MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS Vũ Minh Khương: Những quốc gia phát triển thần kỳ như Singapore, Hàn Quốc đều xuất phát từ người đứng đầu "khóc trước số phận của dân tộc"

"Tôn trọng kinh tế thị trường và tư nhân là chúng ta không đói. Hội nhập với thế giới là chúng ta khấm khá lên. Nhưng để đi đến phồn vinh thì chúng ta cần một bộ máy gọi là Nhà nước kiến tạo".

PGS.TS Vũ Minh Khương, Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), đã đưa ra những nhận định xác đáng về nỗ lực phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó, ông lạc quan rằng công cuộc "Đổi mới II" có thể đưa Việt Nam đi lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại trên thế giới.

PGS.TS Vũ Minh Khương: Những quốc gia phát triển thần kỳ như Singapore, Hàn Quốc đều xuất phát từ người đứng đầu khóc trước số phận của dân tộc - Ảnh 1.

"30 năm trước, chúng ta chỉ cố gắng thoát khỏi nghèo đói, thoát khỏi cô lập thoát khỏi sự nghi kỵ. 30 năm tới, chúng ta muốn đi đến một xã hội phồn vinh, một nền tảng bền vững, thực sự hòa nhập với thế giới và có được sự tin cậy của thế giới", ông Vũ Minh Khương cho biết.

Theo vị Giáo sư, 2 năm vừa qua, Chính phủ đã không ngừng nỗ lực xây dựng nền móng phát triển, để từ đó Việt Nam có thể cất cánh trong thời gian tới. Chính phủ học tập kinh nghiệm của thế giới, vừa phấn đấu tăng trưởng vừa ra sức cải cách thể chế. Theo đó, Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng, thể hiện ở 3 điểm là: hòa nhập nhanh với thế giới, tôn trọng kinh tế thị trường và tôn trọng kinh tế tư nhân.

PGS.TS Vũ Minh Khương: Những quốc gia phát triển thần kỳ như Singapore, Hàn Quốc đều xuất phát từ người đứng đầu khóc trước số phận của dân tộc - Ảnh 2.

Kỷ nguyên hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội bứt phá nếu Việt Nam biết tận dụng. Với lợi thế của một nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi các ứng dụng khoa học công nghệ trên thế giới. Trong thời đại đề cao hội nhập và hợp tác, người Việt không chỉ hợp tác với nhau mà hợp tác với thế giới, các tỉnh trong nước gắn kết với nhau kiến tạo nên giá trị cộng hưởng. Đặc biệt, ý chí chiến lược của Chính phủ đang rất mạnh mẽ, chuyển từ "thức dậy về tư duy" sang "trỗi dậy về tầm nhìn". 

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Minh Khương nói thêm: "Từ tháo gỡ cơ chế đến xây dựng nền tảng cho tương lai là rất quan trọng".

PGS.TS Vũ Minh Khương: Những quốc gia phát triển thần kỳ như Singapore, Hàn Quốc đều xuất phát từ người đứng đầu khóc trước số phận của dân tộc - Ảnh 3.

"Rõ ràng tôn trọng kinh tế thị trường và tư nhân là chúng ta không đói. Hội nhập với thế giới là chúng ta khấm khá lên". Tuy nhiên, Giáo sư nhấn mạnh: "Nhưng để đi đến phồn vinh thì chúng ta cần một bộ máy gọi là Nhà nước kiến tạo phát triển, tức là rất tâm huyết với sự nghiệp phát triển, rất chuyên nghiệp và rất có trình độ".

Nhà nước kiến tạo bao gồm 3 yếu tố là chiến lược, cơ chế và con người (3 chữ C). Về chiến lược, mặc dù đã có những bước chuyển mình, nhưng mục tiêu chiến lược lớn đến đâu cần được làm rõ hơn nữa. Nếu Việt Nam thật sự muốn trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong ba thập kỷ tới thì cần có sự tính toán cụ thể, đầy đủ xem mỗi năm chúng ta đi được bao xa.

 Ông Khương nói thêm: "Chiến lược chưa rõ mà vẫn đang là tháo gỡ, tháo gỡ chưa phải là chiến lược. Tháo gỡ là "chiến sĩ chữa cháy" thấy đám cháy này, đám cháy kia thì xông vào. "Đập muỗi thì không bao giờ nhà sạch được" mà phải để môi trường sạch sẽ, thông thoáng lên".

PGS.TS Vũ Minh Khương: Những quốc gia phát triển thần kỳ như Singapore, Hàn Quốc đều xuất phát từ người đứng đầu khóc trước số phận của dân tộc - Ảnh 4.

Về cơ chế, Giáo sư Đại học Lý Quang Diệu đánh giá cao nỗ lực học hỏi của Việt Nam mà ông ví von như "căng mắt đại bàng ra học hỏi". Theo ông, với sự chuyên nghiệp và phối hợp chặt chẽ hơn thì Việt Nam chắc chắn có những bước tiến quan trọng và đảm bảo mức tăng trưởng như hiện nay.

Về con người, ông Khương cho rằng hiền tài là yếu tố quan trọng. Những quốc gia phát triển thần kỳ trong khu vực như Singapore hay Hàn Quốc đều xuất phát từ người đứng đầu "khóc trước số phận của dân tộc".

Các nhà lãnh đạo như Park Chung Hee hay Lý Quang Diệu đã khiến cả một dân tộc phải cảm kích trước tâm huyết cũng như tầm nhìn của họ. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều cán bộ được bổ nhiệm vẫn ở mức trung bình nên không gây được cảm kích trong xã hội, nhiều người nắm cương vị nhất định nhưng chưa có sự chuyên nghiệp cao. 

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là sự phát triển của đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào người lãnh đạo. "Việt Nam đang ở một giai đoạn tương đối đặc sắc, tức là người dân nhận thức rằng mình hoàn toàn có thể đi lên rất mạnh mẽ, chứ không còn phải hài lòng theo kiểu cũ nữa", ông Khương cho biết. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều có trách nhiệm với tương lai của đất nước.

PGS.TS Vũ Minh Khương: Những quốc gia phát triển thần kỳ như Singapore, Hàn Quốc đều xuất phát từ người đứng đầu khóc trước số phận của dân tộc - Ảnh 5.
PGS.TS Vũ Minh Khương: Những quốc gia phát triển thần kỳ như Singapore, Hàn Quốc đều xuất phát từ người đứng đầu khóc trước số phận của dân tộc - Ảnh 6.

Sự nghiệp đổi mới, sáng tạo không thể tách rời vai trò to lớn của doanh nghiệp. Theo ông Khương, trước tiên cần làm sao để doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thức được lợi ích từ đổi mới, sáng tạo. Nói cách khác, Chính phủ cần tạo ra một nền tảng để người có nhu cầu và người có lời giải gặp được nhau. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có những diễn đàn để cùng nhau chia sẻ, từ đó Chính phủ nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp. "Chính phủ trong tương lai không chỉ quản lý Nhà nước hoặc là trợ cấp mà thực sự là người tụ hợp để nắm bắt nhu cầu của tất cả các doanh nghiệp", ông Khương nhận định.

Phát triển bền vững còn đòi hỏi sự phối hợp của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên sự tham gia của người dân hiện nay trong hoạch định chính sách còn rất hạn chế. Năm ngoái, nhiều vụ việc như BOT Cai Lậy hay chiến dịch vỉa hè gây ra sự phản ứng dữ dội của người dân.

PGS.TS Vũ Minh Khương: Những quốc gia phát triển thần kỳ như Singapore, Hàn Quốc đều xuất phát từ người đứng đầu khóc trước số phận của dân tộc - Ảnh 7.

Theo ông Khương, Việt Nam có sự biệt lập giữa ra chính sách và ý kiến của người dân, tức không coi chính sách là sản phẩm được thụ hưởng bởi người dân. Sự biệt lập đó cũng khiến người dân không thấy chính sách là vì dân mà lại vì một việc cụ thể nào đó.

"Bao giờ chính phủ coi chính sách là một sản phẩm phải tiếp thị, phải nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, phải thiết kế gọi người dân đến đánh giá xem có đảm bảo không mới đưa ra, kể cả BOT hay là các chính sách khác thì lúc đó người dân mới cảm thấy mình là một phần tác giả của chính sách", ông nhấn mạnh.

Giáo sư cũng cho biết ông đang hợp tác với một tỉnh để rà soát lại tất cả các chính sách. Sau đó tiến hành chấm điểm theo thang xuất sắc, khá, trung bình, thấp hoặc rất kém, nếu chính sách nào thấp thì phải bị phải loại ra. Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích đối với những người đưa ra được chính sách tốt và hợp lòng dân.

Lan Anh
Hoàn Như
Hương Xuân
Ngày 20/1/2018

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên