Phải chuyển đổi để thoát vùng trũng tội phạm thẻ ATM
Việc "chip hóa" thị trường thẻ của các nước trong khu vực và trên thế giới đã khiến Việt Nam trở thành vùng trũng của tội phạm thẻ với các vụ giả mạo (đánh cắp thông tin thẻ - skimming) đang gia tăng.
- 20-05-2018Xác định lộ trình chuyển đổi 70 triệu thẻ ATM sang thẻ chip
- 14-05-2018Ngân hàng cảnh báo không quẹt thẻ ATM tại thiết bị khác ngoài máy POS
- 03-05-2018Ngân hàng Việt đầu tiên phát hành thẻ ATM ngay tức thì cho khách hàng
Ngày 23-5, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia (NAPAS), cho biết đơn vị này đã hoàn thành việc xây dựng và bàn giao bộ tiêu chuẩn thẻ chip với thẻ thanh toán nội địa cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Sau đó, NHNN sẽ xem xét, đánh giá và chính thức ban hành cùng với kế hoạch chuyển đổi chi tiết cho các NH thương mại.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo lộ trình của NHNN đến năm 2020, sẽ có khoảng 70 triệu thẻ ATM các loại làm bằng công nghệ từ phải chuyển đổi sang thẻ chip (có độ bảo mật cao hơn). Quá trình chuyển đổi này được một số NH thương mại cho biết sẽ khá tốn kém vì phải thay thế các máy ATM, POS mới, nâng cấp hệ thống, phát hành thẻ ATM (thẻ chip) mới cho khách hàng…
Theo NAPAS, thực trạng triển khai "chip hóa" thị trường thẻ của các nước trong khu vực và trên thế giới đã khiến Việt Nam trở thành vùng trũng của tội phạm thẻ với các vụ giả mạo skimming đang ngày càng gia tăng. Do đó, tại phiên họp thường niên 2018, Hội thẻ NH đã thống nhất phải đẩy nhanh tiến độ triển khai chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn bảo mật, quản lý rủi ro gian lận và giả mạo thẻ.
Một thiết bị đọc trộm thông tin thẻ ATM được công an thu giữ
Tính đến cuối năm ngoái, các số liệu thống kê cho thấy, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỉ lệ chuyển đổi thấp nhất so với các châu lục khác, đạt khoảng 45%. Trong đó, một số quốc gia đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành công tác chuyển đổi thẻ chip, như Trung Quốc với khoảng 1,2 tỉ người đã gần hoàn tất "chip hóa" thẻ từ.
Malaysia, từng được xem là "thủ đô của tội phạm thẻ" đã hoàn thành việc chuyển đổi thẻ chip cho toàn bộ thị trường vào đầu năm 2018. Thái lan bắt đầu thực hiện chuyển đổi thẻ chip từ năm 2016, và dự kiến "chip hóa" toàn bộ thị trường vào tháng 1-2019. Hay Ấn Độ, với số lượng hơn 700 triệu thẻ ATM, các NH tại nước này đang tập trung ưu tiên chuyển đổi cho các thẻ có hoạt động, thẻ phát sinh giao dịch trong vòng 60-90 ngày gần nhất, để có thể đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành "chip hóa" thẻ từ vào cuối năm 2018.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, NAPAS đang thực hiện thí điểm Bộ tiêu chuẩn thẻ chip cho thanh toán nội địa với 6 NH gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, ABBank và TPBank, 3 đơn vị cung cấp thẻ chip và 6 đơn vị cung cấp thiết bị chấp nhận thẻ. Cùng việc triển khai thí điểm, NAPAS cũng đang xúc tiến việc hợp tác với các tổ chức trong mạng thanh toán châu Á - APN và các tổ chức thẻ quốc tế để triển khai thẻ đồng thương hiệu, cho phép thẻ chip nội địa của Việt Nam được chấp nhận rộng rãi tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Liên quan đến quá trình chuyển đổi thẻ chip, Hội thẻ NH đã kiến nghị NHNN sớm ban hành bộ tiêu chuẩn và chỉ đạo kế hoạch chuyển đổi chi tiết theo lộ trình phù hợp. Chính sách về chuyển đổi trách nhiệm, quy định tại mốc thời gian áp dụng nếu NH phát hành hoặc NH thanh toán chưa hoàn tất chuyển đổi sang thẻ chip thì NH đó sẽ chịu toàn bộ rủi ro xảy ra do thẻ giả mạo.
Theo các NH, trong quá trình chuyển đổi sang thẻ chip, chủ thẻ có thể phải tốn phí phát hành lại thẻ chip (hiện một thẻ chip giá có khoảng 60.000 đồng - 80.000 đồng). Đồng thời, sau khi chuyển đổi sẽ khó tránh việc tăng một số loại phí dịch vụ bởi NH đã phải đầu tư cho việc chuyển đổi để gia tăng bảo mật, an toàn cho chủ thẻ và cả NH.
Người lao động