Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý liên quan đến phát triển bền vững
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, chú ý vấn đề xã hội luôn chậm một nhịp so với chú ý về bảo vệ môi trường, và chậm một nhịp nữa so với tăng trưởng kinh tế.
- 10-12-2020Chuyên gia kinh tế chỉ ra 2 lộ trình hướng đến phát triển bền vững của Việt Nam
- 10-12-2020Điện mặt trời mái nhà phía Bắc phát triển vượt hơn 68% kế hoạch
- 10-12-2020Thủ tướng đồng ý giao Bộ GTVT triển khai cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Hiện nay, Việt Nam có 700.000 doanh nghiệp nhưng mới lan tỏa giá trị và yêu cầu phát triển bền vững đến 100.000 doanh nghiệp, và chỉ 2.000 doanh nghiệp là thành viên của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam. Như vậy, chỉ có 15% doanh nghiệp được tiếp cận, phổ biến thông tin về phát triển bền vững và 2% doanh nghiệp đồng ý tham gia vào cộng đồng.
Phó Thủ tướng cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì thách thức lớn nhất là lan tỏa tinh thần phát triển bền vững ra cộng đồng, làm sao để mọi người nhận thức được đây là việc phải làm.
Lấy ví dụ như Covid-19, có rất nhiều yếu tố để Việt Nam vượt qua tác động nặng nề từ đại dịch. Nhưng một yếu tố mà hầu hết mọi người đều đồng ý đó là nhận thức của người dân. Từ Nhà nước đến doanh nghiệp hay một người bình thường đều nhận rõ trách nhiệm của mình là phải chống dịch. Trước hết là vì bản thân, sau đó đến gia đình, xã hội và rộng hơn nữa là vì thế giới.
Cũng như vậy, phát triển bền vững chỉ có thể thành công khi tất cả các doanh nghiệp nhận thấy phát triển bền vững là việc phải làm.
Vì thế, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý liên quan đến phát triển bền vững. Theo đó, những doanh nghiệp nào đi ngược lại định hướng phát triển bền vững cần phải xử lý. Những doanh nghiệp nào ưu tiên phân bổ nguồn lực phát triển phải được trợ giúp, quan trọng hơn nữa là cần được tôn vinh trong xã hội.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, làm cho mọi người hiểu trách nhiệm của mình vì cộng đồng để chung tay chống dịch vẫn dễ hơn phát triển bền vững. Bởi lẽ, dịch bệnh ảnh hưởng ngay lập tức đến từng người còn phát triển bền vững không ngay lập tức ảnh hưởng đến từng người. Nhưng "càng khó thì càng phải cố gắng vì không còn cách nào khác".
Đặc biệt, phát triển bền vững không thể tách rời xu thế tất yếu là chuyển đổi số. Quan trọng nhất ở đây vẫn là tính cộng đồng, tính chia sẻ để tạo ra nền tảng dữ liệu dùng chung. Đồng thời, gắn với việc chia sẻ thông tin vẫn là phải tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân, tổ chức. Đây là một quá trình vừa làm vừa tự điều chỉnh, tạo ra ngưỡng phù hợp để đóng góp vào dữ liệu chung mà vẫn bảo mật được những điều doanh nghiệp buộc phải giữ và chưa thể đưa ra cho mọi người.
Thời điểm này là lúc để mọi người cùng nhau nhận thức phải phát triển bền vững doanh nghiệp mình, từ đó phát triển đất nước bền vững. Từng người dân sẽ vượt qua lợi ích cục bộ, suy nghĩ khác biệt, thông qua tăng cường hợp tác để tạo ra cộng đồng phát triển bền vững.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng khẳng định, dù đại dịch có qua đi thì khó khăn vẫn tiếp tục. Nhưng nếu mọi người giữ được tinh thần cộng đồng, sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau, và coi đó là chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thì khó khăn sẽ biến thành cơ hội, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.