Phó Thống đốc NHNN: Đã có 16,6 triệu tài khoản làm xác thực sinh trắc học khớp với dữ liệu Bộ Công an, đây là một chiến dịch lớn, bắt buộc phải làm
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng
Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết, ngày 1/7 khi QĐ 2345 có hiệu lực có xuất hiện những ách tắc cục bộ, nhưng sang ngày 2-3/7 đã thông suốt hơn. Các vướng mắc khác như ứng dụng chưa mượt thì đang được các ngân hàng xử lý và tin rằng hết tuần này cơ bản xử lý xong.
- 04-07-2024Công an Đà Nẵng kịp thời chặn một vụ lừa đảo: Nạn nhân là cụ bà U70, chiêu thức lừa đảo tinh vi
- 04-07-2024Giá Vàng nhẫn tiếp đà tăng
- 04-07-2024Đề xuất nhập khẩu, lập trung tâm kinh doanh vàng
Sáng nay (4/7), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian qua NHNN và các bộ, ban ngành đã tổ chức nhiều hội thảo về chủ đề này bởi đây là việc vô cùng quan trọng trước tình trạng thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng gia tăng mạnh. "Có đến hàng chục thủ đoạn lừa đảo, chúng ta không đếm được và ngày càng tinh vi, gia tăng. Chúng tôi không thiên nói về thủ đoạn trên không gian mạng, chúng tôi sẽ chủ yếu nói về sử dụng dịch vụ ngân hàng. Vì dù thủ đoạn gì thì hầu như cuối cùng đều về tài khoản ngân hàng".
Phó Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng đã có nhiều biện pháp, giải pháp để ngăn chặn lừa đảo, trong đó đã truyền thông mạnh mẽ cảnh báo tới khách hàng. "Đặc biệt, QĐ 2345 là giải pháp cụ thể mà ngành ngân hàng triển khai", ông nói.
QĐ 2345 giải quyết 2 điểm quan trọng. Một là mở tài khoản bằng giấy tờ giả. Thứ hai là mở tài khoản bằng giấy tờ thật nhưng không phải chính chủ người đó mở. Do đó, xác thực sinh trắc học theo yêu cầu QĐ 2345 sẽ xác định đúng tài khoản, đúng người có CCCD được Bộ Công an cấp. Bản chất của QĐ 2345 là làm sạch tài khoản, loại bỏ các tài khoản sử dụng giấy tờ giả, loại bỏ tài khoản không chính chủ.
Tuy nhiên cũng có tình trạng thuê mở tài khoản thực hiện giao dịch bất hợp pháp. QĐ 2345 thực hiện bước tiếp theo là khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng sẽ yêu cầu xác thực khuôn mặt, kiểm tra lại người thực hiện giao dịch có đúng thông tin người mở tài khoản.
Đến 17h chiều hôm qua (3/7), có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học Bộ công an. "16,6 triệu tài khoản đó không chạy đi đâu cả, hoàn toàn sạch sẽ. Con số này có thể nói là bằng cả 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Về cơ bản, đa số người có tài khoản có thể xác thực được qua điện thoại có NFC. Số ít có vướng mắc và được các ngân hàng hỗ trợ tài quầy. Hiện có ngân hàng đã làm xong xác thực 2,6 triệu tài khoản khách hàng".
Vị lãnh đạo NHNN cũng cho biết, ngày 1/7 khi QĐ 2345 có hiệu lực có xuất hiện những ách tắc cục bộ, nhưng sang ngày 2-3/7 đã thông suốt hơn. Các vướng mắc khác như ứng dụng chưa mượt thì đang được các ngân hàng xử lý và tin rằng hết tuần này cơ bản xử lý xong. Đa số người làm sinh trắc học thành công, không vướng mắc. Chỉ có khoảng 10% trong số 16,6 triệu tài khoản đã xác thực sinh trắc học là được hỗ trợ tại quầy.
Ông Dũng nói: "Đây là một chiến dịch lớn. Là điều bắt buộc phải làm, không thể khác được". NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện chống giả mạo, chống công nghệ deepfake, giả mạo ảnh tĩnh,…
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, nhiều loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân sẽ phải áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt từ ngày 1/7. Giải pháp xác thực bằng sinh trắc học được áp dụng cho các giao dịch sau: Kích hoạt lần đầu dịch vụ ngân hàng số hoặc đổi thiết bị sử dụng; giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng giao dịch; giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; giao dịch thanh toán trên 100 triệu đồng; các giao dịch chuyển tiền nước ngoài, yêu cầu mua bán ngoại tệ (không phân biệt giá trị giao dịch).
Dữ liệu sinh trắc học cập nhật lần này khác với dữ liệu sinh trắc học đã lưu trên điện thoại thông minh của người dùng. Dữ liệu sinh trắc học là khuôn mặt được các ngân hàng thu thập, và đối sánh trùng khớp với dữ liệu khuôn mặt đã được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu của Bộ Công an.