng qua 4 đợt dịch Covid-19, đây cũng là khu vực bị tổn thương nặng nề nhất. Vậy theo ông, Việt Nam sẽ cần những gì để giúp họ vào lúc này?

Hiện nay, riêng khu vực tư nhân của Việt Nam chiếm hơn 40% GDP. Trong đó, phần doanh nghiệp tư nhân khoảng 10-11%. Tức là, doanh nghiệp tư nhân của mình rất bé, trong khi khu vực hộ gia đình, nhỏ và yếu hơn, lại chiếm phần lớn hơn - 30%, gấp 3 lần khu vực doanh nghiệp.

Trong một nền kinh tế thị trường bình thường, khu vực tư nhân thường sản xuất 70-80% GDP. Trong số này, tách riêng tư nhân bản địa, khoảng 60-70%, cộng thêm FDI chừng 10-20% nữa. Ở Việt Nam, tương quan này đang là 40-20, chứng tỏ nền kinh tế thị trường của Việt Nam chưa thật phát triển, còn khu vực tư nhân bản địa đang rất yếu.

Trong đại dịch Covid-19, khu vực tư nhân của Việt Nam tổn thương chắc chắn là rất nặng, nguyên nhân nội tại là vì còn non yếu. Non yếu bởi lâu nay cách tiếp cận phát triển cho khu vực này chưa mang tính khuyến khích đầy đủ, bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Chưa kể, thời gian phát triển trong môi trường đó chưa cho phép họ "kịp" mạnh. Họ chưa kịp mạnh thì đã bị giáng đòn Covid-19.

Vậy thì để phục hồi kinh tế nhanh, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ mạnh dành cho khu vực tư nhân. Đừng quá lo cho ngân sách mà triển khai một chính sách hỗ trợ "hà tiện". Cho tới nay, các bằng chứng thực tiễn đều chứng tỏ Việt Nam vẫn nặng về lo cho an toàn ngân sách hơn là bảo vệ các động lực tăng trưởng, lo hồi phục sức khỏe cho khu vực tư nhân.

Tất nhiên, lo cho ngân sách cũng là cần thiết. Nhưng trong lúc nền tảng của kinh tế thị trường - khu vực kinh tế tư nhân đang yếu, mà tập trung lo "giữ vững" ngân sách, sao nhãng khu vực tư nhân thì "sai sách". Lúc này, mục tiêu ưu tiên phải nghiêng từ phía an toàn ngân sách sang bảo vệ các động lực tăng trưởng, hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi nhanh.

Như thế, chính sách và nguồn lực dành cho "phục hồi nền kinh tế" phải mạnh, phải mang đột phá khác thường. Tôi thấy Chính phủ lần này đang quyết tâm xây dựng gói phục hồi và chương trình phục hồi kinh tế theo tinh thần đó - hướng đến khu vực doanh nghiệp, củng cố các động lực tăng trưởng và bảo vệ các cơ sở của ổn định vĩ mô. Đây là một dấu hiệu thật sự đáng mừng.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Những doanh nghiệp ‘đại bàng’ như Vingroup, Viettel cần cách tiếp cận mới hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Theo tinh thần đó, theo tôi, cần thực hiện một chương trình phục hồi 2 năm – tức là thời gian đủ dài để không chỉ phục hồi mà còn là tạo lập "bình thường mới", là bắt nhịp để chuyển sang cấu trúc phát triển mới. Một chương trình như thế không thể chi bằng một ngân sách "hà tiện" được. Quy mô ngân sách cho chương trình này có lẽ phải tương đương 8-10% GDP. Bản thân tôi thấy mức đó cũng chưa có gì là quá đáng cả.

Tôi còn mong nếu có thể tính toán đầy đủ và "căn cơ", để nền kinh tế bứt lên được, thì gói hỗ trợ đó còn hơn 10%, có thể lên tới 15% GDP. Trên thế giới, các nước phát triển hơn, quy mô GDP lớn vượt trội, đang đưa ra những gói hỗ trợ đến 20-40% GDP, thậm chí Nhật Bản, lên tới hơn 50% GDP. Các nước Đông Nam Á láng giềng của ta đa số cũng đưa ra gói hỗ trợ cao hơn Việt Nam nhiều, ví dụ như Singapore 18% GDP; Thái Lan, Malaysia ít hơn cũng đã tung ra gói quy mô 8-10% GDP.

