MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - Nguyễn Đức Kiên: Phải đầu tư đường sắt như cách đang làm với nhà máy điện nguyên tử

Vì sao ngành đường sắt khó kêu gọi vốn từ khu vực tư nhân hay đầu tư nước ngoài? Đâu là lối ra cho ngành đường sắt?... Đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác ở thực tế.

Khi số liệu thống kê về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) được công bố, bức tranh của ngành đường sắt Việt Nam hiện lên khá ảm đạm: lợi nhuận thấp, công nghệ lạc hậu, thị phần liên tục suy giảm so với các phương tiện vận tải khác... Thế nhưng, ĐSVN chưa có tên trong danh sách phải cổ phần hóa và khi gọi vốn đầu tư nước ngoài, tư nhân vào một số dịch vụ của ngành này đều chưa thành công.

Trao đổi với báo Trí thức trẻ, ông Nguyễn Đức Kiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói: “Đường sắt không có trong danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài có thể thoải mái bỏ vốn. Nhưng thực tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới rất khó tư nhân hóa đường sắt”.

Vì sao vậy?

Để tránh ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường (giảm khí thải, giảm tiếng ổn, giảm diện tích sử dụng đất),... thì phải phát triển đường sắt. Nhưng nếu cùng lúc đạt được những điều đó thì phải chi trả số tiền rất lớn. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước lại muốn cung cấp dịch vụ thuận tiện đến nhiều người dân nữa. Để đạt nhiều mục tiêu như thế mà chuyển cho tư nhân làm thì rất khó, chỉ có Nhà nước mới bỏ tiền ra đầu tư thôi.

Thực tế thì tại một số quốc gia, việc tư nhân hóa ngành đường sắt đã diễn ra nhưng không mấy thành công. Năm 1983, Thủ tướng Anh là Margaret Thatcher tiến hành tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có đường sắt Anh Quốc. Đến cuối thập kỷ 90, Chính phủ Anh phải mua lại đường sắt của tư nhân vì người dân phàn nàn quá nhiều về dịch vụ đường sắt.

Tại Đức và Pháp, công ty đường sắt vẫn của Nhà nước; ở Nhật Bản, Chính phủ đầu tư xây cơ sở hạ tầng cho shinkansen; với Trung Quốc, 100% đường sắt vẫn thuộc về Nhà nước.


Ảnh: Mai Lân. Đồ họa: 7pm

Ảnh: Mai Lân. Đồ họa: 7pm

So với các nước thì ĐSVN lạc hậu quá xa và hiệu quả kinh doanh cũng rất thấp nếu so sánh với các loại hình vận tải khác. Nguyên nhân nằm ở đâu?

Ngành đường sắt Việt Nam cũng có đặc thù. Những năm 1990 khi vừa thực hiện chính sách đổi mới, chúng ta đi vay vốn để đầu tư cho hạ tầng. Lúc đó, đường bộ được ưu tiên vì nhanh nhất, hiệu quả cũng trực tiếp và rõ ràng nhất, giúp nền kinh tế phát triển nhanh. Thế nhưng, việc đầu tư đường bộ quá lớn mà bỏ quên đường sắt thì có bền vững hay không? Chắc là không. Có lẽ chúng ta chưa biết điểm dừng.

Còn hiện nay, công nghệ chạy tàu của ĐSVN lạc hậu so với thế giới 50 năm. Đòi hỏi chất lượng dịch vụ tương đương các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật, Pháp, Đức…, trong khi cơ sở hạ tầng ngành đường sắt đã có từ cách đây 100 năm là duy ý chí.

Nhưng việc đầu tư cho một dự án lớn của ngành đường sắt cũng cần chứng minh tính hiệu quả mà việc này thì ĐSVN lại chưa làm được?

Đừng chỉ nghĩ đến bài toán hiệu quả đầu tư của một dự án. Trước đây, dự án dường sắt cao tốc Bắc Nam không được thông qua cũng vì lý do này nhưng đứng ở góc độ phát triển kinh tế đất nước thì chúng ta đã kéo lùi sự phát triển lại.


Ảnh: Mai Lân. Đồ họa: 7pm

Ảnh: Mai Lân. Đồ họa: 7pm

Nhìn ra thế giới, khi phát triển ngành đường sắt từ thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, các nước khác đi theo cả một ngành công nghiệp như đắp đường, trồng rừng (lấy tà vẹt), luyện thép (để làm đường ray), chế tạo máy (làm đầu máy)… Khi lên tới đường sắt cao tốc như shinkansen của Nhật Bản, TGV của Pháp, ICE của Đức… lại đòi hỏi phát triển những ngành mới. Muốn làm được điều đó tại Việt Nam phải mất nhiều thời gian, đầu tư dài hạn chứ không đơn thuần là tiền.

Tôi cho rằng, đầu tư đường sắt phải như cách đang làm với nhà máy điện nguyên tử. Chúng ta đã có một lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt và để chuẩn bị vận hành phải có chương trình đào tạo, gửi người đi Nhật, Nga… học tới 7 năm chỉ để điều khiển lò. Với ngành đường sắt chúng ta có làm điều tương tự không?

Khi nghĩ về đường sắt cao tốc, hãy nghĩ về cả một ngành kinh tế đi theo nó chứ không phải đơn thuần là một dự án. Nếu nhìn 50 tỷ USD đầu tư vào đường sắt cao tốc theo góc độ đầu tư cho một nhà máy điện tử nguyên tử thì sau 20 năm nữa chúng ta sẽ có một cú huých về phát triển công nghiệp luyện kim, tự động hóa, điện khí hóa…

Vậy khi nhìn vào sự phát triển của ngành ĐSVN ông có nhận xét gì?

Tôi thấy ĐSVN vẫn đang loay hoay với phương thức cũ. Chỉ lấy một ví dụ rất đơn giản của ngành khác là hàng không sẽ thấy ngay. Các hãng hàng không đâu có bán vé của mình, tại sao ngành đường sắt không làm như vậy mà cứ bắt khách hàng phải ra ga?

Vương Diệu Quân - H.Ly

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên