MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát triển thủy điện ồ ạt gây ra nhiều hệ lụy

Hiện nay dư luận đang rất bức xúc trước thông tin nhà máy thuỷ điện Hố Hô xả lũ gây ngập hàng ngàn nhà dân ở huyện Hương Khê và một số huyện khác ở tỉnh Hà Tĩnh.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Khoa học Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này. GS Giang cũng đưa ra những nhận định về hệ lụy trong việc phát triển thủy điện ồ ạt ở nhiều địa phương hiện nay.

GS.TS Phạm Hồng Giang cho biết: Miền Trung là nơi phải chịu nhiều những cơn lũ hằng năm. Đặc điểm địa hình ở miền Trung rất dốc, các sông suối ngắn nên khi có mưa lớn thì lũ về rất nhanh.

Về trường hợp lũ ở thủy điện Hố Hô, khách quan mà nói, thì việc lũ ở miền Trung có gây ra thiệt hại, một trong những nguyên nhân là do cường độ mưa lớn và chúng ta cũng chưa dự báo, thông báo kịp thời cho người dân. Đập Hố Hô là một đập không lớn, chỉ có 38 triệu m3 nước. Trong trận lũ vừa rồi, cũng phải thừa nhận việc xả lũ là có những thiếu sót, quy trình và việc giám sát quy trình không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Có những việc củng cố an toàn của đập, lẽ ra phải làm từ mùa khô, từ trong năm. Nhưng mà để đến lúc lũ về, lấy lý do để đối phó với sự cố sẽ xảy ra nên xả đập đột ngột.

Nếu xả vào thời điểm đột ngột như thế, thì phải xả cho từng cấp độ, lưu lượng. Nếu có dự báo thì phải xả trước khi lũ về. Như vậy sẽ đỡ ảnh hưởng đến hạ du, và giảm được các thiệt hại ở hạ du. Cho nên, việc lũ về, nó là việc thường xuyên, chúng ta phải lo việc đối phó. Ở đây tôi thấy việc vận hành giám sát chưa được kiểm tra đầy đủ. Theo tôi, thiếu sót ở chỗ chúng ta quản lý vận hành không tốt cho nên gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở hạ du như vậy.

Ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng do đặc thù của các sông suối khu vực miền Trung là lưu vực ngắn nhưng độ dốc cao, khi mưa xuống, nước tập trung dồn xuống hạ lưu rất nhanh nên mới gây nên lũ lụt.

- Chúng ta tranh cãi rất nhiều về việc thủy điện có làm tăng lũ hay không. Tôi thấy lẽ ra chúng ta làm việc giám sát và quan trắc mức nước cho đầy đủ trước và sau khi lũ về thấp hơn, xong rồi chúng ta quan trắc mức nước trong hồ, nếu cao hơn thì có nghĩa trong thời gian lũ, ngoài nước tự nhiên xả xuống hạ du thì nước trong hồ xả thêm một phần nữa, thì như vậy tăng thêm mực nước lũ ở hạ du. Còn trong trường hợp nếu nước trong hồ mà trước lũ thấp rồi sau lũ cao lên thì có nghĩa là có một lượng nước lũ đã được giữ lại trong hồ thì sẽ làm giảm lũ cho hạ du. Nếu chúng ta có được số liệu quan trắc đó thì sẽ có cơ sở khoa học chính xác giải quyết được vấn đề tranh cãi trên.

Trong trường hợp vừa rồi, miền Trung dốc, sông ngắn, có những đoạn vài chục cây số đã ra đến biển nên lũ trong các sông tăng lên rất nhanh. Vì vậy có thể nói các tác động và thiệt hại ở miền Trung nếu như không có các hồ chứa lớn để làm giảm bão lũ thì việc này vẫn sẽ thường xuyên xảy ra. Còn nếu như chúng ta có những dự báo tốt, làm tốt việc di dời để cho dân có thể tránh được lũ. Thì điều đó sẽ giúp giảm nhẹ thiệt hại, tuy nhiên điều này chúng ta vẫn chưa làm được nên bà con cũng chịu nhiều thiệt hại trong thời gian vừa qua.

Vậy theo ông, giải pháp trước mắt và lâu dài cho những người dân sống tại khu vực này như thế nào và trách nhiệm của chính quyền địa phương?

- Trong những năm gần đây, thời tiết có những diễn biến bất thường cho nên tăng thêm sự gay gắt của thiên tai. Nhưng để khắc phục, trước tiên chúng ta phải trồng rừng, giữ rừng. Vừa rồi rừng của chúng ta bị xâm hại nên lũ về rất nhanh và rất là khốc liệt. Thế cho nên, trước tiên trên thượng nguồn phải giữ được rừng, và ở những nơi có điều kiện nên làm những hồ chứa lớn.

Tôi cũng biết là hiện nay trong miền Trung việc làm hồ chứa lớn rất khó, địa hình dốc, và nó cũng ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư. Muốn làm giảm lũ thì cần củng cố hồ đó và làm các hồ mới, chỉ như thế chúng ta mới giảm nhẹ lũ, hơn nữa có nước dùng cho mùa khô.

Hiện nay có quan niệm rất mới là sự an toàn của đập ngập lụt không phải ở chỗ công trình, quan trọng là việc hạ du phải an toàn. Làm sao mà đập không vỡ những hạ du phải được cảnh báo tốt để mà các thiệt hại không xảy ra. Vậy thì khi mà thiết kế các hồ nước, hồ chứa phải làm đầy đủ những yêu cầu về kỹ thuật cũng như về vận hành sau này, tức là phải có những bản đồ ngập lụt, trường hợp mà mức nước hồ xả đến đâu, lũ về đến đâu thì phải biết là tầm diện tích nào sẽ bị ngập.

Vì vậy chúng ta sớm có cảnh báo cho người dân trong trường hợp đó, khi mà báo có lũ về, lũ ở vùng nào thì người dân vùng đó sẽ phải di dời. Ngoài ra cần bố trí lại dân cư, những vùng nào ở vùng thấp quá thì phải có cách bố trí để bà con đến nơi an toàn. Việc này cũng không phải dễ dàng vì những vùng ven suối ven sông là những vùng canh tác, cấp nước cho nên bà con có điều kiện để sản xuất thuận lợi hơn. Nhưng chúng ta phải tính toán, tổ chức, biết được vùng nào bị ngập và báo sớm cho người dân di dời để giảm thiệt hại cho vùng hạ du.

Nói như vậy phải chăng khâu quản lý về thủy điện của chúng ta hiện nay đang có vấn đề, từ khâu quy hoạch, xây dựng đến vận hành, thưa ông?

- Đúng vậy, việc phát triển thủy điện ồ ạt ở một số địa phương nó gây ra tình trạng này. Tức là nó thiếu quản lý nhà nước chặt chẽ và chuẩn xác về việc phát triển thủy điện, từ khâu quy hoạch, khảo sát, rồi đến khâu thiết kế, xây dựng đến khi vận hành chúng ta đều có những lỗ hổng. Vì những nhà máy thủy điện khoán cho địa phương nhưng thực ra địa phương đều không có những người am hiểu về chuyên môn và cứ làm ào ào, các chủ đầu tư thấy rằng làm thủy điện có nhiều lời lãi, chỉ cần đầu tư ban đầu. Như vậy tức là chủ đầu tư rất ham làm, làm ồ ạt.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Thủy điện Hố Hô lại khẳng định xả nước đúng quy trình

Ngày 1.11, đại diện Cty cổ phần thủy điện Hồ Bốn, chủ quản Nhà máy thủy điện Hố Hô cho biết, về đợt mưa lớn diện rộng diễn ra tại Hà Tĩnh từ ngày 29.10 - 1.11.2016, do mưa lớn (lượng mưa đo được từ đêm 30.10 đến sáng 31.10, ở Kỳ Anh là 431mm, Cẩm Nhượng 309mm, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) 254mm…, mực nước trên sông Ngàn Sâu tiếp tục dâng cao và khả năng đạt đỉnh. Tại Chu Lễ, mực nước lên mức 13,3m; tại Hòa Duyệt lên mức 8,5m. Trong suốt quá trình điều tiết xả tràn (từ ngày 28.10 - 1.11, theo đại diện nhà máy cho biết, đã thực hiện đúng quy định vận hành hồ chứa đã được phê duyệt, nhà máy đều thông báo nhanh bằng văn bản với các cấp, cơ quan có thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ và thông tin hai chiều qua điện thoại với Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vùng hạ du. Q.T

Nếu tái phạm sẽ thu hồi giấy phép hoạt động của thủy điện Hố Hô

Ngay trong mưa lũ, sáng 1.11, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã đi kiểm tra việc xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô. Ông Lê Đình Sơn đã nghiêm túc phê bình lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của tỉnh về việc không được nâng mức xả tràn trong đêm qua.

* Trước đó, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xả lũ thủy điện Hố Hô trong đợt mưa lũ vừa qua. Báo cáo khẳng định: Thủy điện Hố Hô đã thực hiện đúng quy định về công tác phòng, chống lụt bão. Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá Cty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn - chủ đập thủy điện Hố Hô: Chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định tại QTVH về trách nhiệm thông tin, báo cáo; Trường hợp tái phạm sẽ xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định. Chỉ đạo Cty Hồ Bốn kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân liên quan. T.TUẤN - Q.ĐẠI - H.L

Theo Phạm Huệ - Thắng Huyền

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên