Phó Cục trưởng Cục Hàng không: Bức tranh ngành đẹp như hiện nay có phần không nhỏ nhờ những doanh nghiệp tư nhân như Bamboo, SunGroup…
Hàng không Việt Nam được nhận định thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Để đáp ứng được nhu cầu phát triển "nóng" của ngành, nhiều chuyên gia nhận định không thể không kể đến sự đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân.
- 09-04-2019Lào Cai đề xuất đầu tư Cảng hàng không Sa Pa
- 02-04-2019TGĐ Vietravel lần đầu tiết lộ lý do muốn thành lập hãng hàng không
- 18-03-2019Việt Nam có bao nhiêu hãng hàng không là vừa?
Chia sẻ tại toạ đàm hàng không: Cơ hội, cạnh tranh cùng phát triển, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã cung cấp nhiều con số chứng minh cho sự phát triển nhanh chóng của ngành.
Cụ thể, trong giai đoạn 2008 – 2018, tổng số tàu bay của hàng không Việt đã tăng gấp 3 lần, từ 60 lên 192 chiếc.
Độ tuổi trung bình của tàu bay cũng được "trẻ hoá", hiện đang là 5,8 tuổi, so với 8,8 tuổi hồi năm 2008. Hơn nữa, nếu năm 2008, Việt Nam chỉ sở hữu 29 tàu bay, còn lại là đi thuê thì hiện nay, con số này đã được nâng lên thành 57.
Mặt khác, hàng không Việt Nam đã có sự tham gia nhiều hơn của tư nhân, theo ông Hảo. Trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, thì nay trên bầu trời đã xuất hiện những cái tên như Vietjet, Bamboo Airways.
"Bức tranh hàng không của Việt Nam đẹp như hiện nay có phần không nhỏ nhờ sự tham gia của tư nhân, như Bamboo Airways, SunGroup với Vân Đồn, mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho khách đi máy bay", ông nói.
Theo ông, sự cạnh tranh lành mạnh trong hàng không tạo ra lợi ích cho cả cộng đồng và uy tín của quốc gia.
Hiện hàng không Việt Nam đang được đánh giá thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số, theo ông Hảo.
Giải thích cho câu chuyện tăng trưởng nhanh chóng của thị trường hàng không trong nước, TS. Võ Trí Thành cho rằng có thể do nhu cầu của tầng lớp trung lưu trẻ, của những người lớn tuổi có tiền, xã hội ngày càng già hoá thì tầng lớp này càng đông đảo.
Một đối tượng khác cho thị trường này là người lao động với sự dịch chuyển mạnh mẽ. Năm 2017, Việt Nam có 144.000 lao động ra nước ngoài. Bên cạnh đó, khách du lịch ngoại quốc trong những năm gần đây cũng liên tục chọn Việt Nam làm điểm đến.
"Có hai câu chuyện lớn nhất dẫn đến sự phái triển của hàng không Việt Nam", ông Thành nói và cho biết đó là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân, đặc tính các phân khúc dân số Việt Nam.
Theo đó, đất nước đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này là kéo hàng không tăng trưởng vừa là sức ép với hàng không Việt Nam, cùng với nhu cầu dịch chuyển của con người ở các phân khúc khác nhau.
Ông Võ Trí Thành cũng cho rằng điều hay nhất của thị trường hàng không trong thời gian qua là có cạnh tranh. Vì nếu không có điều này, tất cả các nhu cầu đều không có.
Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường này có nhiều điểm đặc thù.
"Chúng ta phải hiểu là phải hiểu cuộc chơi các công ty hàng không và điều hành của nhà nước số lượng không thể vô hạn như trong taxi hay viễn thông, có người vào thì có người ra, không cần nhiều quá nhưng luôn luôn có áp lực cạnh tranh và quản lý hàng không Việt Nam phải tạo ra áp lực đó", ông nói và nhấn mạnh đây là điều quan trọng và tích cực của ngành.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng chỉ ra rằng vận tải hành khách chỉ là một phần của ngành hàng không.
"Vận tải hàng hóa trong 5 năm qua của Việt Nam nhanh nhất khu vực Asean, 200 nghìn tấn lên 450 nghìn tấn. Đó là lĩnh vực cực kỳ hấp dẫn mà ít người nói tới", ông Võ Trí Thành lưu ý.