Pháp dùng tiền tịch thu từ Nga mua vũ khí cho Ukraine
Pháp đã tuyên bố sẽ sử dụng một phần tiền thu được từ các tài sản đóng băng của Nga để tài trợ vũ khí cho Ukraine.
- 08-09-2024Pháp rơi vào hỗn loạn vì quyết định của tổng thống
- 07-09-2024Kursk: "Vua pháo binh" Ukraine nổ tung, 6 vạn quân Nga quyết đấu - TT Putin nói về đòn ăn miếng trả miếng
- 05-09-2024Nga thề sẽ có biện pháp đáp trả "đau đớn" sau khi NATO ủng hộ chiến dịch Kursk
- 02-09-2024Thứ 'không thể tin nổi' của Ukraine gặp khó và giải pháp bất ngờ đến từ... Nga?
Động thái này diễn ra sau khi Kiev kêu gọi Paris đẩy nhanh việc giao vũ khí. Theo đài RT, các nước phương Tây đã đóng băng 300 tỉ USD tài sản của Nga để đáp trả hoạt động quân sự của Moscow tại Ukraine.
Trong khi Ukraine và một số nước ủng hộ ở châu Âu liên tục thúc giục tịch thu toàn bộ số tiền này, thì cho đến nay Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa tìm ra cách thức hợp pháp để thực hiện.
Đến tháng 6 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã nhất trí trích 1,6 tỉ USD lợi nhuận thu được từ các tài sản của Nga để viện trợ cho Ukraine.
Bộ Quốc phòng Pháp hôm 6-9 cho biết Ủy ban châu Âu đã nhất trí với Tổng cục vũ khí của Pháp nhanh chóng dùng số tiền này mua đạn dược, pháo và thiết bị phòng không ưu tiên cho Ukraine từ ngành công nghiệp Pháp. Số vũ khí này trị giá 332 triệu USD và chi trong năm 2024.
Trước đó, trong tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục Pháp, Anh và Mỹ đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí vì lực lượng Kiev không thể ngăn chặn được đà tiến của quân đội Nga ở Donbass. Ông Zelensky nói: "Cần phải có quyết định, cũng như hậu cần kịp thời cho các gói viện trợ đã công bố".
Trong khi đó, Nga nhấn mạnh việc đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và tương đương với hành vi trộm cắp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova hồi tháng 6 tuyên bố phản ứng tất yếu của Nga sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến châu Âu.
Trong khi đó, theo Reuters, ông Richard Moore, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Anh (MI6), hôm 7-9 cho rằng "còn quá sớm" để khẳng định lực lượng Ukraine có thể trụ được bao lâu ở tỉnh Kursk của Nga. Ông Moore gọi cuộc xâm nhập của Ukraine vào Kursk là một hành động táo bạo cố gắng thay đổi cục diện.
Phát biểu tại một sự kiện của Financial Times mà ông Moore cũng tham dự ở London - Anh, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã gọi cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk là "một thành tựu chiến thuật quan trọng".
Trong khi cho rằng cuộc xâm nhập Kursk đã phơi bày những điểm yếu phòng thủ của Nga, ông Burns cho biết chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sức mạnh quân sự Nga bị suy yếu.
Người Lao Động