MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch Tp.HCM: Thành phố sẽ cố gắng làm nhanh quy trình thực hiện dự án cho doanh nghiệp

22-02-2020 - 11:17 AM | Bất động sản

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, nếu quy trình để thực hiện một dự án BĐS có đất hỗn hợp còn chậm trễ, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì thành phố (TP) sẽ coi lại quy trình xử lý nội bộ để làm nhanh hơn.

Theo kiến nghị của Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) quy trình để thực hiện một dự án BĐS có đất hỗn hợp, doanh nghiệp phải trải qua 6 bước: 1. Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; 2. Trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; 3. Làm thủ tục giao thuê đất; 4. Doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất. 5. Được cấp “sổ đỏ” dự án; 6. Doanh nghiệp được công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng. Quy trình này hiện đang chậm trễ và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp BĐS luôn mong muốn sớm được nộp tiền sử dụng đất sớm. Vì hiện nay quy trình nộp quá lâu. Doanh nghiệp muốn bán được thì bắt buộc phải nộp tiền sử dụng đất, quy trình nộp nghĩa vụ tài chính chính chậm trễ đã làm ảnh toàn bộ quy trình cấp phép, triển khai xây dựng dự án của doanh nghiệp”, ông Châu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Tp.HCM: Thành phố sẽ cố gắng làm nhanh quy trình thực hiện dự án cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, sẽ xem lại để quy trình thực hiện dự án cho doanh nghiệp nhanh hơn. Ảnh: Hạ Vy

Trả lời kiến nghị của HoREA, Phó Chủ tịch UBDN Tp.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, bắt buộc doanh nghiệp BĐS phải thực hiện theo đúng quy trình thực hiện dự án BĐS theo quy định của pháp luật. Bản thân cán bộ nhà nước không dám buông lơi để doanh nghiệp hoàn thành dự án xong mới nộp nghĩa vụ tài chính.

Theo ông Hoan, nghĩa vụ tài chính là khâu khó thực hiện. Nếu chưa thực hiện khâu này thì nhà nước sẽ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu doanh nghiệp đi ngược, có giấy chứng nhận, triển khai xây dựng dự án xong mới nộp tiền sử dụng đất rất dễ dẫn đến doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất. Chưa kể, bản thân doanh nghiệp chưa biết được mình có nộp tiền sử dụng đất ít hay nhiều, giá thành của dự án sẽ ra sao, rồi chuyển nhượng như thế nào nếu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Hoan cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước quyết định thì cứ phải làm, cấp phép xây dựng vẫn cứ phải cấp. Bởi thực tế có nhiều CĐT bỏ tiền vào đất, nếu không được giải quyết thì rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tiền dự án nằm trong ngân hàng.

Phó Chủ tịch Tp.HCM: Thành phố sẽ cố gắng làm nhanh quy trình thực hiện dự án cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Theo ông Châu, quy trình nộp nghĩa vụ tài chính chính chậm trễ đã làm ảnh toàn bộ quy trình cấp phép, triển khai xây dựng dự án của doanh nghiệp. Ảnh: Hạ vy

“Về phía Thành phố, nếu thấy các quy trình thực hiện dự án chưa quy định hoặc quy trình chậm thì sẽ báo cáo lên trên để làm nhanh và làm theo quy trình chặt chẽ. Doanh nghiệp phải hoàn thành các khâu thì dự án mới chạy được”, ông Hoan khẳng định.

Còn theo đại diện Tập đoàn Novaland, một trong những DN bất động sản tên tuổi hoạt động tại phía Nam, với sự lắng nghe, nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp của lãnh đạo các cấp UBND Tp.HCM và Sở ban ngành nên những tháng gần đây đã tháo gỡ các vướng mắc ở một số dự án như chung cư Cô Giang tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1 đã được UBND TP.HCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng; dự án trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 đã được UBND TP.HCM - Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt giá tiền sử dụng đất của dự án;

Hay như: dự án khu cao ốc căn hộ thương mại tại phường Thảo Điền, quận 2 và dự án cao ốc thương mại và căn hộ tại số 1W Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân;

Dự án khu chung cư cao tầng tại số 67 Mai Chí Thọ, phường An Phú, quận 2 và 07 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận cũng đang được Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành xem xét định giá tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân…

Bên cạnh đó thì còn nhiều dự án khác mà các công ty thành viên đang quản lý sử dụng các khu đất theo hợp đồng thuê đất. Tuy nhiên khi thực hiện các thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, các Sở ngành còn phân vân trong việc giải quyết hồ sơ do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho loại hình này. Nên tập đoàn này kiến nghị TP sớm đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại;

Cho phép chủ đầu tư được nhanh chóng tiếp tục triển khai dự án nhằm giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư của người dân; qua đó nâng cao đời sống an sinh xã hội, góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Cũng theo Novaland, hiện quỹ đất của công ty khá lớn khoảng 4.900ha, là nền tảng tạo điều kiện cho việc gối đầu dự án và liên tục đưa sản phẩm mới ra thị trường. Hầu hết dự án của Novaland đều có khả năng triển khai được ngay một khi hoàn chỉnh thủ tục pháp lý, có thể đáp ứng nhu cầu thị trường ở nhiều phân khúc khác nhau và nhiều thời điểm khác nhau. Nói một cách khác Novaland có sẵn của để dành và nếu "cơm chưa ăn thì gạo còn đó". Điều này góp phần tạo nên tiềm năng của tập đoàn. Các nhà đầu tư cũng tin tưởng vào tầm nhìn dài hạn và những vướng mắc pháp lý nhà đất không thể kéo dài mãi, khi thị trường được khơi thông thì Novaland có sẵn quỹ đất, nguồn cung  để tung ra ngay cũng là điểm tích cực. 

Ông Nguyễn Văn Đồi, Giám đốc SSG, đại diện các doanh nghiệp BĐS cũng cho ý kiến, thực tế rất nhiều doanh nghiệp BĐS đang gồng mình lên để thực hiện dự án. Quy trình thực hiện dự án 4 bước, 5 bước hay 6 bước không quan trọng mà quan trong là mất bao lâu để thực hiện các bước đó. Doanh nghiệp luôn mong muốn được nộp tiền sử dụng đất càng nhanh càng tốt. Thực tế thì quy trình vẫn phải thực hiện nhưng cần phải nhanh. Nếu không thực hiện nghĩa vụ tài chính trước thì có một số doanh nghiệp chưa xong đã bán lúa non, chưa biết tiền sử dụng đất bao nhiêu đã bán, bán hớ, bán giá thấp khi doanh nghiệp phá sản lại kêu.

“Các sở ban ngành thẩm định để cho doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất càng nhanh càng tốt. Điều này thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể đi các bước tiếp theo trong việc thực hiện một dự án”, đại diện doanh nghiệp này nhấn mạnh.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên