MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phiên tòa phúc thẩm vụ Hà Văn Thắm chiều 18/4: Tòa công bố tóm tắt bản án sơ thẩm

18-04-2018 - 16:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Chiều nay ngày 18/4, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank - OJB) tiếp tục.

Thay mặt HĐXX, chủ tọa là thẩm phán Ngô Hồng Phúc đọc tóm tắt bản án sơ thẩm.

Theo nhận định của HĐXX phiên tòa sơ thẩm, căn cứ vào tài liệu hồ sơ vụ án đã tranh tụng tại tòa nhận thấy, trong quá trình hoạt động từ 2008 – 2014 tại OJB đã để nhiều vi phạm trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi vượt trần; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, OJB và tổ chức cá nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước và các hậu quả, hệ lụy khác.

Về hành vi vi phạm trong việc cho công ty Trung Dung vay 500 tỷ, các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Văn Hoàn đã vi phạm quy định về cho vay không đúng mục đích, vay không đủ tài sản thế chấp và trái quy định. Hà Văn Thắm phải chịu trách nhiệm chính, Hứa Thị Phấn là đồng phạm tích cực và là người thụ hưởng, sử dụng toàn bộ số tiền. Còn các bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Công Danh, Trần Văn Bình cũng là đồng phạm và phải liên đới chịu trách nhiệm.

Về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 69 tỷ thông qua công ty BSC Việt Nam, thì các bị cáo biết rõ công ty BSC do Thắm thành lập nhưng vẫn sử dụng công ty này để thu phí trái quy định và dùng tiền đó để chi trả cho Nguyễn Xuân Sơn. Hà Văn Thắm và Sơn đã phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, và tình tiết tăng nặng là chiếm đoạt 500 triệu trở lên nên bị mức án cao mới thỏa đáng. Các bị cáo còn lại là Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Minh Thu, Phạm Hoàng Giang, Hoàng Thị Hồng Tứ là đồng phạm giúp sức.

Về hành vi cố ý làm trái, các bị cáo nguyên là lãnh đạo OJB đã cố ý làm trái khi chi trả lãi suất vượt trần của Nhà nước và gây thiệt hại 1.576 tỷ đồng cho ngân hàng, trong đó trách nhiệm cao nhất thuộc về Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu…tiếp đến là các lãnh đạo cấp khối và sau là giám đốc các chi nhánh.

Về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197 tỷ và tham ô 49 tỷ, HĐXX sơ thẩm cho rằng hành vi của Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn trong việc lấy tiền của ngân hàng để chi lãi ngoài, chi chăm sóc khách hàng là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tài sản Nhà nước, của tổ chức. Nguyễn Xuân Sơn là người khởi xướng và chiếm đoạt toàn bộ gần 316 tỷ, trong đó tham ô 39 tỷ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 197 tỷ và hơn 69 tỷ. 

Qua quá trình điều tra bị cáo Sơn còn chưa khai báo thành khẩn…do đó áp dụng mức phạt nghiêm khắc nhất là tử hình với tội tham ô và chung thân về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn. Còn Hà Văn Thắm là đồng phạm giúp sức, bị động nên áp dụng hình phạt tù không thời hạn (tù chung thân).

Phiên tòa phúc thẩm vụ Hà Văn Thắm chiều 18/4: Tòa công bố tóm tắt bản án sơ thẩm - Ảnh 1.

HĐXX phiên tòa phúc thẩm vụ Hà Văn Thắm

Trước đó trong phiên buổi sáng, tòa đã tiến hành xong phần thủ tục. Đáng chú ý, trong số 31 bị cáo có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, có 5 bị cáo xin rút đơn kháng cáo, có 4 bị cáo xin xét xử vắng mặt do sức khỏe yếu, là Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Viết Hiền và được HĐXX chấp thuận.

Nhiều bị cáo và gia đình mời luật sư bào chữa, trong đó Nguyễn Xuân Sơn có 5 luật sư, Hà Văn Thắm có 4 luật sư, Phạm Công Danh 3 luật sư. Các bị cáo không mời luật sư thì được tòa chỉ định luật sư bào chữa để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo.

Theo quy định, các bị cáo bị tuyên án cao ở bản sơ thẩm sẽ được tòa chỉ định luật sư bào chữa thêm. Tuy nhiên các bị cáo Hà Văn Thắm, Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu, Vũ Thị Thùy Dương nói đã có đủ luật sư bào chữa nên không nhờ luật sư Hoàng Kim Thoa do Tòa chỉ định. Bị cáo Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn vắng mặt, các luật sư của các bị cáo nói không cần thiết nhờ luật sư chỉ định vì đã có đủ luật sư.  

Ngoài ra các luật sư còn đề nghị triệu tập thêm nhiều cá nhân, đại diện các cơ quan như là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước...đến để làm rõ thêm các vấn đề, tuy nhiên HĐXX cho biết trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết thì sẽ triệu tập.

Đối với những người đã được triệu tập (bao gồm tổng cộng 120 người), yêu cầu phải có mặt tại tòa, nếu không có mặt sẽ áp dụng biện pháp áp giải đến tòa. Còn các bị cáo được tại ngoại nếu vắng mặt trong các phiên tòa cũng sẽ bị áp giải, thậm chí cần thiết thì có thể bắt tạm giam để phục vụ quá trình xét xử.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên