MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó chủ tịch hội Gan mật chỉ mặt 2 thói quen "tàn sát" lá gan của người Việt

30-12-2019 - 17:18 PM | Sống

Người Việt có rất nhiều thói quen xấu ảnh hưởng tới gan khiến tế bào gan bị phá huỷ âm thầm.

Sử dụng thuốc bừa bãi

Trường hợp chị Nguyễn Thị Dịu (43 tuổi, quê Phú Thọ), 10 năm trước chị Dịu đã cắt bỏ khối u tuyến giáp và cắt hoàn toàn hai thùy giáp nên phải sử dụng thuốc bù tuyến giáp bổ sung. Tuy nhiên, suốt 10 năm chị cứ tự mua thuốc uống mà không hề biết rằng lá gan của mình đã âm thầm bị hủy hoại vì việc dùng thuốc mà không có sự theo dõi và chỉ định của bác sĩ.

Khi thấy mệt mỏi, bụng đau hạ sườn chị Dịu đi khám, bác sĩ chẩn đoán xơ gan. Trường hợp này điều trị khó khăn bởi trên nền xơ gan và rối loạn tuyến giáp.

Anh Đỗ Văn Th (sinh năm 1984, quê Nam Định) đang điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, anh tình cờ đi khám tổng quát và phát hiện men gan tăng cao bất thường. Khi làm thêm xét nghiệm thì có u trong gan.

Anh Th kể cách đây 2 tháng, anh đi khám tổng quát cùng với vài đồng nghiệp cơ quan. Khi khám bác sĩ xét nghiệm máu phát hiện chỉ số men gan tăng cao nên yêu cầu anh làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn.

Kết quả siêu âm thấy có khối u trong gan. Ngay sau đó, anh Th tiếp tục làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng, CT. Bác sĩ Bệnh viện K trung ương nghi ngờ anh bị ung thư gan vì có khối u gan 2 – 3 cm ở gan phải.

Phó chủ tịch hội Gan mật chỉ mặt 2 thói quen tàn sát lá gan của người Việt - Ảnh 1.

Bệnh nhân bị hôn mê gan điều trị tại BV Bạch Mai.

Anh Th xin chuyển BHYT qua Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám lại lần nữa. Kết quả u gan và xét nghiệm sinh thiết tế bào bác sĩ nghi ngờ ung thư gan. Ngay sau đó, anh đã được các bác sĩ tiến hành nút mạch hóa chất để kiểm soát khối u trong gan.

Trường hợp của anh Th may mắn đi khám tổng quát và phát hiện men gan tăng cao bất thường. Trong khi đó, anh không hay uống rượu cũng như không viêm gan virus.

Gan bị phá hủy âm thầm

PGS Trịnh Thị Ngọc – Chủ tịch hội gan mật Hà Nội chia sẻ, hiện nay tình trạng bệnh nhân bị bệnh lý gan mật đang ngày càng tăng lên. Đa số ở người trẻ, một phần do thói quen uống bia rượu, một phần nữa do thực tế sử dụng thuốc bừa bãi hiện nay. Nhiều người uống thuốc mà không biết rằng thói quen sử dụng thuốc bữa bãi rất hại cho gan.

Gan là bộ phận tạng có khối lượng lớn nhất cơ thể. Gan như một bộ máy giải độc cho cơ thể. PGS Ngọc cho biết, mọi chất độc khi vào cơ thể đều được xử lý bởi gan. Không chỉ vậy, cơ quan này còn có vai trò quan trọng khác như: chuyển hóa, lưu trữ chất cần thiết, tạo máu và chất chống đông máu cho cơ thể nên đây là cơ quan dễ bị tổn thương, nhiễm độc và có nguy cơ bị các bệnh lý nguy hiểm.

Cách phát hiện gan có tổn thương hay không, cách đơn giản đầu tiên đó là chỉ số men gan. Khi đi khám sức khỏe có xét nghiệm tổng quát người bệnh nên chọn các chỉ số men gan gồm AST (SGOT), ALT (SGPT), GGT.

Nếu men gan ở mức an toàn của AST và ALT là dưới 40 U/L, còn với chỉ số GGT là dưới 60 U/L (nam 11-50 U/L, nữ 07-32 U/L).

Phó chủ tịch hội Gan mật chỉ mặt 2 thói quen tàn sát lá gan của người Việt - Ảnh 2.

Tế bào gan âm thầm bị phá hủy gây ra ung thư gan

Những chỉ số này càng tăng cao, mức độ tổn thương tại gan càng nặng.

Người Việt có hai thói quen rất khó bỏ gây tổn thương nặng nề: uống bia rượu và dùng thuốc. PGS Ngọc cho biết hai thói quen này rất phổ biến cộng thêm Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ của viêm gan virus. Người bệnh không hề biết mình bị viêm gan virus nên mặc nhiên để gan chịu trận. Khi phát hiện ra thì đã có xơ gan, u gan, ung thư gan.

Rượu bia là thủ phạm hàng đầu gây hại cho gan. Theo thống kê, 90% người thường xuyên dùng rượu bia bị gan nhiễm mỡ. Ban đầu, việc mất một vài tế bào gan không gây ảnh hưởng gì đến bệnh nhân, không có triệu chứng xuất hiện. Khi tế bào gan bị hủy hoại càng nhiều, mô xơ tăng lên, bệnh bắt đầu có triệu chứng.

Thói quen tự ý dùng thuốc tại nước ta rất phổ biến, nhiều người có thói quen sử dụng thuốc bừa bãi, tùy tiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh đó, thuốc dùng trong điều trị một số bệnh cũng làm tăng men gan như: thuốc điều trị bệnh gan, thuốc hóa trị ung thư, thuốc chống lao, kháng sinh...

Để phòng ngừa các bệnh về gan, các chuyên gia đều cho rằng, điều quan trọng nhất là phải từ bỏ rượu bia. Với những người nghiện rượu, có thể bắt đầu bằng việc giảm lượng rượu trong tuần.

Bệnh nhân cần được tư vấn về chế độ ăn uống, bổ sung vitamin và khoáng chất, giảm bớt các loại thuốc, thực phẩm có hại cho gan, chọc hút dịch, dùng thuốc lợi niệu và kháng sinh cho những bệnh nhân bị báng bụng. Khi gan không còn hoạt động nữa chỉ còn một biện pháp duy nhất là ghép gan.

Theo Tiểu Nhã

Trí thức trẻ

Trở lên trên