MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phái đoàn Mỹ chuẩn bị đến Trung Quốc để bàn về thương mại

02-05-2018 - 15:14 PM | Tài chính quốc tế

Các quan chức Mỹ tỏ ra dè dặt về khả năng sớm đạt được sự đột phá trong vấn đề thương mại với Trung Quốc...

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 1/5 tỏ ra dè dặt về khả năng sớm đạt được sự đột phá trong vấn đề thương mại với Trung Quốc, trong bối cảnh một đoàn quan chức cấp cao của Mỹ chuẩn bị đến Bắc Kinh trong tuần này.

"Đây là một thách thức lớn. Hệ thống ở đó rất khác, và thực lòng mà nói đó là một hệ thống khá hiệu quả đối với Trung Quốc", hãng tin Bloomberg dẫn lời đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer phát biểu tại một sự kiện diễn ra ngày thứ Ba tại Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Washington. "Hệ thống này không tốt đối với chúng ta".

Vị đại diện thương mại cũng nói Mỹ và Trung Quốc có thể "dành 1 năm tới để tìm ra cách thức làm việc với nhau trong một khoảng thời gian". "Chúng ta cuối cùng sẽ học được cách xử lý vấn đề, quản lý vấn đề, giữa hai bên, và chúng ta đang ở giai đoạn đầu của việc này", ông nói.

Tuy vậy, ông Lighthizer tuyên bố rằng "mục tiêu của tôi không phải là thay đổi hệ thống của Trung Quốc".

Ông Lighthizer sẽ là một trong số các quan chức Mỹ cấp cao đến Trung Quốc tuần này để thảo luận vấn đề thương mại. Cùng đi còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, hai cố vấn kinh tế của Nhà Trắng là Larry Kudlow và Peter Navarro, cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross.

Trước đó cùng ngày thứ Ba, ông Ross đã hạ thấp khả năng đạt bước đột phá trong cuộc đàm phán tại Bắc Kinh. Các cuộc gặp sẽ bắt đầu vào ngày thứ Năm và các quan chức Mỹ sẽ về nước vào cuối tuần. Tuy vậy, ông Ross nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin CNBC rằng chuyến đi sẽ được rút ngắn "nếu không mang lại hiệu quả".

"Các bạn sẽ không biết mình đang ở đâu cho tới khi nào bạn thực sự vào trong phòng họp" và kết quả sẽ không thể được đoán trước, ông Ross nói. "Tôi sẽ không theo đến cùng các cuộc họp ở đó nếu tôi thấy không có hy vọng".

Vị Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng đối với bất kỳ thỏa thuận nào mà Mỹ có thể có với Trung Quốc. Đây được xem là một tín hiệu cho thấy ông Ross không kỳ vọng Mỹ-Trung sẽ ngay lập tức có tuyên bố thỏa thuận sau cuộc gặp ở Bắc Kinh.

"Tất cả những gì được thảo luận ở đó sẽ được chuyển về để Tổng thống xem xét", ông Ross nói.

Gần đây, Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế mạnh lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhằm cắt giảm mức thâm hụt thương mại khổng lồ của nền kinh tế lớn nhất thế giới với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Đáp trả Washington, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ áp thuế mạnh lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Sau đó, ông Trump tuyên bố xem xét đánh thuế đối với thêm 100 tỷ USD hàng hóa nữa.

Năm ngoái, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc là 337 tỷ USD. Việc hai nước áp thuế lên hàng hóa của nhau đặt ra nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh như vậy sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ông Ross nói ông Trump muốn phá vỡ "truyền thống" của các chính quyền tiền nhiệm là chỉ nói về việc tạo ra một sân chơi thương mại bình đẳng với Trung Quốc mà chẳng làm được gì. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã trở nên quá lớn và "bắt nguồn từ những hành động có hại", vị Bộ trưởng phát biểu.

Về phần mình, ông Mnuchin nói ông lạc quan thận trọng về các cuộc gặp ở Trung Quốc.

"Tôi mong sẽ có những cuộc thảo luận hết sức thẳng thắn về thương mại, sẽ tiếp tục những cuộc thảo luận đó và chờ xem liệu chúng tôi có đạt được một giải pháp chung cho vấn đề này hay không", ông Mnuchin nói với Bloomberg hôm thứ Hai.

Trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter ngày thứ Ba, ông Trump viết: "Phái đoàn đang chuẩn bị đến Trung Quốc để bàn về thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ. Rất giống vấn đề Triều Tiên, chuyện này lẽ ra phải được giải quyết từ nhiều năm trước rồi chứ không phải bây giờ. Cũng giống như với các quốc gia khác và NAFTA… nhưng tất cả sẽ được giải quyết. Tiềm năng tuyệt vời cho nước Mỹ!"

Theo An Huy

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên