Phó TGĐ FPT: Chuyển đổi số không chỉ có công nghệ
Tương lai của chuyển đổi số có các mục tiêu lớn bao gồm: quản lý tốt nhất tài sản mà mình có; phản ứng tức thời với tất cả các thay đổi để đáp ứng năng suất cao nhất, hiệu quả cao nhất. Sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo chất lượng; dự báo xu hướng.
Chuyển đổi số những năm gần đây trở thành khái niệm phổ biến trên thị trường, đặc biệt năm 2019 với ý nghĩa một xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, vì là vấn đề còn mới nên nhiều người chưa hiểu hết được giá trị của chuyển đổi số, hiểu nôm na chuyển đổi số là quá trình số hóa các dữ liệu từ đó phân tích, sử dụng các dữ liệu này thông minh nhất, hiệu quả nhất.
Chuyển đổi số là sự gắn kết của 3 yếu tố: Mô hình kinh doanh, công nghệ và con người
Chia sẻ về khái niệm chuyển đổi số trong sự kiện mới đây, ông Hoàng Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyển đổi số FPT – cho hay: "Thực sự rất nhiều người nghĩ chuyển đổi số là tập trung vào công nghệ. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Trong quan điểm của FPT, chuyển đổi số là sự gắn kết không thể tách rời của 3 yếu tố: mô hình kinh doanh, công nghệ (công nghệ hạ tầng, công nghệ nền tảng hỗ trợ mô hình kinh doanh) và vô cùng quan trọng là con người".
Trong quá trình chuyển đổi số, nếu chúng ta không có sự chuẩn bị tốt về lực lượng lao động, cho con người ở các tổ chức trong doanh nghiệp thì dù công nghệ có tốt đến đâu, mô hình kinh doanh có chuẩn đến đâu thì cũng không thể triển khai thành công được. Vì vậy, sự gắn bó giữa mô hình kinh doanh, công nghệ hạ tầng và con người là yếu tố then chốt để giúp cho quá trình chuyển đổi số có thể thực hiện thành công.
Câu hỏi đặt ra, chuyển đổi số nhằm mục tiêu gì?
Theo ông Việt, các dự án chuyển đổi số sẽ phải tập trung vào 1, 2 hoặc cả 3 mục tiêu cùng một lúc. Các mục tiêu đó là: xây dựng mô hình kinh doanh mới, nâng cao trải nghiệm khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đầu tiên về mô hình kinh doanh mới, với công nghệ số ra đời và dữ liệu lớn, mô hình kinh doanh đã bắt đầu có sự thay đổi. Tiếp theo, khách hàng đến với doanh nghiệp qua mô hình số sẽ rất khác biệt so với mô hình cũ, doanh nghiệp cần tận dụng sức mạnh công nghệ số để kéo khách hàng tới gần sản phẩm dịch vụ hơn. Bước thứ ba, quan trọng với các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt với lĩnh vực sản xuất chế biến là nâng cao hiệu quả sản xuất vận hành, để giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Trong đó, quá trình thực hiện chuyển đổi số sẽ là một lộ trình lặp đi lặp lại gồm các bước:
+ Bước xây dựng lộ trình, chiến lược chuyển đổi số gồm định hướng chiến lược; khảo sát để nắm được thực tiễn và đưa ra mô hình chuyển đổi số phù hợp; xây dựng lại toàn bộ lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
+ Bước triển khai các dự án chuyển đổi số gồm triển khai dự án, giám sát theo mục tiêu đặt ra, cuối mỗi kỳ có những hoạt động đánh giá để làm tốt hơn ở chu kỳ tiếp theo.
Rủi ro chuyển đổi số: Đã làm tất yếu có rủi ro, nên chuyển đổi số thử nghiệm trên quy mô nhỏ
Lộ trình dài hơi hơn, để bắt đầu hiệu quả nhất, doanh nghiệp cần chọn vấn đề quan trọng và cốt lõi nhất ở từng thời điểm của doanh nghiệp, chọn lực lượng phù hợp. Nói thêm về rủi ro chuyển đổi số: "Thực sự rủi ro không xảy ra nếu không làm, đã làm sẽ có rủi ro. Một trong nguyên lý của FPT khi CĐS là Start mart, tức không làm gì quá lớn để tránh hậu quả lớn, chỉ làm những việc nhỏ và test lại hiệu quả", vị này nhấn mạnh.
Báo cáo của tập đoàn Gartner thống kê có 9 trong 10 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số. Nhưng trong 9 người thì có 7 người thất bại. Thất bại ở đây được hiểu là chưa đạt được mục đích đặt ra nhưng người ta vẫn tiếp tục làm.
Theo góc nhìn của FPT đây cũng là điều bình thường được hiểu trong nghĩa chuyển đổi số là một cuộc cách mạng và chắc chắn cuộc cách mạng này sẽ thay đổi diện mạo toàn cầu. Đây là những năm tháng đầu tiên trên quá trình chuyển đổi số. Có rất nhiều lý do để xảy ra chuyện chưa đạt được mục tiêu, cho nên nếu chỉ thuần túy nhìn về công nghệ thì sẽ có vấn đề mà chúng ta phải truyền cảm hứng cho đội ngũ từ nhân viên cho đến lãnh đạo liên tục.
"Phải có cảm hứng làm chuyển đổ số và phải biết làm cái gì cụ thể cái gì và làm như thế nào? Nên việc thành công chỉ có ở một số tập đoàn hàng đầu thế giới, họ đã đi trước và bây giờ mình ghi nhân, đúc kết nó thành phương pháp luận và triển khai từng bước nhỏ. Nếu đặt làm lơn luôn sẽ rất khó khăn", đại diện FPT nói thêm.
Cuối cùng, nói về tác dụng và tính tất yếu của chuyển đổi số, người trong cuộc lấy ví dụ thành công từ tập đoàn lớn trên thế giới như RWE, Airbus, GE. Trong đó, khi có thông tin dữ liệu từ các máy bay trong quá trình vận hành hãng Airbus phân tích và đưa ra giải pháp giúp tiết kiệm được 10% nhiên liệu; hay GE có thể dự báo lúc nào thang máy này hỏng và họ thay đổi hoàn toàn cách bảo hành thang máy. Đấy là tương lai của chuyển đổi số!
Tức, tương lai của chuyển đổi số có các mục tiêu lớn bao gồm:
(1) Quản lý tốt nhất tài sản mà mình có;
(2) Phản ứng tức thời với tất cả các thay đổi để đáp ứng năng suất cao nhất, hiệu quả cao nhất. Sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo chất lượng;
(3) Dự báo xu hướng.