Phó Bí thư Quảng Bình: "Chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép, nhưng có cần Formosa đến 70 năm - một quả bom môi trường?"
Cần sớm khắc phục những thiệt hại của người dân từ sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra và làm rõ trách nhiệm của các nhà quản lý, tính tới việc dừng dự án này nếu không được khắc phục hiệu quả. Đây là điểm nóng trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội sáng ngày 29/7.
- 28-07-2016Chính sách tiền tệ và bài toán lạm phát, tăng trưởng
- 26-07-2016TS Nguyễn Đình Cung: Mục tiêu tăng trưởng không khả thi nhưng giữ nguyên mục tiêu lại là việc làm đúng!
- 11-07-2016Chính phủ yêu cầu xây dựng các kịch bản về khả năng tăng trưởng và lạm phát
Sáng ngày 29/7, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và bàn các giải pháp để thực hiện kế hoạch trong 6 tháng cuối năm.
Trong phần phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những vấn đề lớn mà nền kinh tế đang đối mặt đó là: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3%, vượt trần quy định là 50%; nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Thủ tướng cho rằng trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn.
Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ vượt trần, xử lý nợ xấu chưa triệt để
Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN, nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%. Việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn.
"Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí" - Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cho biết, bội chi NSNN liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách trung ương; nợ đọng thuế còn lớn. Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 chậm; giải ngân đạt thấp hơn cùng kỳ, cơ cấu chi còn bất hợp lý.
Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro.
Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; năng lực quản trị, giám sát nội bộ còn yếu kém khi có nhiều dự án thua lỗ, lãng phí. Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN chưa đạt kế hoạch.
Theo Thủ tướng, quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế. Quy định về tiêu chuẩn môi trường còn bất cập, chậm được hoàn thiện; thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm; đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời, dẫn tới xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do Dự án Formosa gây ra.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng đã đưa ra các giải pháp đẩy mạnh trong thời gian tới đó là lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững; Thúc đẩy những lĩnh vực chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế; xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân...
Điểm nóng Formosa, cần làm rõ trách nhiệm
Trong phần thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm liên quan đến việc khắc phục sự cố môi trường biển, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân và ngăn chặn tình trạng đầu tư kém hiệu quả, làm hủy hoại môi trường.
Theo đại biểu Trần Công Thuật ĐBQH và cũng là Phó Bí thư tỉnh Quảng Bình, hiện nay sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và niềm tin của người dân. Mặc dù rất hoan nghênh Chính phủ đã tìm ra thủ phạm, nhưng đại biểu Thuật cho rằng cần phải giải quyết căn cơ công ăn việc làm của người dân, bởi hiện nay Quảng Bình đã nỗ lực khắc phục nhưng vấn đề này vượt ra ngoài khả năng của tỉnh.
Ông thẳng thắn chỉ ra, người dân cho là sự cố nghiêm trọng nhưng các lãnh đạo lại trả lời mơ hồ, khiến tình trạng phức tạp hơn và người dân bức xúc hơn. Gần đây phát hiện nhiều sai phạm như chôn chất thải, lắp ổng xả thải trái phép. Do đó, phải làm rõ và trả lời khi nào thì đánh cá được gần bờ, khi nào thì bà con ăn cá an toàn?
"Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không, một quả bom môi trường nằm sát kề khiến ai cũng lo lắng. Cũng phải làm rõ Formosa là ai, cổ đông nào đang chiếm cổ phần chi phối, cần công khai cho người dân biết” – Đại biểu Thuật thẳng thắn đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng bày tỏ nỗi lo lắng khi hiện nay, người dân đang hàng ngày khắc khoải chống chọi với khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản chững lại, tàu cá không thể ra khơi và hậu cần nghề cá không phát triển.
“Còn gì buồn hơn, lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biểm, không mưu sinh kiếm sống. Công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn cũng không hoạt động, lượng khách du lịch đến còn không bằng 1/10 so với trước đây. Thảm họa là lớn” – ông Đồng bày tỏ.
Do đó, vị đại biểu này đề nghị Chính phủ cần mở rộng hỗ trợ đối tượng thiệt hại, đền bù thỏa đáng và công bằng. Giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa, đảm bảo sản xuất công ty này không gây hậu quả môi trường tương tự trong tương lai. Theo đó, ngân sách phải có phần thỏa đáng để cùng khắc phục thiệt hại.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng Quốc hội cũng không thê đứng ngoài cuộc, mà cần làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm Formosa và rà soát hệ thống văn bản pháp luật ngăn chặn ngay từ đầu nhà đầu tư không làm ảnh hưởng, đe dọa đới sống nhân dân, gắn với xử lý cán bộ cá nhân còn đương chức liên quan trách nhiệm vụ việc này.
Những bức xúc liên quan đến vấn đề Formosa, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết người dân vẫn chờ câu hỏi bao giờ biển trong lành trở lại như xưa. "Nếu câu hỏi đó vẫn chưa có câu trả lời thì cần phải xem xét vấn đề: Cần phải dừng dự án này? Yêu cầu kiên quyết và mạnh tay hơn nữa với dự án ô nhiễm môi trường, không thể đánh đổi tương lai để lấy hiện tại và không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường" - Đại biểu Tám nhấn mạnh.