Phát hiện con đường cát giữa biển miền Trung: Nối 3 đảo, mỗi ngày chỉ xuất hiện rõ nhất vào hai thời điểm
Nhiều du khách phải trầm trồ bởi ngay giữa biển khơi lại có 1 con đường đặc biệt, giúp du khách có thể đi bộ tới nhiều hòn đảo khác nhau.
- 17-07-2024Ngoài Bãi Cháy, Hạ Long còn có 1 bãi biển đẹp khác: Từng là "khu vực cấm tắm", nằm trên con đường đặc biệt
- 16-07-2024Chưa dư dả mà vội mua 3 thứ này, tin tôi đi, con đường đến cái nghèo của bạn rất bằng phẳng và trải hoa thơm ngát!
- 12-07-2024Bỏ việc ngân hàng, tôi kiếm được 25 tỷ đồng chỉ nhờ chiếc máy tính: Con đường làm giàu của nữ nhân viên xinh đẹp thông qua chiếc camera 32 triệu đồng
Nhắc tới những bãi biển hay hòn đảo, phần đông du khách sẽ nghĩ ngay tới làn nước trong xanh bên bờ cát trắng mịn, nơi còn có những rặng dừa hay phi lao cao vút. Tuy nhiên ít ai biết rằng, tại một số địa điểm, còn có 1 cảnh quan rất đặc biệt khác. Chúng được gọi là "thuỷ đạo", hay dễ hiểu hơn chính là những con đường cát nổi lên giữa mặt nước. Nhờ có những con đường này, du khách thậm chí có thể di chuyển giữa các hòn đảo mà chẳng cần tàu, thuyền mà có thể đi bộ trực tiếp.
Ở khu vực biển miền Trung nước ta, có một "thuỷ đạo" như thế. Nó nối liền 3 hòn đảo là Hòn Bịp, Hòn Ó và Hòn Quạt. Con đường đang được nhắc tới mang tên "thuỷ đạo Điệp Sơn" ở Khánh Hoà.
Để trải nghiệm được thủy đạo, điều đầu tiên du khách cần thực hiện đó là đến đảo Điệp Sơn. Trái với khung cảnh sôi động của phố biển Nha Trang, đảo Điệp Sơn được đánh giá có khung cảnh còn hoang sơ. Vì vậy, nó phù hợp với những du khách yêu thích sự yên bình để tận hưởng, hoà mình vào thiên nhiên.
Trước kia, khi nhắc tới những con đường giữa biển như thế này, nhiều du khách sẽ nghĩ ngay tới 1 địa danh nổi tiếng khác nhưng không phải ở Việt Nam. Đó là con đường nối liền 2 đảo Jindo và Modo của Hàn Quốc. Con đường thoắt ẩn thoắt hiện, là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách ở xứ sở kim chi.
Được biết, từ khoảng tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, con đường sẽ xuất hiện 2 lần, mỗi lần kéo dài chỉ 1 tuần, khi mực nước thuỷ triều rút xuống mức thấp nhất.
Thuỷ đạo Điệp Sơn cũng sở hữu những đặc điểm tương tự. Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia, nó là một doi cát tự nhiên, chiều dài khoảng vài trăm mét, chiều rộng chỉ khoảng 1m. Du khách muốn trải nghiệm được con đường đặc biệt này cũng cần đặc biệt lưu ý về thời gian.
Theo chia sẻ của người dân bản địa hay những du khách đã từng trải nghiệm, vào khoảng 6 giờ sáng hàng ngày, khi thuỷ triều xuống, doi cát sẽ từ từ xuất hiện giữa làn nước trong xanh của biển Khánh Hoà. Khi du khách đặt những bước chân xuống doi cát, làn nước như dạt sang 2 bên, nhường lối đi cho người tham quan.
Bên cạnh đó, cũng có 1 khung giờ lý tưởng khác được chỉ ra để thấy và đi trên con đường cát Điệp Sơn, đó là vào khoảng 15 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Du khách còn có thể khám phá những bãi đá san hô và hệ sinh thái bãi cạn hết sức phong phú khi thủy triều rút.
Doi cát hiện lên giữa mặt nước tạo điều kiện cho du khách được "đi bộ giữa biển" (Ảnh Tạp chí Công nghiệp Tàu thuỷ)
Trải nghiệm đi bộ trên thuỷ đạo chắc chắn đem lại cảm giác rất thú vị và độc đáo, tạo điểm nhấn cho du khách khi đến đảo Điệp Sơn. Một travel blogger người nước ngoài tài khoản tên Calvincu, sau khi trải nghiệm đi bộ trên thủy đạo Điệp Sơn đã chia sẻ rằng: “Đi bộ trên con đường này đem lại cảm giác vô cùng thích thú, xen lẫn hồi hộp và một chút sợ hãi khi bạn phải bước giữa đại dương bao la. Bạn có thể thỏa thích ngắm nhìn những đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội hai bên, chốc chốc lại thấy những đàn cá nhảy tung lên khỏi mặt nước, hay giơ tay vẫy chào con thuyền đang chạy lướt qua”.
Nhiều du khách khác cũng đem thuỷ đạo Điệp Sơn so sánh với con đường nổi tiếng ở Hàn Quốc, rằng vẻ đẹp của nó không thua kém gì, thậm chí có thể nói là "viên ngọc quý" cần được nhiều người biết tới hơn ở Đông Nam Á.
Quay lại với Điệp Sơ đẹp hoang sơ, yên bình. Như đã nói ở trên, đảo Điệp Sơn, thuộc vịnh Vân Phong, Khánh Hoà được đánh giá là còn khá hoang sơ và vẫn giữ nguyên được những nét đẹp nguyên thủy mà tạo hoá ban tặng. Trên đảo hầu như chưa có sự can thiệp của bàn tay con người, và cũng gần như không có bất cứ dịch vụ du lịch nào.
Theo báo cáo, trên đảo có khoảng 80 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng việc đánh bắt cá. Nhiều du khách nhận xét rằng chính vẻ đời thường, chân chất của người dân địa phương nơi đây làm cho họ cảm thấy thoải mái, gần gũi hơn khi đến với đảo. Không chỉ hoà mình với thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành, du khách sẽ được tìm hiểu thêm về đời sống của người dân bản địa. Đây cũng chính là những nét đẹp, tạo nên sự khác biệt, độc đáo của Điệp Sơn trong lòng du khách.
Để tới Điệp Sơn, hành trình của du khách nên được chia làm 2 chặng. Chặng đầu tiên là di chuyển từ thành phố Nha Trang đến cảng Vạn Giã. Quãng đường dài gần 60km, mất hơn 1 tiếng lái xe. Sau đó tại cảng, du khách sẽ tùy chọn di chuyển bằng ca nô hoặc thuyền gỗ để ra đảo, với thời gian tương ứng là 20 phút và 60 phút. Chuyến đi sớm nhất trong ngày tại cảng có thể bắt đầu từ 6 giờ sáng, và muộn nhất là 17 giờ chiều.
Cục Du lịch Quốc gia đưa thêm ra lời khuyên, thời điểm đẹp nhất để ghé thăm Điệp Sơn là từ tháng 4 tới tháng 9. Lúc này tiết trời nắng đẹp, ít mưa, vì vậy làn nước cũng trong xanh hơn, tạo điều kiện lý tưởng cho các hoạt động như tắm biển, chụp ảnh hay vui chơi. Từ tháng 9 trở đi trời dễ bão và mưa nhiều, vì thế du khách không nên tham quan đảo vào thời gian này.
Hiện nay, các du khách chủ yếu vui chơi tại Điệp Sơn trong ngày. Đi vào buổi sáng và trở về vào buổi chiều. Tuy nhiên nếu du khách muốn nghỉ lại qua đêm, cần thuê hoặc nhờ nghỉ lại tại nhà người dân bản địa, hoặc tự chuẩn bị lều, trại.
Đời sống & pháp luật