Phi công trả lại lương 'trăm triệu' hỗ trợ hãng hàng không vượt dịch COVID-19
Trước khó khăn của các hãng hàng không do phải tạm dừng nhiều đường bay, đặc biệt với đường bay quốc tế tới nay chưa được nối lại, không ít phi công của các hãng đã tự nguyện không nhận lương, làm việc không công.
- 03-06-2020Xu hướng ngành IT một thập kỷ qua lăng kính của "mức lương cao nhất"
- 03-06-2020Nhiều công ty chưa xác định quỹ tiền lương năm 2019 và 2020
- 11-03-2020Doanh thu giảm, phi công, tiếp viên được yêu cầu tự nguyện nghỉ không lương: Ngành hàng không thế giới đang rơi vào tình cảnh khó khăn chưa từng có trong vòng 1 thập kỷ
Với mức lương từ 100-300 triệu đồng/tháng, phi công đang là lực lượng lao động hưởng lương cao nhất trong ngành hàng không, gồm lương cơ bản và lương trả theo giờ bay. Khi các chuyến bay phải tạm dừng do dịch COVID-19, lương trả cho các nhân sự này trở thành gánh nặng không nhỏ với các hãng hàng không.
Hiện, với phi công lái máy bay thân rộng (B787, A350), cơ trưởng có mức lương từ 200-260 triệu đồng/tháng, cơ phó từ 100-150 triệu đồng/tháng. Với phi công tàu bay thân hẹp (A320, 321), cơ trưởng có mức lương từ 170-250 triệu đồng/tháng, cơ phó từ 100-150 triệu đồng/tháng...
Trong thời điểm các hãng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, do dừng bay nên phần lương tính theo giờ bay với phi công đều bị cắt giảm. Riêng với phần lương cơ bản, có không ít phi công của các hãng tình nguyện xin giảm, thậm chí không nhận.
Như tại Jetstar Pacific, có phi công sau khi được hãng chuyển lương tháng vào tài khoản, phi công còn chuyển trả ngược lại công ty toàn bộ lương để chia sẻ khó khăn với hãng.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Dương Trí Thành cho hay, hiện hãng có 21.200 cán bộ nhân viên. Thời điểm dịch bệnh, khoảng 80% người lao động thay nhau ngưng/nghỉ việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6/2020; lãnh đạo từ cấp ban trở lên đi làm tự nguyện không hưởng lương.
Theo ông Thành, các hoạt động cắt giảm chi phí đã giúp hãng tiết kiệm được hơn 4.300 tỷ đồng. “Trong 4.300 tỷ đồng chi phí tiết kiệm được có một phần khá lớn từ chi phí nhân công trực tiếp, từ lực lượng phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật. Những cắt giảm này hết sức đau đớn nhưng là phải làm để tiếp tục có điều kiện tốt hơn cho tương lai”, ông Thành nói.
Lãnh đạo VNA chia sẻ, tháng 6 và quý III/2020, tuỳ vào nhu cầu công việc, số lượng lao động đi làm sẽ ở mức từ 40-50% thay vì 20% đi làm như kế hoạch trước đây. Quý IV, nếu thị trường vẫn có xu hướng tốt lên như hiện nay, số lượng cán bộ công nhân viên đi làm sẽ lên 70-80%.
Với phi công nước ngoài, hiện các hãng hàng không Việt trả lương cho phi công máy bay thân rộng (B787, A350) từ 250-300 triệu đồng/tháng với cơ trưởng (sau thuế), và từ 150-200 triệu đồng/tháng với cơ phó; lương trả cho phi công máy bay thân hẹp (A321) từ 150-250 triệu đồng với cơ trưởng và từ 90-270 triệu đồng/tháng với cơ phó. Khi xảy ra dịch bệnh, các hãng dừng bay thường lệ, một số phi công đã về nước, một số tiếp tục ở lại Việt Nam đợi thị trường phục hồi để tiếp tục bay.
Tiền phong