MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm cho từng ngân hàng

20-06-2023 - 10:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Khơi thông dòng vốn, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ảnh VGP

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Khơi thông dòng vốn, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ảnh VGP

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm cho từng tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng chủ động kế hoạch cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Ngày 19/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế với sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, đại diện 10 ngân hàng thương mại giữ nguồn vốn chi phối và 5 hiệp hội ngành nghề.

Tăng trưởng tín dụng chưa như mong đợi

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, từ đầu năm đến nay, trước tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững. Đặc biệt, chính sách tài khóa tiền tệ có nhiều giải pháp để ổn định.

Những tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, tình hình còn nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các cân đối lớn của nền kinh tế đã đảm bảo song còn một số việc thiếu bền vững, trong đó có vấn đề cân đối vốn cho nền kinh tế. Trong những nguồn vốn hiện nay, kênh vốn tín dụng rất quan trọng cho nền kinh tế và đang chiếm ưu thế.

Nêu con số tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm chưa như mong đợi, đến ngày 8/6 chỉ đạt 3,15% (so với cùng kỳ là trên 8%), theo Phó Thủ tướng, nếu 12 tháng chỉ tăng hơn 8% là rất thấp (định hướng năm 2023 là tín dụng phải tăng 14-15%). Do đó, việc hấp thụ và tiếp cận vốn rất khó khăn. Đây chính là lý do Hội nghị được tổ chức, để bàn về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn, hấp thụ được vốn, trên cơ sở đó thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cũng như giai đoạn 2021-2025.

Cho rằng, việc tiếp cận, hấp thụ vốn phụ thuộc nhiều yếu tố, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra 4 yếu tố đề nghị các đại biểu dự Hội nghị làm rõ.

Thứ nhất là về cơ chế chính sách. Vấn đề này liên quan đến hai nội dung lớn là tiếp cận từ pháp luật, những quy định của Chính phủ và từ các ngân hàng thương mại. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại lớn, hiệp hội cho ý kiến về những vướng mắc trong cơ chế chính sách, có những vấn đề gì không đi vào thực tế để có cơ sở tháo gỡ.

Đối với cơ chế chính sách từ ngân hàng thương mại, Phó Thủ tướng cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng đã giao cho hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng các quy định, quy chế, những rào cản chống rủi ro. Cần rà soát lại các quy định này có gì vướng mắc.

Thứ hai, về phía doanh nghiệp – đối tượng tiếp cận vốn – việc tiếp cận vốn phụ thuộc nhiều vào phương án vay vốn, phương án đầu tư, tình hình tài chính. "Không đủ điều kiện không thể vay được. Nếu phương án tốt, có khả năng trả nợ nhưng không tiếp cận được vốn thì bỏ lỡ cơ hội", nêu nội dung này, Phó Thủ tướng đề nghị phía doanh nghiệp "phải rất rõ ràng".

Thứ ba, theo Phó Thủ tướng, nếu lãi suất cho vay quá cao, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và đã liên tục chỉ đạo, gần đây nhất, trong thông báo cuộc họp Thường trực Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, có chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế, điều hành lãi suất phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận.

Đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giảm lãi suất lần thứ tư liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, đây là yếu tố rất quan trọng. Cần xem xét lãi suất điều hành ở mức nào hợp lý để tránh ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, các kênh dẫn vốn khác và quyền lợi của người vay tiền.

Thứ tư, để tiếp cận được vốn, hấp thụ được vốn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình sản xuất kinh doanh, các đơn hàng, chuỗi cung ứng phải đảm bảo. Vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tháo gỡ rất quyết liệt thị trường trong và ngoài nước, trong đó có bất động sản, thị trường xuất khẩu. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý trực tiếp xem lĩnh vực nào còn dư địa, lĩnh vực nào còn khó khăn để tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn, qua đó góp phần cho tăng trưởng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị đại diện các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp phân tích, đánh giá thẳng thắn, cụ thể, làm rõ những khó khăn, vướng mắc nhất là những nút thắt lớn liên quan tới thể chế, lãi suất, điều kiện vay vốn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế… trên cơ sở đó đề xuất giải pháp đúng, trúng, thực thi hiệu quả

Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN thực hiện các giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết 01 và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ. Trong đó tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình kinh tế, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực, trong nước để có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp; tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; tập trung điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm thanh khoản và an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về điều hành tín dụng, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm cho từng tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng chủ động kế hoạch cung ứng vốn cho nền kinh tế; yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước tích cực, chủ động hơn nữa, đóng vai trò chủ lực trong cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc triển khai thực hiện, không để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay hiệu quả, thiết thực, cụ thể các giải pháp điều hành giảm lãi suất nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Khẩn trương chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; nghiên cứu giải pháp có các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất chủ lực trong nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Rà soát, đánh giá toàn diện, phân loại và thống kê đầy đủ các khoản đã cấp tín dụng để xác định mặt bằng lãi suất cho vay trung bình hiện nay làm cơ sở để có giải pháp điều hành phù hợp.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp, được người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị theo giải pháp tại Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ; căn cứ quy định pháp luật hiện hành để nghiên cứu, rà soát và sửa đổi ngay trong tháng 6/2023 nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vay và ổn định, an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia.

Phó Thủ tướng đề nghị NHNN và các bộ, ngành, địa phương hết sức khẩn trương, chủ động, quyết liệt, triển khai các nhiệm vụ hiệu quả, kịp thời, đồng bộ, thống nhất; các ngân hàng thương mại phát huy trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội, tinh thần chia sẻ, hỗ trợ, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; các hiệp hội, doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực hơn nữa, khát vọng hơn nữa để phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nước Việt Nam độc lập, hùng cường, thịnh vượng./.

PV

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên