MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng sẽ được phân bổ toàn bộ room tín dụng cả năm ngay trong tháng 6?

19-06-2023 - 15:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng sẽ được phân bổ toàn bộ room tín dụng cả năm ngay trong tháng 6?

Thường trực Chính phủ yêu cầu NHNN xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6 năm 2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 225/TB-VPCP ngày 15/6/2023 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Tại văn vản, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất.

Trong đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu NHNN xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6 năm 2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Trước đó, góp ý tại thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 thuộc Chương trình Kỳ họp Quốc hội thứ 5, Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột.

Room tín dụng vẫn còn dồi dào

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Hồi tháng 2, NHNN đã cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng. Theo số liệu của Chứng khoán VnDirect, MSB được cấp "room" tín dụng cao nhất, ở mức 13,5%; HDBank được cấp "room" là 11%, ACB (9,8%), Vietcombank (9,8%), VIB (9,5%), Techcombank (9,5%), TPBank (9,1%), VPBank (9%), MB (9%), BIDV (8,3%), LienVietPostBank (8%).

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức cầu yếu khiến tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; và phần lớn các ngân hàng chưa sử dụng hết room tín dụng được cấp lần đầu.

Thông tin tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế về mặt số liệu đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022.

Đi sâu vào các nhóm ngân hàng, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng thì tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức NHNN đã giao. Nhóm ngân hàng cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần thì đang được khoảng một nửa so với mức được giao. Như vậy cả 2 nhóm này chiếm khoảng 91% thị phần tín dụng, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm.

“Nhìn lại giờ này năm 2022, tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của NHNN không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm nay nhích hơn một chút, từ 14% đến 15% mà tín dụng tăng thấp như thế, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, yếu hơn đáng kể so với năm ngoái”, ông Hà cho biết.

Theo lãnh đạo NHNN, có 3 nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.

Thứ nhất, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng.

Thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.

Về giải pháp, Phó Thống đốc cho biết NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Sau rất nhiều động thái điều hành của NHNN từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái.

“Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Hà cho hay.

Theo ông Hà, đối với khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ cho nên NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có đối với doanh nghiệp. Còn dư nợ mới, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện.

“Rõ ràng, hệ thống ngân hàng huy động vốn để cho vay, cho nên những khách hàng đủ điều kiện chắc chắn sẽ tiếp cận được vốn tín dụng”, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.

Ngoài giải pháp ngành ngân hàng, Phó Thống đốc cho rằng giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Do vậy, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.


Quốc Thụy

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên