MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Không biết tin vào số nào để điều hành vĩ mô

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành không chạy đua theo thành tích và không gây áp lực cho ngành thống kê trong khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ phải thống kê nghiêm túc, sát với thực tế.

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các bộ ngành liên quan tại Tổng cục Thống kê.

Một trong những nhiệm vụ hiện nay được Tổng cục Thống kê thực hiện, đó là Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).

Theo đề án, từ năm 2017 số liệu này sẽ được công bố, nhưng đến nay vẫn còn một số bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án gửi Tổng cục Thống kê.

Đơn cử như Bộ Tài nguyên & Môi trường đã không thực hiện thống kê, thậm chí nhiều cuộc họp Tổng cục mời nhưng đều không có đại diện cơ quan này tham dự.

“Có những cuộc họp liên quan trực tiếp tới lĩnh vực đất đai, nhưng dù chúng tôi có mời Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng không cử người tới dự. Hay như trong niêm giám thống kê 2015 có thống kê về lĩnh vực đất đai do Bộ Tài nguyên & Môi trường không cung cấp nên không đưa được vào”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Việc các bộ ngành chậm trễ trong công bố số liệu, đã gây khó khăn cho công tác thống kê. Do đó, ông Lâm đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành không “đua” theo thành tích, “nói không” với bệnh thành tích và không gây áp lực cho ngành kế hoạch đầu tư và thống kê; sử dụng và công bố số liệu thống kê theo quy định của Luật Thống kê.

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Lương - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ thì bày tỏ nỗi khó khăn khi việc có những số liệu thống kê nói sự thật, mà nhiều khi phải trả giá, với cái giá không thể tính được.

“Họ phân biệt đối xử và tỏ rõ thái độ với cán bộ thống kê. Làm lãnh đạo thống kê địa phương phải chịu rất nhiều áp lực; làm thế nào để lựa, phải rắn khi nói những con số thống kê thực cho các cấp uỷ. Dù mình chỉ là thủ trưởng cơ quan chuyên môn nhưng phải làm việc với hệ thống chính trị địa phương, nên đôi khi bị cô lập” – ông Lương than phiền.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì thẳng thắn chỉ ra thực tế là số liệu thống kê chênh lệch, không biết tin vào số liệu nào để chỉ đạo điều hành.

Ví dụ từ số liệu thịt heo xuất khẩu là 200.000 tấn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra, trong khi Bộ Công Thương thì đưa ra con số lên tới 300.000 tấn, khiến cho Phó Thủ tướng phải thốt lên: “Chúng tôi không biết tin vào số nào để điều hành kinh tế vĩ mô” và đề nghị các bộ ngành phải bỏ bệnh thành tích, số liệu thống kê phải nghiêm túc, sát thực thế.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ sự quan tâm đến câu chuyện lao động và phát triển nông nghiệp khi đặt câu hỏi: ​“Số liệu lao động nông thôn và nông nghiệp, số lượng và chất lượng lao động ở khu vực này như thế nào? Tôi rất băn khoăn về vấn đề này”.

Hoặc đối với cách tính dân số, nhiều địa phương cũng khá băn khoăn về vấn đề này. Chẳng hạn, Phó Thủ tướng dẫn chứng Bình Dương, TPHCM có hàng triệu lao động không phải dân số của địa phương nhưng lại sinh sống thường xuyên, trong khi các tỉnh này vẫn chỉ thống kê dân số địa phương.

Còn đối với số liệu về doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cũng cho rằng rất mù mờ, giá trị sử dụng rất thấp. Ông đặt câu hỏi, số liệu doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại, doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, rồi vốn của doanh nghiệp giải thể bao nhiêu, có bao nhiêu lao động mất việc làm,…

Hoặc có bao nhiêu doanh có lãi, bao nhiêu doanh nghiệp nộp thuế, nộp bao nhiêu thuế?... và "đặt hàng" luôn cơ quan thống kê về những con số này.

Trước yêu cầu đó, bốn chỉ tiêu được Phó Thủ tướng đặt ra với ngành thống kê: Đồng bộ hóa, chuẩn hóa, quy trình hóa và tin học hóa. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải công khai, minh bạch cách thống kê để bảo đảm hiệu quả con số thống kê, tạo niềm tin cho người sử dụng thông tin và người dân giám sát chất lượng thông tin này và nhấn mạnh: “Cơ quan thống kê quốc gia phải chịu trách nhiệm cuối cùng về con số này”.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng để bảo đảm vị trí độc lập và giá trị thông tin của cơ quan thống kê, không quan trọng cơ quan này phải đặt ở đâu mà quan trọng là tính độc lập, trung thực trong chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan này.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên