MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Doanh nghiệp đừng chỉ kiến nghị, phải đặt mình vào vị trí người làm chính sách”

Đây là lời nhắn gửi tới cộng đồng doanh nghiệp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Còn quá nhiều quy định không hợp lý

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tỏ ra bức xúc với môi trường kinh doanh còn thiếu thuận lợi dù Nghị quyết 19 đã thực hiện được 3 năm.

Hiện nay, các doanh nghiệp phải tốn tới 700.000 đồng cho mỗi giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản. Trong một năm, doanh nghiệp cỡ nhỏ cũng sẽ mất khoảng 800 triệu đồng với 1.200 tờ xác nhận như vậy. Lý do là bởi Thông tư số 28 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về công bố hợp chuẩn, hợp quy vẫn chưa được thay đổi dù Chính phủ đã có Nghị định về vấn đề này.

“Doanh nghiệp đang cảm thấy ngợp”. Dù đây chỉ mới là quy định tại một Thông tư”, ông Nam thẳng thắn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng còn rất nhiều văn bản vẫn chưa được sửa đổi mặc dù đã liên tục nêu trong các Nghị quyết 19. Trong đó Thông tư 28 chỉ là một ví dụ nhỏ. Theo ông Cung, nguyên nhân của vấn đề này đến từ sự thiếu đổi mới, sáng tạo của bộ máy quản lý nhà nước.

Không chỉ có vậy, Viện trưởng CIEM đánh giá công chức hiện nay đang rất thụ động, trì trệ. Điều ông Cung cảm thấy buồn là phần đùng luôn thuộc về cơ quan nhà nước dù chính các văn bản nhà nước đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong các lần khảo sát, câu trả lời CIEM thu thập được nhiều nhất từ cán bộ công chức là: “Quy định pháp luật nói như thế, tôi làm vậy là đúng quy định”.

Doanh nghiệp cần thay đổi cách góp ý

Chia sẻ với doanh nghiệp về những vấn đề vướng mắc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong đóng góp ý kiến với Chính phủ. Theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp hiện chỉ đang “kêu” mà ít có kiến nghị cụ thể.

Ông Vũ Đức Đam cho rằng các doanh nghiệp nên kết hợp chỉ ra phương án sửa chữa những chương điều trong văn bản pháp luật được coi là gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh. Nếu làm được điều này, Chính phủ sẽ có những thay đổi nhanh hơn. Doanh nghiệp cuãng vì thế mà hưởng lợi.

“Vướng mắc ở thông tư, công văn, nghị định, luật hay ở người thực thi thì mong các bạn chỉ rõ giúp. Vấn đề là không chỉ kêu mà cần kiến nghị sửa luôn” – Phó Thủ Tướng nói.

Câu chuyện luật lỗi thời dù vừa mới ban hành là một thực tế. Tuy nhiên, ông Vũ Đức Đam cho rằng công tác chuẩn bị luật đều tuân thủ các bước khảo sát và lấy ý kiển của các nhóm ảnh hưởng. Vấn đề là doanh nghiệp chỉ “góp ý sơ sơ”, đến khi luật được ban hành mới “quyết liệt” phản đối. Theo Phó Thủ tướng, điều này khiến Chính phủ gặp khó trong xóa bỏ vướng mắc vì liên quan tới việc sửa đổi luật của Quốc hội.

“Khi đăng thông tin thì chỉ góp ý sơ sơ. Thường đến lúc ban hành rồi mới quyết liệt. Bây giờ phải xác định lại, đã ra rồi thì cực kỳ khó sửa. Các hiệp hội phải rất chủ động, đừng chỉ kiến nghị, phải đặt mình vào vị trí người làm chính sách” – Phó Thủ tướng đề nghị.

Khẳng định tinh thần kiến tạo của Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết ông luôn muốn lắng nghe những thêm tiếng nói của doanh nghiệp. Mọi ý kiến đều được tổng hợp và báo cáo, hoàn toàn không có chuyện “nghe xong để đấy”. Những điều thuộc thẩm quyền, Chính phủ sẽ xử lý rất nhanh vì người dân, vì doanh nghiệp.

Theo Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên