MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ, mùa hè 2017 Hà Nội nóng kỷ lục trong 40 năm

20-01-2018 - 11:37 AM | Tài chính quốc tế

Phát biểu dẫn đề phiên toàn thể thứ 3 của APPF với nội dung Các vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh những tác động xuyên biên giới của biến đổi khí hậu đối với con người trên toàn thế giới.

Ngày làm việc thứ 3 của Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương xoay quanh các vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực với 3 tiêu điểm là Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu; Các nguồn lực cho phát triển bền vững và Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực.

Phát biểu dẫn đề hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự đã hiện hữu. Ngay tại Hà Nội, mùa hè năm 2017, nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua. Nếu nước biển dâng 1m, 40% diện tích đất Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất 12 triệu tấn gạo/năm (xuất khẩu 6 triệu tấn); khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất 10% GDP".

Theo Phó Thủ tướng, không riêng Việt Nam, rất nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường của thời tiết; thiên tai, thảm họa nhiều hơn. Nhiều mô hình dự báo nhiệt độ cho thấy khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng 0,5 đến 2 độ C trong năm 2030. Tác nhân gây biến đổi khí hậu không chỉ từ công nghiệp mà còn cả từ nông nghiệp và sinh hoạt, không chỉ từ nhà máy lớn mà còn là hóa chất trên đồng ruộng hay còn từ thói quan đi lại và sinh hoạt của con người.

"Mỗi quốc gia cần tạo dựng hành lang pháp lý, các thiết chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với các Điều ước quốc tế, công ước, các nghị định thư và Thỏa thuận về biến đổi khí hậu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu tham luận về biến đổi khí hậu, bà Loren B. Legarda, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Biến đổi Khí hậu Thượng viện Philippines, nhấn mạnh: "Toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ không đạt được sự phát triển bền vững nếu không giải quyết được vấn đề tác động của biến đổi khí hậu. Châu Á cũng là nơi hứng chịu những tổn thất nặng nề nhất thế giới cả về nhân mạng và kinh tế bởi thiên tai".

Trên vai trò của nghị sĩ, bà Legarda nhấn mạnh nghị viện các nước thành viên APPF cần có sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu phương thức và tiến tới đưa ra một khung pháp lý về biến đổi khí hậu để biến châu Á – Thái Bình Dương, từ khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai trở thành tự cường trước thiên tai.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ, mùa hè 2017 Hà Nội nóng kỷ lục trong 40 năm - Ảnh 1.

Ông Geng Tan, Nghị sĩ Quốc hội Canada, cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại mà có có tác động tới các thế hệ tương lai. Chống biến đổi khí hậu đòi hỏi sự chung tay của toàn cầu.

"Minh chứng về khoa học của biến đổi khí hậu rất rõ ràng. Nếu không giảm sự nóng lên toàn cầu, chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Chúng ta có thể chống lại biến đổi khí hậu thông qua các hiệp định toàn cầu như Hiệp định Paris. Chính vì thế, cả thế giới cần chung tay để chống lại biến đổi khí hậu", ông Tan nhấn mạnh.

Ông Lee Jin-Book, Trưởng đoàn đại biểu Hàn Quốc, cảnh báo những đảo rác nổi trên biển, khiến nhiều loài động vật chết vì tưởng thức ăn. Ông Lee đề cao việc giảm rác thải đổ xuống biển nhằm bảo vệ môi trường đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng chung tay với Hàn Quốc vì lợi ích chung.

Trong khi đó, ông Nikolau Tuiqamea của Quốc hội Fiji, nhấn mạnh con người cần quan tâm tới Mẹ trái đất thay vì khai thác kiệt quệ những tài nguyên, xả thải ra môi trường. Trái đất không chỉ là hành tinh của riêng con người mà còn là mái nhà của rất nhiều loài động thực vật.

Thay đổi chỉ có thể đạt được khi có sự chung tay của toàn xã hội, từng người dân đều hiểu biết và bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ đến những việc đòi hỏi công nghệ và nguồn lực lớn. Những nỗ lực đó, đặc biệt là phát triển công nghệ sạch, công nghệ tiết kiện năng lượng, đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn. Chính vì thế, cần có các giải pháp huy động nguồn tài chính, tăng cường đối tác công tư và rất cần vai trò của các định chế tài chính quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức APPF. Trong sự kiện năm 2005, Việt Nam chọn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh làm nơi đăng cai APPF-13. Tuy nhiên, APPF-26 đặc biệt bởi Hội nghị diễn ra trong bối cảnh APPF tròn 25 năm hình thành và phát triển.

Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) do Cựu Thủ tướng Nhật bản Yasuhiro Nakasone đặt nền móng là một diễn đàn dành cho các nghị sỹ, nghị viện các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

APPF hành động để thúc đẩy sự gắn bó và hợp tác khu vực hơn nữa với trọng tâm được hướng vào: Hợp tác vì sự phát triển hơn nữa của hòa bình, tự do, dân chủ và thịnh vượng; hợp tác mở và đồng đều nhằm mở rộng thương mại tự do và đầu tư, phát triển bền vững và các hoạt động môi trường hợp lý; và hợp tác phi quân sự, là hoạt động sẽ dành sự quan tâm thích hợp đối với các vấn đề liên quan đến an ninh và hòa bình của khu vực.

Hiến chương thành lập của APPF là Tuyên bố Tokyo, văn kiện được ký kết bởi 59 nghị sĩ từ 15 quốc gia, thiết lập cấu trúc cơ bản của tổ chức. APPF được thành lập ngày 15/3/1993 và Quốc hội Việt Nam tham gia APPF từ tháng 1/1995.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên