Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản: Có điều đáng mừng khi nhìn vào cơ cấu thu từ đất!
Theo số liệu năm 2017, tiền thu từ sử dụng đất xấp xỉ 127 nghìn tỷ đồng, tiền thuê đất xấp xỉ 27 nghìn tỷ đồng.
Chiều 17/5, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về Tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định hiện hành. Đất đai là một chủ đề nóng được đặt ra.
"Chúng ta bán đất để ăn và đang ăn hết phần của con cháu", báo chí dẫn lại lời của ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế và đặt câu hỏi về số thu sử dụng đất thời gian qua.
Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính cho biết hiện có 4 chế tài để thu từ đất đai, bao gồm: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế, các loại thuế và các loại phí liên quan đến đất đai.
Hai khoản thu lớn nhất là tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Theo ông Thịnh, năm 2017, số thu từ tiền sử dụng đất là 127 nghìn tỷ đồng, còn tiền thuê đất là xấp xỉ 27 nghìn tỷ.
"Cơ cấu thu từ đất có điều đáng mừng là xu hướng tiền thuê đất tăng dần qua các năm với tỷ trọng cao, dần điều chỉnh thị trường liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất", ông nói.
Số thu từ đất hiện đang được xem là "cứu cánh" cho ngân sách nhà nước. Báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách gần đây cho thấy tăng thu ngân sách năm 2017 vượt dự toán chủ yếu nhờ vào tiền sử dụng đất. Cụ thể đã vượt 61,58 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, tăng thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của DNNN là 15,19 nghìn tỷ đồng, tăng thu từ dầu thô là 11,28 nghìn tỷ đồng.
"Tăng thu không xuất phát từ sự tăng trưởng, phát triển của các doanh nghiệp, vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào tài nguyên", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Mặt khác, báo cáo của Uỷ ban này cũng chỉ ra, các địa phương, nếu không kể thu tiền sử dụng đất và các khoản thu không tính cân đối thì có 33 địa phương hụt thu khoảng 13,2 nghìn tỷ đồng.