Phát hiện cả một "thế giới ngầm" dưới lớp băng dày của Nam Cực khiến các nhà khoa học "nhảy cẫng lên" vì mừng rỡ
Cả hệ sinh thái bí mật mới được khám phá ở độ sâu hơn 500 mét dưới lớp băng Nam Cực.
- 12-06-2022Đoạn Trường Thành nguy hiểm nhất Trung Quốc: Hai bên vực thẳm sâu hút, không có tường ngăn, được ví là rồng nằm cheo leo trên vách đá
- 12-06-2022Loài rùa quý hiếm tưởng tuyệt chủng hàng thế kỷ trước bỗng được phát hiện vẫn sống ở nơi không ngờ
- 11-06-2022Hòn đảo hoang kỳ lạ của Nhật Bản: Từ thành phố thiên đường giàu có bậc nhất đến nơi bị lãng quên trong phút chốc
Các nhà khoa học mới đây đã "khai quật" cả một thế giới kỳ thú sâu bên dưới lớp băng lạnh giá của Nam Cực. Theo đó, hệ sinh thái không ai nghĩ là tồn tại được phát hiện ra bằng cách hết sức tình cờ.
Họ tìm ra "thế giới ngầm" này bên dưới Thềm băng Larsen - một tảng băng nổi khổng lồ gắn liền với bờ biển phía Đông của bán đảo Nam Cực, nơi "xuất xưởng" tảng băng trôi lớn nhất từng thấy năm 2021.
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy một rãnh bất thường trên thềm băng gần nơi tiếp xúc với mặt đất và các nhà nghiên cứu đã xác định đó là con sông ngầm. Nhóm khoan sâu khoảng 500 mét xuống bề mặt băng bằng cách sử dụng vòi nước nóng áp lực cực cao.
Khi cả nhóm gửi máy ảnh xuống qua đường hầm băng giá vào hang động, hàng trăm đốm sáng mờ nhỏ trong làn nước đã che khuất nguồn cấp dữ liệu video. Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng thiết bị của họ bị lỗi. Nhưng sau khi lấy nét lại máy ảnh, họ nhận ra là ống kính đang bị một nhóm động vật giáp xác vây kín.
Hình ảnh vô số sinh vật được ghi nhận trong camera.
Điều này khiến tất cả bất ngờ, vì họ không hề tưởng tượng trước có sinh vật nào tồn tại sâu tít bên dưới thềm băng lạnh giá kia.
Theo Craig Stevens, nhà vật lý học hải dương New Zealand, việc phát hiện một hệ sinh thái của các loài giống tôm bên dưới thềm băng khiến tất cả mọi người "nhảy cẫng lên vì vui mừng".
Các chuyên gia từ lâu đã nghi ngờ rằng có một mạng lưới sông, hồ và cửa sông rộng lớn bên dưới bề mặt Nam Cực, nhưng cho đến nay những điều đó vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Họ cũng chưa rõ ở đó có sự sống không, điều này làm cho phát hiện mới càng trở nên quan trọng. Trưởng nhóm nghiên cứu Huw Horgan, nhà băng học tại Te Herenga Waka - Đại học Victoria Wellington ở New Zealand, nói với The Guardian: "Được quan sát và lấy mẫu dòng sông này tạo cảm giác như người đầu tiên bước vào một thế giới ẩn".
Ngoài ra, việc gửi camera xuống lòng hang cũng giúp họ phát hiện nhiều cấu trúc địa chất không ngờ tới. Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy rằng cột nước dưới lòng đất chia thành 4-5 lớp nước riêng biệt chảy ngược chiều nhau, thách thức những hiểu biết trước đây.
Tuy nhiên, họ lo lắng rằng ngay cả những hệ sinh thái ẩn như thế này cũng có thể gặp rủi ro do nhiệt độ nóng lên nhanh chóng bởi biến đổi khí hậu gây ra. Stevens nói: "Khí hậu đang thay đổi, và một số vấn đề chính chưa được khoa học hiểu rõ, nhưng điều chắc chắn là những biến chuyển lớn vẫn tiếp tục diễn ra".
Nguồn: Livescience
Trí Thức Trẻ