Phát hiện loạt bất cập khi kiểm toán ngân sách của tỉnh Đắk Lắk
Một khu vực dân cư tại tỉnh Đắk Lắk.
Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa ban hành báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk. KTNN đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xử lý tài chính gần 730 tỷ đồng và chỉ đạo các đơn vị có liên quan chấn chỉnh những tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại địa phương.
- 07-12-2022Bí thư Hà Nội: Biến động chứng khoán, trái phiếu ảnh hưởng tới nguồn lực của Thủ đô
- 07-12-2022APax Leaders, VINAXUKI, FLC vào danh sách nợ hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
- 07-12-2022Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để tắc vốn cho nền kinh tế
Phê duyệt nhiều dự án chưa đúng thẩm quyền
KTNN đánh giá, trong năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã điều hành, quản lý ngân sách cơ bản theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và các chế độ, chính sách hiện hành; sắp xếp các nguồn lực để đảm bảo thực hiện dự toán chi ngân sách do Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh quyết nghị.
Bên cạnh đó, báo cáo kiểm toán (BCKT) đã chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế trong công tác lập, phân bổ, giao dự toán NSNN. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk chưa xác định giảm số bổ sung cân đối cho ngân sách cấp huyện đối với phần giảm chi NSNN do sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, tạm tính số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Ngân sách các cấp bổ sung có mục tiêu cho cấp dưới thực hiện một số nhiệm vụ chi thường xuyên số tiền 175 tỷ đồng, chưa đảm bảo phân cấp nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã giao 12 chỉ tiêu hợp đồng cho các Hội đặc thù không phù hợp với quy định của Bộ Nội vụ, cũng như chỉ đạo của Bộ Chính trị.
KTNN chỉ rõ, việc tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện chi trả phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi (theo hướng dẫn của Sở Tài chính) không còn phù hợp theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh giao dự toán quỹ lương cho lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP cho đơn vị sự nghiệp công lập chưa đảm bảo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP số tiền 38 tỷ đồng.
Một số đơn vị tại 4 huyện ký 235 hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức, viên chức chưa đúng quy định, số tiền chi trả từ NSNN là 14 tỷ đồng. Có 5 huyện giao thừa lương và các đơn vị đã chi trả các khoản phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi cho các đối tượng giáo viên hợp đồng làm công việc chuyên môn chưa đúng quy định, số tiền 6 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, KTNN phát hiện các đơn vị thực hiện chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách, làm phát sinh nợ chi thường xuyên không đúng quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật NSNN, số tiền 19 tỷ đồng.
Cũng qua kiểm toán, KTNN phát hiện trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 646 trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần tại các doanh nghiệp, nhưng Cục Thuế chưa phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan để quản lý nguồn thu.
Trong chi đầu tư phát triển, tỉnh bố trí vốn nguồn dự phòng ngân sách Trung ương (NSTW) cho các dự án đầu tư công đã được xác định rõ nguồn vốn, thời gian cấp vốn từ những năm trước là chưa phù hợp với quy định tại Luật NSNN, số tiền 69 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc bố trí số tiền 67 tỷ đồng cho 4 dự án có thời gian hoàn thành trong năm 2022, không đảm bảo theo yêu cầu đưa dự án vào hoạt động ngay trong năm 2021 theo quy định.
Tại Dự án Kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh đề nghị và được Bộ KH&ĐT chấp thuận bố trí vốn từ nguồn NSTW số tiền 40 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bố trí hơn 27 tỷ đồng để thực hiện dự án nhưng ngân sách tỉnh không bố trí vốn, dẫn đến dự án phải điều chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Do vậy, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Dự án không được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng do việc đầu tư không đảm bảo tính đồng bộ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương 1 dự án chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014 (thẩm quyền thuộc HĐND tỉnh). Cấp huyện phê duyệt 5 dự án chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại Đầu tư công 2014 và Luật Đầu tư công 2019.
Chưa bố trí hoàn ứng số tiền 188 tỷ đồng
Trong công tác chi thường xuyên, KTNN phát hiện ngân sách cấp tỉnh trích lập dự phòng ngân sách từ nguồn thu tiền sử dụng đất 33 tỷ đồng và 2 huyện bố trí tiền sử dụng đất cho các nhiệm vụ quy hoạch, trả nợ duy tu, sửa chữa công trình gần 28 tỷ đồng.
KTNN xác định nguồn cải cách tiền lương năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk tăng hơn 150 tỷ đồng so với số liệu địa phương báo cáo Bộ Tài chính. Việc phân bổ nguồn tiết kiệm chi năm 2020 số tiền 47 tỷ đồng cho chi thường xuyên cũng chưa phù hợp với quy định của Luật NSNN; sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa phù hợp với quy định, số tiền 4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại tỉnh Đắk Lắk còn một số khoản tạm ứng ngân sách cấp trên đã quá thời gian quy định nhưng chưa bố trí hoàn ứng số tiền 188 tỷ đồng. Thậm chí, kinh phí ứng trước nhiều năm đã quá hạn nhưng ngân sách các cấp của tỉnh chưa bố trí vốn để thu hồi 340 tỷ đồng.
Từ những bất cập được phát hiện qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị thực hiện kiến nghị xử lý tài chính 729 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KTNN cũng đề nghị UBND tỉnh thực hiện và chỉ đạo các đơn vị có liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
KTNN đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có liên quan rà soát, giảm trừ theo thực tế thời gian thực hiện sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố của từng huyện, thị xã, thành phố; chấm dứt việc cấp kinh phí chi lương và phụ cấp cho 4 tổ chức không phải Hội đặc thù; rà soát việc giao số lượng lao động hợp đồng theo văn bản thẩm định của Bộ Nội vụ và chỉ đạo của Bộ Chính trị…
Tiền Phong