MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng: Đừng phát triển dự án điện mặt trời lớn rồi đòi xây đường dây 500 kV

Sự phát triển ồ ạt của các dự án điện mặt trời trước ngày 30/6 gây nghẽn đường dây truyền tải, nhiều nhà đầu tư đề xuất EVN gia tăng công suất. Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng các dự án chỉ cần từ 20-30 MW, có thể đấu nối vào đường dây trung áp. Ông kiến nghị nhà đầu tư nên tập trung dự án vào những vùng thuận lợi cho đấu nối.

Hội thảo "Năng lượng tái tạo Việt Nam, từ chính sách đến thực tiễn" diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, EVN thống nhất cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời sau ngày 1/7. Liên quan đến những vấn đề trong cơ chế đấu thầu giá điện mặt trời, Người Đồng Hành có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

- Trước nay, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu thầu giá điện. Theo ông, việc triển khai có khả thi không?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng: Đừng phát triển dự án điện mặt trời lớn rồi đòi xây đường dây 500 kV - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ảnh: Petrotimes

- Theo tôi, đấu thầu giá điện mặt trời tương đối đơn giản. Chúng ta cần xác định nhu cầu: lượng điện còn thiếu đến năm 2020 và khả năng bổ sung từ năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng. Các nhà đầu tư cần cam kết giá, tiến độ vận hành và một số điều khoản như bảo lãnh dự thầu khi đấu thầu, bảo lãnh thực hiện dự án khi trúng thầu. Nếu nhà đầu tư không thực hiện dự án thì họ sẽ chịu phạt. Ngoài ra, có thể đưa ra giá trần.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về ý kiến phạt trong đấu thầu không?

- Phạt trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng như hồ sơ mời thầu. Sau khi có bảo lãnh dự thầu, họ chậm trễ hoặc không thực hiện dự án, các điều khoản phạt như thu bảo lãnh thực hiện sẽ được tiến hành. Còn hồ sơ mời thầu phải quy định rõ phạt theo quy chế nào.

- Nhà đầu tư hiện lo ngại hạ tầng ngành điện không đủ đáp ứng khi thực hiện đấu thầu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nhà đầu tư phải lựa chọn khu vực phù hợp để xây dựng dự án điện mặt trời, ví dụ như Đồng bằng sông Cửu Long. Theo tôi, công suất điện chỉ cần từ 20 đến 30 MW, còn những dự án lớn hơn 50 MW thì các nhà phát triển nên đầu tư phân tán. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các dự án điện mặt trời có thể tích hợp trên mặt ao nuôi tôm cá và đất phát triển nông nghiệp để giải quyết vấn đề mặt bằng. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng kiến nghị nhà đầu tư kết hợp với người nông dân nhằm phát triển, chia sẻ lợi ích. Các dự án khi đẩy nhanh tiến độ, nhà đầu tư không cần làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn người nông dân chọn cây trồng thích hợp và tạo khe hở để ánh sáng vào.

Đấu nối dự án điện mặt trời nên chọn các vị trí thích hợp, gần đường dây trung áp nếu truyền tải 20-30 MW, gần đường trục trung áp rồi đấu nối vào đường dây 22 kV nếu truyền tải 50 MW, không cần xây dựng các trạm 110 kV. Các nhà đầu tư đừng phát triển dự án to rồi đòi hỏi xây dựng đường dây 200, 500 kV. Chúng ta cần quy hoạch để đấu nối ít nhất. Có thể, những địa điểm ấy không có cường độ bức xạ như Bình Thuận, Ninh Thuận... Tuy nhiên, việc đấu nối thuận lợi giúp chi phí đầu tư thấp hơn, có thể hiệu quả hơn.

Đấu thầu có 2 cách tổ chức. Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ đấu thầu một dự án cụ thể. Trước đó, Bộ làm FS (báo cáo nghiên cứu khả thi - PV), đường dây... và bỏ vốn đầu tư. Thứ 2, Bộ cho nhà đầu tư biết nhu cầu, sau đó, họ tự tìm dự án, địa điểm, tính đấu nối, doanh thu, giá... và chào giá với tổ chức đấu thầu.

- Bên mời thầu thường mong muốn mức giá thấp nhất, nhưng trong lĩnh vực năng lượng, giá đấu thầu có phải yếu tố quyết định?

- Về nguyên tắc, giá là yếu tố đầu tiên, các tiêu chí phụ khác như tỷ lệ tham gia của doanh nghiệp địa phương, tỷ lệ sử dụng lao động và vật liệu địa phương. Ví dụ, trước đây, tại Trung Quốc, đấu thầu tổ chức theo quy định sử dụng thiết bị nội địa từ 50 đến 60%. Đây là biện pháp nhằm khuyến khích quốc gia và các nhà chế tạo phát triển. Hiện Việt Nam vẫn có những nhà chế tạo điện mặt trời, tuy nhiên, chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài.

- Ông dự báo như thế nào về cục diện thị trường điện mặt trời khi áp dụng cơ chế đấu thầu?

- Với hàng trăm dự án, các nhà đầu tư cũng đã nghiên cứu địa điểm, khảo sát dự án nên họ sẽ tích cực tham gia. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản là định hướng nhà đầu tư vào khu vực nào, dự án nào. Đấu thầu thành công nếu có chính sách minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài, cùng sự hỗ trợ từ World Bank và các tổ chức song phương, đa phương khác.

- Giá đấu thầu điện mặt trời có phải là giải pháp cho hiện trạng phá vỡ quy hoạch, phát triển ồ ạt không?

- Chúng ta cần quy định, phân loại dự án theo các vùng, chứ không tập trung vào một địa phương, cần ưu tiên cho khu vực thiếu điện hoặc thuận lợi cho đấu nối.

- Cảm ơn ông.


Theo Châu Anh

Theo NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên