11h35: TRUY TỐ TỘI CỐ Ý LÀM TRÁI LÀ ĐÚNG NGƯỜI ĐÚNG TỘI
Hành vi đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại cho NH, các bị cáo đều thừa nhận tại cuộc họp HĐQT có bàn chủ trương cấp 700 tỷ cho ACBS đầu tư cổ phiếu nhưng chỉ nêu nội dung đầu tư chung chứ không cụ thể vào cổ phiếu ACB, Nguyễn Đức Kiên là người trực tiếp thực hiện.
Bị cáo Kiên cho rằng việc ký hợp đồng hợp tác giữa ACI và ACBS để đầu tư cổ phiếu ACB là đúng quy định pháp luật, lời khai của ông Chung không đúng, nên bị cáo không phạm tội cố ý làm trái. Bị cáo Hải khai không biết việc đầu tư vào cổ phiếu ACB của ACI, ACBS.
(HĐXX nhắc lại lời khai của các cựu thành viên HĐQT ACB)
HĐXX xét thấy, Bộ tài chính đã quy định các CTCK không được phép đầu tư vào cổ phiếu của DN có phần vốn góp trên 30% vốn điều lệ. Theo đó, ACBS không được phép mua cổ phiếu của ACB, các thành viên HĐQT ACB biết rõ điều này nhưng đã bàn mua cổ phiếu ACB, trước đó đã bàn bạc rất rõ các yếu tố rủi ro, yếu tố pháp lý.
Như vậy, biết pháp luật không cho phép ACBS mua cổ phiếu ACB nên HĐQT ACB đã thống nhất cấp hạn mức cho ACBS và giao cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện đầu tư. Ông Kiên đã chỉ đạo ký hợp đồng hợp tác đầu tư với ACI và dùng các nguồn tiền luân chuyển lòng vòng từ ACB cho KiênLongBank và VietBank vay, qua ACI để mua cổ phiếu ACB. Ông Nguyễn Ngọc Chung - tổng giám đốc ACBS đã xác nhận điều này tại phiên tòa.
Bản chất việc đầu tư mua cổ phiếu ACB của ACBS thông qua ACI là tiền của ACB. VietBank mua trái phiếu, ACBS là bên đảm bảo thanh toán, ACB là bên tiến hành thu xếp nguồn vốn. Công ty kiểm toán đã khuyến cáo loạt bỏ cổ phiếu ACB khỏi danh mục đầu tư của ACI.
Như vậy, hành vi thống nhất mua cổ phiếu ACB của các thành viên HĐQT ACB là vi phạm pháp luật.
Việc truy tố các bị cáo tội cố ý làm trái là đúng người đúng tội.
11h05: CÁC BỊ CÁO PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ VỀ TỘI CỐ Ý LÀM TRÁI
Về hành vi cố ý làm trái, bị cáo Kiên cho rằng thời điểm đó chỉ làm phó chủ tịch Hội đồng sáng lâp nên không ký vào các nghị quyết, không có quyền quyết định, việc ký hoạt động ủy thác vào thời điểm đó pháp luật không cấm nên bị cáo không phạm tội.
(HĐXX nhắc lại lời bào chữa của các bị cáo Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Huỳnh Quang Tuấn, Lê Vũ Kỳ đã nêu trong phiên tòa trước)
Các bị cáo đã thừa nhận đã tham gia cuộc họp 22/3/2010 có chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền nhưng cho rằng không vi phạm pháp luật, không gây thiệt hại cho ACB, HĐXX thấy theo Luật TCTD, bất kỳ hoạt động kinh doanh nào của ngân hàng ngoài hoạt động được NHNN cấp phép thì không được thực hiện.
Trước thời điểm luật TCTD 2010 có hiệu lực, với các hoạt động ủy thác và nhận ủy thác đươc NH thực hiện theo điều 72 luật TCTD 1997 và sửa đổi bổ sung năm 2004 thì TCTD được quyền ủy thác và nhận ủy thác trong các lĩnh vực liên quan đến ngân hàng, không cho phép ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền vào TCTD khác.
HĐXX khẳng định việc này không đúng quy định pháp luật, tức là thường trực HĐQT ra biên bản ngày 22/3/2010 là hoàn toàn sai, đặc biệt khi luật TCTD 2010 có hiệu lực thì việc tuân thủ phải nghiêm túc hơn nữa, nhưng thường trực HĐQT họp ngày 29/3/2011 vẫn tiếp tục thực hiện. Các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bị cáo Phạm Trung Cang có tham dự cuộc họp ngày 22/3/2010 nhưng cuối năm đã không còn tham gia HĐQT ACB. Giai đoạn 19 nhân viên đi gửi tiền và bị Huyền Như chiếm đoạt thì ông Cang không còn ở trong HĐQT ACB, không điều hành, tham gia giám sát, phê duyệt. HĐXX cho rằng ông Cang vẫn phải chịu trách nhiệm.
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn có tham gia cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2010 và đồng tình với chủ trương ủy thác gửi tiền, phải chịu trách nhiệm với hành vi này.
Huyền Như lợi dụng việc các cá nhân của ACB không quan tâm đến khoản tiền gửi tiết kiệm, không nhận thẻ, không theo dõi biến động tài khoản… đã chiếm đoạt số tiền này.
Về việc ban hành quy chế gửi tiết kiệm tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt, dù Vietinbank hay Huyền Như là đối tượng phải đền bù thì ACB cũng đã bị thiệt hại, số tiền này vẫn chưa thu hồi được. Như vậy, từ hành vi làm trái đã dẫn đến ACB bị mất 718 tỷ. Đủ cơ sở xác định các bị cáo của ACB đã có hành vi thống nhất ban hành quyết định, làm trái quy định tại điều 106 Luật TCTD, thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Số tiền 718 tỷ này đã được giải quyết trong vụ án Huyền Như. Ngoài ra trong vụ án này, Huỳnh Thị Bảo Ngọc là người được giao để liên hệ, giao dịch với Huyền Như. Để Như chiếm đoạt được có sự tiếp tay tích cực của Ngọc, bản thân Ngọc được hưởng lợi 3 tỷ. Ngọc có dấu hiệu đồng phạm chiếm đoạt tài sản nên VKS tối cao sẽ làm rõ hành vi này của Ngọc. Kế toán trưởng ACB – ông Hòa không bị truy cứu do tích cực khai báo.
10h43 XEM XÉT GIẢM TỘI LỪA ĐẢO CHO BỊ CÁO THANH VÀ YẾN
Về hành vi lừa đảo, theo tài liệu và lời khai của ông Long, ông Dương thì họ là người trực tiếp đàm phán với ông Kiên về việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu thép Hòa Phát, người ký hợp đồng là ông Kiều Chí Công – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát.
Khi ký hợp đồng nhận chuyển nhượng, bên Hòa Phát không được biết số cổ phiếu này đã bị thế chấp. Về phía ACBI do ông Kiên làm chủ tịch, theo bị cáo, ông Long và ông Dương biết rõ số cổ phiếu bị thế chấp và bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tài sản.
HĐXX nhận thấy qua lời khai, ông Dương và ông Long, ông Công đều khẳng định không biết số cổ phần bị thế chấp, không có việc hoán đổi mua bán cổ phần. Bị cáo nhiều lần khẳng định là người có tài sản hàng ngàn tỷ, không có ý thức chiếm đoạt tài sản nhưng HĐXX nhận thấy ngay khi nhận được tiền, bị cáo đã chỉ đạo Thanh chi tiền và không có hành động yêu cầu ACBS giải chấp số cổ phiếu. Vì vậy tội lừa đảo là có căn cứ, đúng người đúng tội. Bị cáo đã không thành thật nhận tội.
Tổng giám đốc ACBI thừa nhận không có cuộc họp HĐQT của ACBI về việc giải chấp. Thanh và Yến là đồng phạm của Kiên nhưng vai trò của các bị cáo là người làm công ăn lương, một phần do nhận thức pháp luật hạn chế nên xem xét giảm tội.
10h18 NGUYỄN ĐỨC KIÊN LÀ NGƯỜI TRỰC TIẾP PHẠM TỘI NHƯNG KHÔNG THÀNH THẬT KHAI BÁO
10h, HĐXX nhận định:
Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, kinh doanh vàng với số tiền 21.500 tỷ đồng. Ông Kiên đã thừa nhận dùng số tiền để thực hiện hoạt động kinh doanh nêu lên trong cáo trạng, nhưng không thừa nhận việc kinh doanh của mình trái pháp luật. Tại tòa, đối với hành vi kinh doanh trái phép, các cơ quan chức năng cũng đã trả lời nhằm làm rõ hành vi của bị cáo Kiên.
HĐXX nhận thấy, các công ty của Kiên trong giấy phép kinh doanh không có ghi kinh doanh cổ phần, cổ phiếu. Các công ty này không hoạt động kinh doanh nào ngoài hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu. Qua điều này có thể khẳng định rằng, việc thành lập các công ty (trừ Công ty Thiên Nam) của Kiên là chỉ nhằm mục đích kinh doanh cổ phần, cổ phiếu.
Hành vi kinh doanh của Kiên dưới hình thức mua cổ phần, cổ phiếu, góp cổ phần vào các công ty. Hành vi này của Kiên được sự giúp sức, hỗ trợ của các Ngân hàng ACB, Ngân hàng Vietbank. Do vậy HĐXX cho rằng, cần phải khởi tố điều tra đối với những người liên quan.
Việc kinh doanh giá vàng như bị cáo Kiên xác nhận là hoạt động kinh doanh vàng cần đăng ký kinh doanh theo quy định của Pháp luật.
Quan điểm của bị cáo cho rằng trong giấy phép kinh doanh của Thiên Nam: kinh doanh vàng, giá vàng hay vàng trạng thái đều là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo giấy phép đăng ký kinh doanh, lập luận của bị cáo không có cơ sở. Nguyễn Đức Kiên là người trực tiếp phạm tội nhưng không thành thật khai báo.
Về hành vi trốn thuế, HĐXX nhắc lại các lời khai của bà Hương và bà Lan về việc không nắm, không hiểu được các hoạt động tài chính mà hoàn toàn thực hiện theo lời của ông Kiên. Toàn bộ lợi nhuận nhận được đều chuyển lại cho Kiên kinh doanh tiếp. Kiên nói “dạy em gái mình kinh doanh” nhưng không có chỉ dẫn nào cho em gái, vì vậy không có căn cứ cho lời nói này.
Hợp đồng ủy thác giữa B&B và bà Hương không hợp pháp, chỉ là hợp đồng khống nhằm chuyển hết lợi nhuận khỏi B&B. Bị cáo và bà Lan khai chi cục thuế Đống đa vẫn kiểm tra hàng năm mà không phát hiện sai sót gì, HĐXX thấy theo quy định về việc kiểm tra tính thuế thì cơ quan kiểm tra dựa trên việc doanh nghiệp tự kê khai đầy đủ, nên cơ quan thuế Đống Đa đã làm đúng quy tắc.
Hợp đồng với bà Hương đã không được kê khai đầy đủ - đây là trách nhiệm của B&B chứ không phải trách nhiệm của chi cục thuế. Chi cục thuế cho biết năm 2009, 2010 công ty làm ăn có lãi đã nộp thuế TNDN, số thuế còn lại DN không kê khai từ hoạt động kinh doanh giá vàng trạng thái qua ACB, buộc DN phải nộp số thuế không công khai này là đúng quy định. B&B phải kê khai nộp thuế GTGT 10% theo phương pháp khấu trừ thuế và thuế TNDN 25% cho thu nhập từ kinh doanh giá vàng. Thuế TNDN phát sinh là hơn 25 tỷ. Vì vậy đủ căn cứ KL ông Kiên đã phạm tội trốn thuế.
Bà Lan, bà Hương thực hiện với vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Kiên, mặc dù là mối quan hệ vợ chồng, anh em nhưng cơ quan điều tra buộc tiếp tục tố tụng. Buộc B&B truy nộp số thuế đã trốn.
09h50 CHỦ TỌA NHẮC LẠI TRUY TỐ CỦA VKS
Đọc bản tuyên án, chủ tọa Nguyễn Hữu Chính nhắc lại truy tố của VKS đối với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm về 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo bản tuyên án, đối với tội kinh doanh trái phép, theo truy tố, thông qua 6 công ty gồm: Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại B&B; Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu; Công ty Cổ phần đầu tư ACB; Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu; Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội; Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, bầu Kiên đã thực hiện chỉ đạo việc kinh doanh trái phép.
Như vậy, từ ngày 15/5/2007 đến ngày 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên với vai trò là Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên của 6 công ty, Kiên đã tổ chức kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.
Hành vi của Nguyễn Đức Kiên phạm tội kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ luật hình sự.
Đối với tội trốn thuế: Trong năm 2009, Công ty B&B kinh doanh giá vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ với Ngân hàng ACB, thu được số tiền lãi trên 100 tỷ đồng.
Lợi dụng chính sách của nhà nước về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, Nguyễn Đức Kiên với thủ đoạn ký Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B và bà Nguyễn Thúy Hương – em gái Kiên để chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp sang cá nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B số tiền hơn 25 tỷ đồng.
Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của công ty, đồng thời là người trực tiếp chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của Công ty B&B. Nguyễn Đức Kiên còn là người chủ mưu, hướng dẫn người khác tham gia thực hiện tội phạm.
Như vậy, Kiên bị truy tố về tội Trốn thuế theo điều 164 Bộ luật hình sự.
Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và hai đồng phạm là Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty ACB Hà Nội) đã có hành vi gian dối, chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng của Công ty Cổ phần TNHH Một thành viên Thép Hòa phát.
Hành vi của Kiên và đồng phạm bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật hình sự.
Đối với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Kiên cùng các bị cáo: Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn đã thống nhât việc ủy thác cho các các nhân gửi tiền VNĐ và USD tại các tổ chức tín dụng.
Từ ngày 27/6/2011 đến ngày 5/9/2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho Kế toán trưởng thực hiện ủy thác số tiền 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM.
Toàn bộ số tiền này đã bị siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Như vậy, hành vi thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho các nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank các bị cáo đã làm trái quy định tại điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718 tỷ đồng
Trong tội Cố ý làm trái, các bị cáo còn bị cáo buộc việc thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoáng và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB của bị can Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ là làm trái quy định tại điều 29, quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính và đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền gần 687 tỷ đồng.
Như vậy, Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật hình sự.
Riêng bị cáo Trần Xuân Giá – do bệnh nặng không thể tham dự phiên tòa, HĐXX đã quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Giá và sẽ xử lý sau.
Đối với việc kê biên tài sản, cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã kê biên 3 bất động sản do Nguyễn Đức Kiên và vợ đứng tên sở hữu gồm: Nhà và đất tại số 5, Hồ Biểu Chánh, phường 12, quận Phú Nhuận, TP HCM; Nhà và đất ở tại số 22, Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP HCM; Ngoài ra còn kê biên hơn 2.400m2 đất tại 78/6 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Ngoài ra, cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Ngân hàng ACB phong tỏa, quản lý toàn bộ số cổ phiếu, cổ phần do Nguyễn Đức Kiên và người thân đang sở hữu tại Ngân hàng ACB.
09h04: CÁC MỨC ÁN VKS ĐỀ NGHỊ CHO CÁC BỊ CÁO
Sáng ngày 27/5, sau khi kết thúc phần xét xử, chuyển sang phần tranh tụng, Viện Kiểm sát đã có những đề nghị án phạt với các bị cáo vụ Bầu Kiên.
Theo đề xuất của VKS, ông Trần Xuân Giá đang tạm đình chỉ nên không xem xét. Các hình phạt với các bị cáo khác như sau:
Nguyễn Đức Kiên bị xử các tội Kinh doanh trái phép: 18-24 tháng tù; phạt tiền 25-30 triệu, tịch thu tiền kinh doanh trái phép. Trốn thuế: 4-5 năm tù giam: truy thu số tiền gần 25 tỷ đồng, tuyên phạt 2-3 lần số tiền trốn thuế; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 16-18 năm tù giam; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 14-15 năm tù. Viện Kiểm sát đề nghị mức án chung cho các tội đối với Kiên là 30 năm tù giam.
Trần Ngọc Thanh: phạt 9 - 10 năm tù.
Nguyễn Thị Hải Yến: 7 – 8 năm
Lý Xuân Hải: 12 -14 năm tù. Cấm đảm nhiệm, điều hành các TCTD từ 3-5 năm sau khi ra tù.
Lê Vũ Kỳ: 7 – 8 năm tù.
Trịnh Kim Quang: 6- 7 năm tù.
Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn: 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
Phiên tòa xét xử bầu Kiên và đồng phạm ngày 2/6 kết thúc ở phần các bị cáo được nói lời sau cùng. Tại tòa, bị cáo Trần Ngọc Thanh, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến cúi đầu nhận tội và mong HĐXX xem xét giảm án cho bị cáo so với cáo buộc của VKS.
Bị cáo Lê Vũ Kỳ cũng thành khẩn xin HĐXX xem xét khi lượng hình. Bị cáo Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang tại lời nói sau cùng vẫn cho rằng mình oan uổng khi bị khép tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với bị cáo Lý Xuân Hải thì "Mong muốn HĐXX nhìn vào hành vi của các bị cáo để suy xét một cách thấu đáo".
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên, bị cáo buộc về tội danh: Trốn thuế, kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng – vẫn cho rằng mình vô tội.
Trước đó, Nguyễn Đức Kiên bị đại diện VKS đề nghị mức án 30 năm tù giam cho tổng hợp hình phạt của 4 tội danh.