MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó TGĐ GTNfoods: Vinatea đã tái cấu trúc thành công và thiết lập thị trường xuất khẩu mạnh

12-11-2018 - 09:02 AM | Doanh nghiệp

Với việc tái cấu trúc để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, Vinatea có quan hệ thương mại với trên 120 công ty và tổ chức thương mại tại trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Sở hữu vùng nguyên liệu chè rộng lớn với diện tích hơn 4.700 hecta nhưng Vinatea lâu nay khá kín tiếng. So với các thương hiệu trà lớn nước ngoài khác đang bày bán đầy các kệ hàng siêu thị, Vinatea không quá nổi trội. 

"Đấy là bởi vì người tiêu dùng quen với Vinatea của ngày xưa. Họ không biết rằng chúng tôi đã thực sự thay da đổi thịt so với những gì họ biết chục năm về trước"- ông Nguyễn Hồng Anh, Phó TGĐ GTNfoods chia sẻ.

Vinatea tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước sản xuất và xuất khẩu chè lớn hàng đầu Việt Nam với bề dày lịch sử hơn 60 năm. Bản thân cái tên Vinatea cũng là một thương hiệu sản phẩm tiêu dùng mạnh của Nhà nước đã gắn bó với người tiêu dùng mấy chục năm qua với nhiều giải thưởng danh giá. Tuy nhiên, thị hiếu người tiêu dùng thay đổi nhanh cộng với sự nhập cuộc nhanh chóng của các sản phẩm trà ngoại đã khiến Vinatea mất dần vị thế ngay trên sân nhà.

Mọi chuyện thay đổi kể từ khi Vinatea tiến hành cổ phần hóa, Nhà nước thoái vốn. Doanh nghiệp tư nhân GTNfoods mua cổ phần và bắt đầu tiến hành tái cơ cấu công ty - từ thương hiệu đến sản phẩm. 

"Sau hơn 2 năm tái cơ cấu, giờ Vinatea đã hoàn toàn thay da đổi thịt "- ông Nguyễn Hồng Anh - Phó TGĐ GTNfoods - đơn vị nắm đến 95% vốn của Vinatea chia sẻ. "Chúng tôi nhìn thấy cơ hội từ vùng trà rộng lớn hàng nghìn hecta của Vinatea, nhìn thấy nhiều thương hiệu trà thế giới có quy mô tương tự như Vinatea có thể lớn mạnh đến thế nào và chúng tôi quyết tâm tái cơ cấu. Ai tìm hiểu kỹ Vinatea sẽ thấy có ít nhất 2 thay đổi rất lớn giúp chúng tôi có thể tiến xa trên thị trường chè nội địa và thế giới."

- Thứ nhất: Cải tiến vùng trồng. Nếu như trước đây, Vinatea trồng theo tập quán cũ, chưa có sự quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nông nghiệp, khai thác không theo chuẩn mực nào cả thì nay, nhờ công ty mẹ GTNfoods tham gia công cuộc tái cấu trúc, vùng trồng được cải tiến nghiêm ngặt theo các quy chuẩn quốc tế mà tôi gói gọn trong một chữ: Sạch.

Điều Vinatea làm tốt trong 2 năm tái cơ cấu gần đây là đã đồng hành và đào tạo được người nông dân về phương pháp trồng chè, kiểm soát về phân bón và thuốc trừ sâu, kiểm soát hoạt động thu hoạch chè và thành lập được các bộ phận mua bán, kiểm soát thu mua. "Vinatea đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ mô hình giao khoán cho các nông hộ liên kết của Mộc Châu Milk để áp dụng trong quá trình tái cấu trúc quản trị nông nghiệp của mình" - Ông Hồng Anh chia sẻ. 

Cũng nhờ việc chất lượng vùng chè nguyên liệu được nâng cao, nguồn thu nhập & đời sống của người nông dân cũng cải thiện, phản ánh rõ nét qua giá bán chè búp tươi cho Công ty. Năm 2016, bình quân giá thu mua chè búp tươi của Vinatea là 5.200 đồng/kg, đến năm 2017 tăng lên 5.800 đồng/kg và đến năm 2018 là 6.000 – 6.100 đồng/kg. Việc nâng cao giá thu mua chè của nông dân phần nào phản ánh chất lượng chè ngày càng được cải thiện, đồng thời cũng giúp bà con yên tâm gắn bó với cây chè, góp phần vào tính bền vững của vùng chè nguyên liệu.

Vùng trồng của Vinatea hiện tại không hề thua kém so với các vùng nguyên liệu chè lớn trên thế giới, đạt yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hầu hết các vùng trồng của Vinatea đã nhận được chứng nhận danh giá Rainforest Alliance về phát triển nông nghiệp bền vững. Để đạt được chứng chỉ này doanh nghiệp phải đạt được những yêu cầu khắt khe trong tất cả các khâu từ công tác nông nghiệp đến công nghiệp theo tiêu chuẩn mạng lưới nông nghiệp bền vững SAN (Sustainable Agriculture Network). 

- Thứ hai: Thiết lập được mối quan hệ thương mại với nhiều quốc gia. Trước đây, do trà của Vinatea chưa theo những quy chuẩn trà trên thế giới nên thị trường xuất khẩu của công ty đa phần là những thị trường thứ cấp, chủ yếu là tại Trung Đông và Tây Á. Hiện tại, các vùng trà của công ty đều đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường khó tính nhất nên cơ hội giao thương quốc tế trở nên rộng mở với Vinatea.

Cho đến nay, Vinatea có quan hệ thương mại với trên 120 công ty và tổ chức thương mại tại trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, cơ cấu xuất khẩu cũng chuyển dịch dần từ thị trường truyền thống nhưng có giá trị thấp sang các thị trường giá trị cao như Đài Loan, EU, USA… Đơn cử như tại thị trường Đài Loan, sản lượng xuất khẩu của Vinatea ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc qua các năm. 

Phó TGĐ GTNfoods: Vinatea đã tái cấu trúc thành công và thiết lập thị trường xuất khẩu mạnh - Ảnh 1.

Đầu tháng 11/2018, tại Hội chợ xuất nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải, sản phẩm của Vinatea vinh dự được chọn là một trong những sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Năm 2017, xuất khẩu thị trường Đài Loan đạt 600 tấn, đến năm 2018 là 1.000 tấn và dự kiến năm 2019 là 1.500 tấn. Ngoài ra, trong giai đoạn 2017-2018, Vinatea cũng đã mở rộng xuất khẩu đến các thị trường mới cao cấp như Mỹ, Anh, Thụy Điển… 

"Việc tham dự Hội chợ xuất nhập khẩu quốc tế Trung Quốc và vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Việt Nam cũng đã mở ra cho Vinatea cơ hội mở rộng xuất khẩu chính ngạch chè nguyên liệu vào thị trường Trung Quốc. Vinatea đã lên phương án làm việc với các đối tác Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này." – Ông Hồng Anh chia sẻ.

"Năm 2018 được ghi nhận là năm mà Vinatea đạt sản lượng xuất khẩu trực tiếp nhiều nhất, và cũng là năm mà thị trường xuất khẩu mở rộng lớn nhất, đặc biệt là các thị trường cấp cao. Chúng tôi rất tự hào khi những nỗ lực của Vinatea đã góp phần đưa Việt Nam giữ vững vị trí nước xuất khẩu chè thuộc top 5 thế giới." – Ông Hồng Anh phát biểu.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, hiện đại hóa quy trình sản xuất nhằm cải thiện chất lượng chè nguyên liệu, hướng tới các thị trường xuất khẩu giá trị cao, Vinatea cũng không ngừng nỗ lực nghiên cứu & phát triển các dòng sản phẩm giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trà sạch. Sản phẩm bạch trà Orthodox Trăm năm cổ thụ, bạch trà nén, trà Olong hộp thiếc, trà hoa nhài, trà hoa cúc mật, trà đen hảo hạng…là hàng loạt các sản phẩm trà cao cấp mang thương hiệu Vinatea mà chúng tôi đã thực hiện.

Phó TGĐ GTNfoods: Vinatea đã tái cấu trúc thành công và thiết lập thị trường xuất khẩu mạnh - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hồng Anh tham quan các sản phẩm trà thương hiệu được trưng bày tại Siêu thị trà Vinatea – 46 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội

"Trong năm 2018, các sản phẩm trà thương hiệu của Vinatea đã vinh dự được chọn là một trong số ít những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Việt Nam được giới thiệu trong các sự kiện khu vực và quốc tế, tiêu biểu như Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 29 diễn ra vào tháng 4 tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm Nghiệp Asean lần thứ 40 diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội, hay mới đây vào những ngày đầu tháng 11, tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất (CIIE 2018) tại Thượng Hải"- Ông Nguyễn Hồng Anh chia sẻ.

Chia sẻ về việc Vinatea mở rộng phát triển các dòng sản phẩm trà mang thương hiệu của riêng mình, ông Hồng Anh chia sẻ: "Sẽ thật là một sự lãng phí lớn nếu như Vinatea không thể tận dụng nguồn nguyên liệu thô chất lượng cao để tạo nên các dòng sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình, đặc biệt là khi rất nhiều các sản phẩm trà thương hiệu của các đối tác nước ngoài đang sử dụng nguồn nguyên liệu chính là trà thô nhập khẩu của Vinatea".

"Ước mơ của tôi là đến một ngày, người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế sẽ sử dụng trà thương hiệu Vinatea hàng ngày, với đầy đủ các chủng loại đáp ứng mọi nhu cầu, thậm chí những quan điểm như "uống trà là mất ngủ" cũng sẽ không còn nữa bởi những sản phẩm trà độc đáo như Trà ngủ ngon luôn sẵn sàng phục vụ họ"- ông Hồng Anh nói.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên