MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phái sinh ‘nguội’ sau 4 ngày áp phí mới

Thanh khoản hợp đồng tương lai giao dịch giảm 23%, sau khi biểu phí mới áp dụng trên thị trường phái sinh.

20/2 là phiên giao dịch thứ 4 sau khi biểu phí giao dịch mới trên thị trường phái sinh theo Thông tư 127 được áp dụng. Khối lượng giao dịch ghi nhận 99.830 hợp đồng tương lai (HĐTL), cao hơn 11% so với phiên trước. Tuy nhiên, bình quân 4 phiên thanh khoản vẫn giảm so với tuần giao dịch sau tết (trước khi áp dụng mức phí mới).

Diễn biến thị trường phái sinh phiên 20/2

Phái sinh ‘nguội’ sau 4 ngày áp phí mới - Ảnh 1.

Giai đoạn 11-14/2, khối lượng giao dịch mỗi phiên đạt hơn 111.000 HĐTL, trong khi bình quân 3 phiên gần đây, thanh khoản chỉ đạt 85.000 HĐTL/phiên, giảm 23%. Mặt khác, khối lượng hợp đồng mở (OI) liên tục sụt giảm 4 phiên liên tiếp, dừng ở mức 20.392 HĐTL trong phiên 19/2.

Thanh khoản giao dịch phái sinh

Phái sinh ‘nguội’ sau 4 ngày áp phí mới - Ảnh 2.

Nguồn: HNX.

Dù còn nhiều yếu tố khác tác động đến giao dịch phái sinh, sự thay đổi thanh khoản trong 4 phiên gần phần nào thể hiện phản ứng của thị trường với mức phí vừa áp dụng.

Theo quy định mới, nhà đầu tư sẽ phải trả thêm 3 loại phí khi tham gia giao dịch phái sinh gồm: phí giao dịch sản phẩm phái sinh trả cho Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK); phí dịch vụ quản lý vị thế và phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ cho Trung tâm Lưu ký (VSD). Tất cả sẽ được các công ty chứng khoán thu hộ.

Phí dịch vụ quản lý vị thế là khoản tiền nhà đầu tư phải trả cho VSD khi giao dịch hợp đồng qua đêm (OI), trong khi phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ là khoản nhà đầu tư sẽ phải chịu khi để tiền ký quỹ trên VSD. Khoản này sẽ tính theo số ngày lũy kế khách hàng để tiền ký quỹ trong tháng. Mức phí tối thiểu nhà đầu tư phải trả cho dịch vụ này là 400.000 đồng và tối đa là 2 triệu đồng mỗi tháng.

Việc để nhà đầu tư ‘chịu’ thêm chi phí phần nào làm giảm sức hấp dẫn của thị trường phái sinh còn khá non trẻ tại Việt Nam. Theo một môi giới của CTCK thuộc top 10 thị phần sàn HoSE, nhà đầu tư và các nhân viên môi giới khác có xu hướng không đồng tình với mức phí mới được đưa ra. Đơn cử như khoản ký quỹ tại VSD, nhà đầu tư cho rằng đây có thể xem như tiền đảm bảo (nhàn rỗi), tương đương với tiền gửi không kỳ hạn nếu để tại ngân hàng. Như vậy, VSD không cần thiết phải thu phí này. Mặt khác, việc thu phí quản lý vị thế cũng sẽ khiến nhà đầu tư hạn chế giữ vị thế qua đêm và đầu tư dài hạn.

Hạ nhiệt phái sinh

Trong buổi trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm nay là kiên định phát triển thị trường phái sinh, lĩnh vực quan trọng hỗ trợ chứng khoán Việt Nam. HNX sẽ tiếp tục làm lành mạnh hóa thị trường và đa dạng sản phẩm cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, những động thái gần đây của cơ quan quản lý có thể tạo ra những phản ứng ngược. Giữa tháng 7/2018, VSD đã nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu HĐTL từ 10% lên 13% khi thị trường phái sinh đang nóng và gần đây là việc áp dụng mức phí mới.

Phái sinh ‘nguội’ sau 4 ngày áp phí mới - Ảnh 3.

Nhìn lại kinh nghiệm phát triển thị trường phái sinh từ Hàn Quốc, nước này đã có những chính sách ưu đãi về thị trường phái sinh. Sau khi thành lập năm 1996, Hàn Quốc đã miễn thuế giao dịch, thuế giao dịch (transaction tax) cũng như thuế thu nhập (capital gains tax) trong 10 năm, nhờ đó trở thành một trong những thị trường phái sinh phát triển thành công nhất thế giới. Tương tự, Thái Lan cũng là nước có những ưu đãi với giao dịch phái sinh khi không đánh thuế chuyển nhượng/giao dịch HĐTL với các nhà đầu tư cá nhân.

Từ khi đi vào hoạt động từ tháng 8/2017, thị trường phái sinh Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh về thanh khoản và nhà đầu tư tham gia. Số lượng tài khoản giao dịch tăng 3,4 lần, đạt 57.677 đơn vị vào cuối năm 2018. Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh đạt 19,6 triệu HĐTL bình quân 78.791 HĐTL/phiên, gấp 7 lần so với năm 2017.

Theo Lê Hải

Người đồng hành

Trở lên trên