Phiên họp HĐND bất thường ở Hà Nội: Quyết nhiều vấn đề quan trọng
Xử lý nghiêm những vi phạm ở Sóc Sơn, có chính sách hợp lý với giáo viên dôi dư, hỗ trợ miễn giảm giá vé tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông... là những vấn đề Hà Nội sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Ngày 9-4, phiên họp bất thường kỳ họp thứ 8 HĐND TP Hà Nội đã xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
Thông qua nhiều nghị quyết
Tại kỳ họp, HĐND TP đã xem xét và đã phê duyệt chủ trương đầu tư 23 dự án nhóm B thuộc Kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020 của Hà Nội, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.900 tỉ đồng. Nghị quyết cũng điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 2 dự án nhóm B thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của TP Hà Nội, tổng mức đầu tư dự kiến 915 tỉ đồng.
Hà Nội sẽ xử lý nghiêm những sai phạm về đất đai ở Sóc Sơn
HĐND TP thông qua Nghị quyết về hỗ trợ giá vé đối với người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông. TP sẽ dùng ngân sách hỗ trợ 100% giá vé sử dụng cho các người có công, khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi. Hỗ trợ 50% giá vé tháng cho học sinh, sinh viên, người lao động các KCN, người cao tuối. Hỗ trợ 30% giá vé tháng cho người lao động tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài KCN mua vé tháng theo hình thức tập thể. Hỗ trợ 100% giá vé cho toàn bộ hành khách sử dụng vận tải trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông bắt đầu khai thác vận hành thương mại.
HĐND TP Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo Nghị định mà Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành.
Không nương tay sai phạm ở Sóc Sơn
Bên lề kỳ họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết liên quan đến những sai phạm trên đất rừng ở huyện Sóc Sơn, TP sẽ đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra TP mới đây và kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006. Những gì Thanh tra Chính phủ đã kết luận thì Thanh tra TP không nêu lại mà tiếp tục đôn đốc thực hiện và đã chuyển cơ quan công an điều tra xử lý những vi phạm đến mức phải xử lý hình sự. Sắp tới, Hà Nội và Thanh tra Chính phủ sẽ có phiên họp theo tinh thần thống nhất chủ trương và cách làm để bảo đảm ổn định, nghiêm khắc nhất.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) giai đoạn 2008-2018. Theo văn bản, Hà Nội chỉ đạo xem xét kiểm điểm hàng loạt cán bộ liên quan đến sai phạm, đồng thời chuyển các hồ sơ liên quan đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2008, để xử lý nghiêm theo quy định.
Về thông tin Hà Nội cấm xe máy, ông Nguyễn Đức Chung cho biết đây mới chỉ là ý kiến của cá nhân giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chứ TP chưa có quyết định chính thức.
Liên quan đến việc hàng trăm giáo viên hợp đồng nguy cơ mất việc mà Báo Người Lao Động đã phản ánh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay về kế hoạch tuyển dụng giáo viên của TP sẽ thực hiện nghiêm túc Nghị định 161 của Chính phủ và theo sự chỉ đạo của Chính phủ, trong đó các tiêu chuẩn tuyển dụng giáo viên đợt này có yêu cầu về ngoại ngữ, tin học. Từ đánh giá thực tiễn, TP sẽ họp và đưa ra phương án tối ưu. Những giáo viên đã có kinh nghiệm, đã giảng dạy tốt, TP có thể đề ra phương án vừa xét tuyển vừa thi tuyển để họ có cuộc sống ổn định.
Ngoài ra, trong đợt này TP Hà Nội sẽ rà soát để giải quyết một lần tất cả những tồn đọng trong những năm qua. Trên cơ sở thống kê ở các quận, huyện và cụ thể là từng trường, ban chỉ đạo, TP sẽ có đánh giá cụ thể và thông tin minh bạch các chính sách liên quan đến giáo viên.
Di dời trụ sở 12 bộ, ngành ra khỏi nội đô
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Xây dựng diễn ra chiều 9-4, trả lời câu hỏi của báo chí về các phương án di dời trụ sở 12 bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, cho biết 3 phương án do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đưa ra mới chỉ là kết quả nghiên cứu, đề xuất của một đơn vị tư vấn. Báo cáo này sẽ được Bộ Xây dựng xem xét trên căn cứ bảo đảm sự đồng thuận của các bộ, ngành, bảo đảm tính khả thi mới triển khai thực thiện.
Theo bà Hằng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô. Địa điểm di dời thuộc khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, về phương án tài chính cần phải cân nhắc dựa trên các nguồn lực, trong đó có nguồn cân đối từ ngân sách, đấu giá những khu đất cũ của các bộ, ngành. "Vấn đề này sẽ được Bộ Xây dựng xem xét, tính toán, cân nhắc cẩn trọng. Những con số của VIUP mới chỉ là số tham mưu, đề xuất".
V.Duẩn
Người lao động