MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS Trần Đình Thiên: Lo sợ quá làm mọi động lực tịt hết!

PGS.TS Trần Đình Thiên: Lo sợ quá làm mọi động lực tịt hết!

Giải tỏa cho các nguồn lực để thúc đẩy nền kinh tế trỗi dậy sau khủng hoảng là nhân tố then chốt. Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Thiên, để phát huy được các nguồn lực thì "đừng nên lo sợ quá".

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
84 bài viết

Theo ông, đâu là điểm tích cực của nền kinh tế trong thời gian vừa rồi, nhất là khi đợt dịch lần 4 trải dài trên nhiều tỉnh thành?

Sau đợt dịch vừa rồi, chúng ta rút ra được nhiều bài học nhưng tôi nghĩ bài học này là tích cực nhất. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta hiểu kinh tế thị trường với ý nghĩa đích thực về mặt vĩ mô như thế nào.

Chúng ta đã hiểu rằng, nền kinh tế thị trường như một cơ thể. Nếu chúng ta phong tỏa nó, hoặc làm cho nó bị trói lại trong một địa phương nhất định thì không làm sao tốt được. Ngay khi thế giới đóng cửa vì dịch bệnh, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng và nền kinh tế trở lên lao đao. Giá container tăng lên hàng chục lần. Rất khủng khiếp.

Ở Việt Nam, điều này càng được thể hiện rõ. Việc cách ly về địa giới hành chính khiến nền kinh tế bị đứt gãy. Không những là lưu thông trên đường mà còn là toàn bộ các mặt lưu thông về lao động, tiền, nguồn lực hay đầu ra cũng gặp vấn đề. Điều này thể hiện rõ ở tổn thất đến từ bi kịch nông sản, thực phẩm không được tiêu thụ được ở TP.HCM – một thị trường lớn của khu vực đồng bằng miền Tây. Đó là bài học cực kỳ ý nghĩa chúng ta cần phải rút ra.

Điều này đúng cả theo tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế thị trường. Chúng ta cũng rút ra bài học về hỗ trợ nhân dân, bảo đảm an toàn xã hội.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Lo sợ quá làm mọi động lực tịt hết! - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta hiểu kinh tế thị trường với ý nghĩa đích thực về mặt vĩ mô như thế nào".

Vậy thì hiện nay có những biện pháp gì kích thích của Chính phủ hoặc điều gì để có thể giúp người dân, doanh nghiệp có động lực phục hồi, trỗi dậy?

Cũng rất may là trước năm 2021, chúng ta đã tạo ra một nền tảng vĩ mô khá tốt, bao gồm xu thế tăng trưởng, ổn định vĩ mô và niềm tin của lực lượng doanh nghiệp. Vậy nên, các cấu trúc này giúp chúng ta đối diện với những tình thế khó khăn mà không quá bị loạn và điều chỉnh được ngay. Lúc bình thường chúng ta phải làm cái gì để lúc gặp rối là chúng ta có thể vững vàng được.

Cho nên, tương quan của mấy năm trước, thành tựu của những năm trước đã bảo đảm cho chúng ta, cho phép chúng ta hiện nay đưa ra những biện pháp phục hồi, giúp việc ổn định chắc tay hơn rất nhiều. Đây là cái phải nói đầu tiên để tạo ra niềm tin rằng, 3 tháng khó khăn vừa rồi giống như một sự tai nạn, một sự va vấp nhưng chúng ta vẫn có cơ sở để đứng dậy được.

Tất nhiên Chính phủ đang soạn một chương trình phục hồi và phát triển. Cả phục hồi và phát triển, chứ không chỉ mỗi phục hồi. Nghĩa là nó dài hơn, cơ bản hơn. Chương trình này tôi cho là rất hay.

Tôi nghĩ khai thông cho nền kinh tế quốc tế vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm. Vấn đề đầu tiên là phải làm sao cho các cảng được khai thông. Chứ hiện nay trên thế giới, tình trạng ách tắc ở các cảng vẫn còn nặng lắm. Động lực của thế giới hiện nay là mở cửa, nhưng làm sao chúng ta có thể tận dụng được động lực đó. Chứ đừng có kiểu như vùng nào cũng thông, riêng đến vùng ta nhiều khi lại gặp khó là không nên.

Giải tỏa các nguồn lực về tài chính cũng là một trong các động lực. Hiện nay, Chính phủ đã có những gói về tài chính tương đối tốt về thuế, phí, đất đai hay xăng dầu nhưng như thế đã đủ chưa? Bởi các doanh nghiệp đang yếu nên dù lùi như thế, doanh nghiệp tiêu hết rồi nhưng vẫn sụt xuống, thì vẫn phải hỗ trợ tiếp để tạo ra khí thế. Chứ nếu không, khí thế hết rồi mà không bơm tiếp thì động lực sẽ bị mất đi.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần động lực về nguồn lực của ngân hàng. Bây giờ doanh nghiệp đang cần một lượng vốn lớn để phục hồi, chứ không phải là bớt một chút ưu đãi. Người ta cần cả cục to. Nó cần thiết đến mức, nếu không có cục ấy, không đủ lượng thì doanh nghiệp không thể đứng dậy được.

Đương nhiên, tiền đề của những động lực này phải là y tế, an toàn về dịch bệnh nhưng đừng có quá lo sợ. Lo sợ quá làm mọi động lực tịt hết, phải thoát khỏi nỗi lo sợ thì những động lực kia mới phát huy được.

Đặng Sơn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên