MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng: Việt Nam thiếu doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt công nghiệp hỗ trợ

Lãnh đạo Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thiếu đầu tàu

Phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam sáng 19/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước dần được cải thiện. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

“Đặc biệt, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển", Phó Thủ tướng cho hay. Theo ông, vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu vô cùng quan trọng, để tạo ra thị trường, tạo ra cơ hội cho CNHT.

Phó Thủ tướng: Việt Nam thiếu doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: VGP.

"Nếu doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết phát triển CNHT trong nước, họ sẽ tìm những nhà cung ứng quốc tế giá rẻ hơn, trong khi chúng ta đi sau, thiếu năng lực, sẽ vô cùng khó khăn”, Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ ra khâu đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của doanh nghiệp chưa được chú trọng. Đây là vấn đề của không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà cả doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Phần lớn để khâu nghiên cứu - phát triển ở nước ngoài, tại Việt Nam đầu tư rất ít, trong khi đó doanh nghiệp trong nước còn yếu, muốn làm cũng chưa được.

Về thị trường, đa số doanh nghiệp vẫn chỉ mới nhìn vào thị trường CNHT trong nước, chưa nhìn đến thị trường toàn cầu. Trong lúc Việt Nam đang hội nhập sâu rộng như hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng thị trường toàn cầu mới là đích đến cần hướng tới. Các doanh nghiệp CNHT Việt Nam phải tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu. Đây là nhiệm vụ và cũng là giải pháp để có thể mở rộng phát triển.

Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT tuy đã được cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp.

Về cơ chế chính sách tuy đã được ưu tiên hoàn thiện, nhưng nhìn chung, theo lãnh đạo Chính phủ, vẫn chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi tối đa cho phát triển CNHT. Các chính sách chủ yếu liên quan đến việc ưu đãi các dự án sản xuất sản phẩm hơn là các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước hơn là các ưu đãi. Bởi hiện nay, doanh nghiệp thường không đủ năng lực sản xuất để hưởng các ưu đãi mà Nhà nước đưa ra.

Thay đổi tư duy hỗ trợ

“Cần coi CNHT là ngành trọng yếu, là nền tảng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển; cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, lãnh đạo Chính phủ cho rằng cần xác định được các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, chỉ rõ các doanh nghiệp dẫn đầu trong từng lĩnh vực. Theo đó, các chính sách, giải pháp cần quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, phát triển một số doanh nghiệp Việt Nam trở thành hạt nhân, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp khác.

Ông cũng đề nghị các đại biểu, đại diện doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thành công của các nước và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp cụ thể mà Nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội cần triển khai thực hiện để thúc đẩy phát triển thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngay sau Hội nghị hôm nay, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT.

Theo Nam Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên