MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Pháp - Đức tái phong tỏa vì Covid-19, kinh tế thế giới lao đao

30-10-2020 - 13:52 PM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Pháp và Đức hôm 28-10 công bố lệnh phong tỏa toàn quốc mới, dự kiến kéo dài 4 tuần, nhằm đối phó làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai.

Hai nền kinh tế lớn nhất khối Liên minh châu Âu (EU) sẽ đóng cửa quán bar, nhà hàng và những dịch vụ không thiết yếu nhưng vẫn cho phép trường học và phần lớn doanh nghiệp mở cửa. Theo hãng tin Bloomberg, đây là một nỗ lực nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sức khỏe nền kinh tế.

"Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để tránh tình trạng khẩn cấp y tế toàn quốc" - Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh trong lúc công bố lệnh phong tỏa. Quyết định trên được đưa ra vài giờ sau khi cơ quan kiểm soát dịch bệnh Đức thông báo gần 15.000 ca nhiễm mới sau 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên hơn 449.000.

Tại Pháp, theo hãng tin AP, hơn 50% đơn vị chăm sóc đặc biệt trên toàn quốc đang được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19. Với hơn 520 ca tử vong được ghi nhận vào ngày 27-10, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định phong tỏa toàn quốc là phương án khả thi duy nhất mang lại thành công cho cuộc chiến chống đại dịch.

Pháp - Đức tái phong tỏa vì Covid-19, kinh tế thế giới lao đao  - Ảnh 1.

Y tá chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại một đơn vị chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Le Bois ở TP Lille – Pháp hôm 28-10 Ảnh: REUTERS

Pháp sẽ bắt đầu phong tỏa từ ngày 30-10 trong khi các biện pháp hạn chế của Đức có hiệu lực từ ngày 2-11. Đây là một phần trong hàng loạt biện pháp thắt chặt giãn cách xã hội đang được triển khai khắp châu Âu, nơi ghi nhận hơn 210.000 ca tử vong và gần 6,5 triệu ca nhiễm Covid-19. Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Cộng hòa Czech… đều chứng kiến sự lây lan mạnh mẽ của Covid-19 trong 14 ngày qua. Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu Âu với gần 45.700 ca.

Theo nghiên cứu mới nhất của Trường ĐH Hoàng gia London, số ca nhiễm Covid-19 tại Anh tăng gấp đôi mỗi 9 ngày. Bộ trưởng Nhà ở Robert Jenrick hôm 29-10 cho biết chính phủ Anh sẽ làm mọi cách để tránh cảnh tái phong tỏa toàn quốc.

Theo Reuters, các thị trường chứng khoán thế giới phản ứng tiêu cực với thông báo của Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron. Kết thúc phiên giao dịch hôm 28-10, các chỉ số của thị trường chứng khoán châu Âu rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 sụt giảm 3%.

Xu hướng tương tự diễn ra trong phiên giao dịch hôm 29-10 của thị trường chứng khoán châu Á khi chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,6%. Dù vậy, không giống với châu Âu và Mỹ, hoạt động bán tháo hoảng loạn không xuất hiện tại các thị trường chứng khoán châu Á. Theo chuyên gia kinh tế Rob Carnell của Ngân hàng ING (Hà Lan), nguyên nhân là hiện nay phần lớn châu Á đã kiểm soát được Covid-19 nên không phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai hoặc thứ ba.

Theo Cao Lực

NLĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên