Phê bình Cục Chế biến và phát triển nông sản vì chậm tham mưu chứng nhận nhãn hiệu Gạo quốc gia
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa bị lãnh đạo Bộ NN&PTNT phê bình do chậm tham mưu văn bản quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Gạo quốc gia Việt Nam.
- 20-11-2022Xuất hiện tình trạng gạo Campuchia, Ấn Độ ồ ạt vào Việt Nam
- 19-11-2022Việt Nam nhập gần 1 triệu tấn gạo, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi nghị định 107 để kiểm soát
- 17-11-2022Gạo thơm ST24 và ST25 lọt vào top 4 gạo ngon nhất thế giới
Bộ NN&PTNT vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Thanh Nam về công tác quản lý thương hiệu nông sản.
Theo đó, ông Nam yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nghiêm túc rút kinh nghiệm do chưa thực hiện đúng tiến độ và yêu cầu của lãnh đạo Bộ NN&PTNT trong tham mưu ban hành văn bản quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Gạo quốc gia Việt Nam .
Logo thương hiệu gạo Việt, Bộ NN&PTNT công bố vào năm 2021
Phê bình này xuất phát từ việc tháng 10/2021, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng nghị định quản lý sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice theo trình tự thủ tục rút gọn.
Theo Bộ NN&PTNT, sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một nước thiếu lương thực, đến nay Việt Nam đã thường xuyên trở thành nước xuất khẩu gạo trong top 3 thế giới (cùng với Thái Lan và Ấn Độ).
Tuy nhiên, gạo Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu quốc gia, trong khi đó Thái Lan và Ấn Độ đã có những thương hiệu gạo quốc gia rất nổi tiếng như Thai Hom Mali hay Basmati với giá bán rất cao so với gạo Việt Nam.
Sau hơn một năm thực hiện, nghị định quản lý sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa xây dựng xong.
Lần này, cùng với việc phê bình bằng văn bản, Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu Bộ, trình Chính phủ xây dựng Nghị định quản lý thương hiệu nông sản quốc gia. Kết quả công việc phải báo cáo Bộ trong tháng 1/2023.
Tiền Phong