Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Sẽ kết hợp các công cụ CSTT, can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường
Năm 2018 được xem là năm có nhiều thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, trong đó thị trường ngoại tệ ổn định đã giúp niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố, dự trữ ngoại hối tăng ấn tượng. Bước sáng năm 2019, nhiều chuyên gia cho rằng áp lực lên tỷ giá vẫn còn và thậm chí đang tăng, đặt ra thách thức với NHNN là rất lớn.
Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2019 "Để ngân hàng Việt vươn xa" tổ chức sáng nay (8/5), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, năm 2018 được xem là một năm thành công của ngành Ngân hàng. Việc điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần tích cực đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Trong bối cảnh lãi suất trên thế giới tăng ở cả nhóm các nước phát triển như Mỹ (4 lần) và nhóm các nước mới nổi (Argentina tăng 6 lần, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3 lần, …) thì lãi suất trong nước được NHNN điều hành khá ổn định, thậm chí giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm.
"Trong năm 2018, hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so với đồng USD, một số nước bị giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp ổn định tỷ giá, thì tỷ giá trong nước diễn biến khá ổn định: tỷ giá thị trường tăng khoảng 2,2-2,3%", Phó Thống đốc cho biết.
Thị trường ngoại tệ ổn định giúp niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố; hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối; thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định.
Phó Thống đốc cũng cho rằng tốc độ tăng tín dụng đã được kiểm soát ở mức hợp lý. NHNN chú trọng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đến cuối năm 2018, tín dụng tăng 13,89% so với cuối năm trước (năm 2017 tăng 18,28%); trong đó, tín dụng VNĐ tăng 15,49% (năm 2017 tăng 18,34%); tín dụng ngoại tệ giảm 5,06% (năm 2017 tăng 17,66%) phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ. Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá.
Trong năm 2019, Phó Thống đốc khẳng định NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
NHNN sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các TCTD ở mức hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu CSTT.
Theo Phó Thống đốc, NHNN sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.
TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá điểm sáng lớn của ngành ngân hàng trong năm vừa qua là đã góp phần ổn định vĩ mô, lạm phát, tăng trưởng. Bên cạnh đó, lãi suất, tỷ giá ổn định trong bối cảnh nhiều áp lực lớn từ tình hình quốc tế lẫn một phần trong nước.
"Đầu năm 2018, nhiều dự đoán cho rằng tỷ giá sẽ tăng khoảng 3%, tuy nhiên cuối cùng kết thúc chỉ ở đâu đó hơn 2%", ông Thành nói. Ông cho rằng, điểm sáng nhất của NHNN là đã điều hành chính sách tiền tệ thông minh, bơm hút tiền linh hoạt trên thị trường; phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ nhuần nhuyễn hơn.
Thách thức đối với NHNN trong năm nay, theo ông Võ Trí Thành là còn rất lớn và không thể né tránh. "Đã đến lúc phải thực sự nhìn nhận một số vấn đề trong đó có lãi suất khó giảm thêm. Áp lực đến từ những biến động trên thế giới và cả áp lực lạm phát trong nước", ông nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng Việt nam vẫn còn hơi chậm đối với Fintech và kinh tế số. Việt Nam đang rất muốn làm là câu chuyện thanh toán không dùng tiền mặt nhưng vẫn chưa có nhiều khởi sắc, trong khi Ấn Độ thực hiện vấn đề này rất nhanh, hệ thống thanh toán cực kỳ phát triển.
"Áp lực tỷ giá đang có vẻ tăng lên, từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa hồi kết, lạm phát và biến động địa chính trị trên thế giới", ông nói. Tuy nhiên, cũng cần nhìn những điểm tích cực như dòng vốn chuyển dịch vào Việt Nam do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, dự trữ ngoại hối của chúng ta cũng liên tục tăng ấn tượng.
Tại diễn đàn, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC cũng lưu ý độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, bất kì diễn biến nào của nền kinh tế thế giới cũng tác động đến Việt Nam. Mặc dù, hiện sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam đã tốt hơn trước nhưng nếu có chiến tranh thương mại thế giới xảy ra thì dư địa của chúng ta không được tốt, cần có sự chuẩn bị.