Để nền kinh tế đứng dậy và chớp thời cơ thì yêu cầu bắt buộc là phải tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đứng dậy nhanh và vững, chứ không thì gay go. Để đạt được mục tiêu đang trở thành sống còn này, chắc chắn chúng ta không thể giữ gói hỗ trợ ở mức 2% GDP như hiện nay, mà phải chấp nhận một giải pháp mạnh, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn hẳn mức bình thường để kích hoạt lại nền kinh tế và đưa vào vào một cấu trúc phát triển mới, hiện đại và đẳng cấp cao hơn.

Tất nhiên, gói hỗ trợ dù lớn, vẫn phải bảo đảm an toàn cho nền kinh tế. Nếu nó khiến lạm phát xảy ra, hay gây ra bất thường trong tỷ giá hối đoái, làm nợ xấu tăng vọt thì cần phải xem xét nghiêm túc. Thêm vào đó, bội chi ngân sách đến mức nào cũng cần phải được tính cụ thể, an toàn ngân sách ở ngưỡng nào là phù hợp. Dễ nhận thấy rằng gói cứu trợ càng lớn thì rủi ro cho nền kinh tế cũng càng cao.

Khu vực tư nhân có một bộ phận rất đặc biệt là lực lượng khởi nghiệp sáng tạo. Việt Nam không thể nhân dịp này chỉ để cứu những cái vốn có, cái đang có, tức là những doanh nghiệp hiện tồn, sẽ nhanh chóng trở thành "đời cũ", mà phải tạo ra cơ hội để xây dựng lực lượng mới, những lực lượng phù hợp với thời đại công nghệ cao và kinh tế số.

Hãy thử tưởng tượng nếu Việt Nam đứng dậy với toàn "đồ cũ", trong khi thế giới họ đang chú ý đến cái mới rất nhiều, đang nỗ lực tối đa cho sự ra đời và phát triển của các yếu tố mới, có thể tăng trưởng của Việt Nam vẫn "tốt", song điều chắc chắn là nền kinh tế tiếp tục "tụt hậu" và sẽ "tụt hậu xa hơn". Bởi vì trong khi ta vẫn "trụ hạng" với đẳng cấp phát triển cũ, thì thế giới tiếp tục tiến lên, chuyển sang trình độ phát triển mới.

Về mặt phương pháp luận, cho đến nay, Việt Nam chủ yếu vẫn bàn đến việc cứu cái hiện có, tức là cái cũ. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế phát triển, các đối tác chủ yếu của Việt Nam lại đang bàn đến, đang tập trung cao độ cho nền kinh tế mới. Mới về đẳng cấp, mới về công nghệ, mới về ngành nghề của doanh nghiệp. Việt Nam cần phải định hướng như vậy. Cho nên, gói hỗ trợ của ta tới đây, để làm xoay chuyển tình hình, phải định hướng đến những yếu tố mới đó.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Những doanh nghiệp ‘đại bàng’ như Vingroup, Viettel cần cách tiếp cận mới hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Chúng ta đã nhắc đến khu vực tư nhân, khu vực khởi nghiệp sáng tạo. Vậy còn những doanh nghiệp trước giờ chúng ta vẫn gọi là "đại bàng" Việt Nam thì sao?

Đây cũng là một điểm thú vị trong vấn đề phục hồi. Theo Chủ tịch Capital Dragon, ông Dominic Scriven, cách đây 10-15 năm, số lượng tỷ phú đô la Việt Nam chỉ có vài người. Còn bây giờ thực chất đã lên hơn 50 người. Đây là một sức vươn cực kỳ mạnh. Tức là kinh tế Việt Nam đã không còn "èo uột" như xưa, và trong cơ cấu tỷ phú giờ đây, cũng không tình trạng "độc quyền tỷ phú" chỉ ở lĩnh vực bất động sản.

Lực lượng "đại bàng" của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện để dẫn dắt cả một đội hình. Tôi nói là lực lượng chứ không phải những con đại bàng đơn độc. Lực lượng đó đang định hình trụ cột của nền kinh tế lớn mạnh hơn.

Người dân Việt Nam vẫn có kiểu tư duy kỳ thị người giàu. Nhưng nên đẩy nhanh tư duy đó về quá khứ. Đây là lúc Việt Nam phải nhìn thấy trong một nền kinh tế mà đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vai trò trụ cột của những tập đoàn lớn là lực lượng giúp cho nền kinh tế đứng dậy nhanh và vững trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cho nên, đối với các doanh nghiệp "đại bàng", Việt Nam cần có một cách tiếp cận mới, đặc biệt trong thời kỳ hậu Covid-19. Đại bàng gặp giông bão thì cũng phải đương đầu với khó khăn, cũng phải chịu rủi ro thôi. Doanh nghiệp lớn đi qua đại dịch cũng gay go. Chả có ông nào không khó cả. Họ có những cái khó riêng nhưng vì nhiều lý do, không được nói ra thôi.

Tuy nhiên, nếu những tập đoàn này vươn dậy được – và thực sự, họ có điều kiện đứng dậy sớm hơn, thì khả năng lan tỏa, phát triển sẽ mạnh, kéo theo các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa đứng lên được nhanh hơn. Từ đó, tiếp tục lan tỏa phát triển mạnh hơn. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam có thể vươn dậy như một thế lực cạnh tranh quốc tế dễ hơn.

Khi các doanh nghiệp "đại bàng" yếu thì họ cũng cần đến sự hỗ trợ. Tất nhiên, ngoài những hỗ trợ chung cho cộng đồng doanh nghiệp, to nhỏ đều được hưởng lợi, như giảm thuế đất, giảm phí xăng dầu, hạ giá điện, … do chức năng đặc biệt của mình, các doanh nghiệp lớn cần có thêm sự hỗ trợ "đặc thù". Cái khó nhất hiện nay của các doanh nghiệp là tiếp cận vốn.

Cho nên, vì vai trò đặc biệt cũng như chức năng quan trọng mà các doanh nghiệp lớn đang nắm giữ, vì những cái khó đặc thù mà họ đang đối mặt, thiết nghĩ lúc này, Chính phủ cần xây dựng một quỹ cho vay đủ lớn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay – thường là lớn và gấp – của các doanh nghiệp lớn, mà không chắc gì các ngân hàng có thể đáp ứng được. Loại vay này không nhất thiết (trong điều kiện nguồn vốn trong nền kinh tế khan hiếm, không nên) đi kèm "ưu đãi hạ lãi suất"

Ngân hàng cần tập trung lo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa – giải tỏa bớt áp lực tài chính cho họ ("nới" các khoản nợ và lãi cũ), tạo điều kiện để họ tiếp cận được các khoản vay lãi suất thấp. Còn Chính phủ nên dành sự quan tâm đến những tập đoàn lớn, làm trụ cột cho nền kinh tế, bằng cách xây dựng một cái quỹ cho vay rất lớn dành cho họ. Tôi cho rằng điều này cực kỳ có ý nghĩa, không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế.

Ở nhiều nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế phát triển, đây là một gói cho vay "bình thường" trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn hay lâm vào khủng hoảng. Với quỹ cho vay này, các doanh nghiệp lớn tiếp cận vốn sẽ được ưu tiên về khối lượng vay, về thời gian, bảo đảm để ông kịp thời đứng dậy sớm, để ông kéo doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng đứng dậy, nhờ đó, cả nền kinh tế sẽ đứng dậy nhanh hơn. Doanh nghiệp lớn có đủ lượng vốn thì có thể phát huy tác dụng lan tỏa mạnh, giúp nền kinh tế có thực lực mạnh lên nhanh, liên kết và cạnh tranh quốc tế tốt hơn. Với quỹ này, không cần những cái gọi là "ưu đãi" kiểu như "bù lãi suất", dễ làm méo mó thị trường.

Tất nhiên trong điều kiện khó khăn, có ưu đãi thì cũng tốt, nhưng không nên vì nó mà làm méo mó thị trường.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Những doanh nghiệp ‘đại bàng’ như Vingroup, Viettel cần cách tiếp cận mới hậu Covid-19 - Ảnh 4.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp nào cũng đang rất khó khăn thì việc chọn một người thắng cuộc để hỗ trợ như vậy thì có khả thi không?

Vấn đề ở đây không phải là "ưu đãi người thắng cuộc". Đó là cách đặt vấn đề khác. Còn ở đây, cách tiếp cận là "chọn" những doanh nghiệp có điều kiện hoặc khỏe hơn, hỗ trợ họ đứng dậy trước để họ có khả năng lôi kéo các doanh nghiệp khác "yếu hơn" cùng đứng dậy. Ông nào lan tỏa mạnh hiệu ứng "đứng dậy", Chính phủ sẽ dành ưu tiên hỗ trợ cho các ông ấy. Ưu tiên hỗ trợ ở đây gắn với một "trách nhiệm xã hội" rõ ràng.

Chúng ta thử hình dung gặp cảnh đói kém, ví dụ trong nhà có 10 đứa con, nhưng chỉ còn vài bơ gạo. Bây giờ nấu số gạo đó rồi chia đều cho cả 10 đứa con, mà toàn trẻ cả, cộng thêm ông bà bố mẹ, kết cục là bình đẳng, nhưng tất cả đều đói, cả nhà đứng trước nguy cơ chết đói. Rõ ràng đó không phải là cách lựa chọn đúng đắn. Bằng cách chia đều, không thể bảo toàn tất cả mà là nguy cơ "hy sinh tất cả". Phải dám chấp nhận tổn thất để cứu gia đình.

Cho nên 2 bơ gạo này tập trung nuôi 3 anh khỏe nhất, có thể đứng dậy đi làm. 3 anh được ăn, phải đi làm và phải mang về được 10-20 bơ gạo, để "cứu tiếp" 4-5 anh. Đội hình đi làm đông lên, khả năng cứu cả gia đình cũng tăng lên. Logic "cứu" doanh nghiệp "khỏe" trước cũng đơn giản như vậy

Mục tiêu tối cao là nền kinh tế phải "trụ hạng", phải đứng dậy và cạnh tranh được. Cần và có thể phải chấp nhận một số doanh nghiệp không "trụ" được. Nhưng đó không phải là vì động cơ thiên vị, vì lợi ích nhóm mà là vì "đại cục".

Tất nhiên, ranh giới đạo đức ở đây rất mong manh, dễ bị lợi dụng và phá bỏ. Song hoàn toàn có thể định ra những giới hạn, những quy tắc và quy định, cộng với tính công khai minh bạch để giảm thiểu mức độ rủi ro đạo đức đó.

Chính phủ không bỏ rơi ai cả, nhưng để mà đứng dậy được thì Chính phủ phải hỗ trợ riêng cho mấy doanh nghiệp lớn này trước để rồi kéo nhau đứng dậy.

Có thể hiểu, cách tiếp cận là cứu người khỏe để người khỏe cứu người yếu, đúng theo nguyên lý của dân tộc là "lá rách ít đùm lá rách nhiều".

Mục tiêu là để cho đất nước đứng dậy một cách hiệu quả, chứ không phải là để tình trạng "run tay run chân" hay "nằm bẹp" kéo dài. Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng rồi. Nếu Việt Nam đứng dậy không tốt thì sẽ không hội nhập được, càng không thể cạnh tranh được. Trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, Việt Nam phải có một chiến lược khôn ngoan, theo đó, lựa chọn ưu tiên là cần thiết.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Những doanh nghiệp ‘đại bàng’ như Vingroup, Viettel cần cách tiếp cận mới hậu Covid-19 - Ảnh 5.

Trong giai đoạn khó khăn như vậy, nhưng cũng có những doanh nghiệp như Vinfast vẫn vươn lên. Theo ông, việc này gợi lên điều gì?

Đó là một điều tuyệt vời. Thực ra, tôi thấy ở Việt Nam đã có nhiều tấm gương kiểu như vậy và rất cần được khuyến khích. Chọn chỉ mỗi Vinfast thì hơi "điển hình" quá, sức thuyết phục sẽ hạn chế.

Mặc dù đại dịch khiến đa số doanh nghiệp đều gặp khó, nhưng không phải tất cả mọi doanh nghiệp đều ốm đau. Nhiều doanh nghiệp vẫn lãi lắm.

Những công ty công nghệ cao, ông nào kiên trì vẫn bứt lên được. Năm 2020 và 2021, cả nền kinh tế có thể đau thương nhưng bộ phận công nghệ cao, đặc biệt là nhóm kinh tế số bứt lên khủng khiếp. Rõ ràng, có một cấu trúc phát triển khác đang hé lộ mà Việt Nam phải chú ý.

Còn với Vinfast, ô tô Vinfast đang làm và đưa ra thế giới là ô tô điện, tức là công nghệ cao. Vinfast đang cạnh tranh ô tô ở đẳng cấp cao nhất mà ta biết. Đấy là một cách nhận diện, mà đáng lẽ, tầm nhìn của Vinfast cần phải được bình luận thêm một cách đúng nghĩa.

Còn đứng trên giá trị biểu trưng quốc gia, Vinfast làm thế là đúng. Tôi cho rằng là các tập đoàn khác của Việt Nam cũng nên làm việc ấy. Nhiều doanh nghiệp như TH – Truemilk, FPT hay Viettel đã làm như vậy rồi.

Nên nhớ rằng, tuy nền kinh tế Việt Nam chưa phải là phát triển, nhưng một số "ông lớn" đã mang đẳng cấp, tư thế, cách lựa chọn "oai hùng" không kém gì thế giới. Hiện nay, Việt Nam cần phải cổ động cho những cái đấy, hoàn toàn xứng đáng.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Những doanh nghiệp ‘đại bàng’ như Vingroup, Viettel cần cách tiếp cận mới hậu Covid-19 - Ảnh 6.

Theo ông, doanh nhân Việt Nam có những phẩm chất gì để có thể thực sự phục hồi?

Doanh nhân thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều xông pha, không sợ mạo hiểm, không sợ rủi ro. Tuy nhiên, riêng doanh nhân Việt Nam lại có những cái đặc trưng nằm sâu trong tầng văn hóa. Nếu Việt Nam phát huy được thì sẽ rất tốt.

Thứ nhất và cũng quan trọng nhất là khả năng biến hóa linh hoạt. Văn hóa của Việt Nam là "văn hóa thích nghi" – năng lực thích ứng "dồi dào", kiểu gì cũng chơi được. Những lúc như thế này, hóa ra doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có những ưu thế riêng. Họ đóng cửa thế thôi, ngày mai trời nắng đẹp họ lại mở cửa ra ngay. Rất linh hoạt. Chứ còn doanh nghiệp to mà đóng cửa rồi, để mở cửa trở lại chắc không dễ dàng.

Nhưng các doanh nghiệp nhỏ, lại đang yếu, để họ thích nghi, đứng dậy được thì cần phải có sự hỗ trợ tích cực. Cần tính kỹ xem doanh nghiệp Việt Nam có những tiềm năng, thế mạnh "độc đáo" gì, để chỉ cần thêm một biến số nhỏ, một "cú huých" nhẹ là họ đứng dậy được. Tôi nghĩ rằng, tư duy phục hồi của Việt Nam, tức là tư duy phát triển doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng được cái yếu tố này để vực nhau dậy, kéo nhau dậy nhanh.

Trong sự linh hoạt còn hàm chứa khả năng sáng tạo. Lúc này là đúng lúc để Việt Nam kích thích tinh thần sáng tạo của giới doanh nhân. Tức là, cơ hội của thời đại đang mở ra hướng mới, thời đại công nghệ, thời đại kinh tế số. Doanh nhân Việt Nam có thể sáng tạo, nhanh chóng chuyển lên theo, bắt nhịp và bắt kịp.

Mặt khác, bản chất hệ thống thị trường là cạnh tranh. Đã là cạnh tranh rồi thì khốc liệt, ít còn thương tiếc. Nhưng Việt Nam có một cái lý khác. Tức là, khả năng đùm bọc lẫn nhau, nhất là trong lúc khó khăn, những lúc cần nương tựa vào nhau để phục hồi và trỗi dậy. Nếu lúc này, chúng ta có các chính sách hỗ trợ đúng thì các hiệp hội doanh nghiệp, các chuỗi sản xuất sẽ nâng đỡ nhau dậy tốt hơn.

Doanh nhân nhạy cảm lắm, họ biến hóa rất nhanh. Khi đó nền kinh tế sẽ dễ "thay máu" để bứt lên quỹ đạo mới. Chúng ta không nên, không được phép đứng dậy chỉ với "bầu máu cũ", trong đó có rất nhiều lượng máu yếu, kém phẩm chất. Đấy là điều chúng ta cần phải chú ý, đặc biệt về mặt chính sách.

Quỳnh Anh. Thiết kế: Hương Xuân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên