Phó Viện trưởng CIEM: Gói kích thích thứ hai cần tránh những chính sách gây tác động ngược
Ông Phan Đức Hiếu cho biết, gói kích thích thứ nhất đã đưa ra bài học, đó là cần tránh những chính sách gây ra tác động ngược. Thay vào đó, có thể đưa ra các chính sách như hỗ trợ chi phí đối với doanh nghiệp mua phương tiện phòng chống dịch, từ đó "ai làm, người đó hưởng".
- 20-01-2021Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 'Mặc dù không đóng vai trò lớn, nhưng đầu tư công phải trở thành vai trò dẫn dắt'
- 21-01-2021Phát hiện "lạ" của chuyên gia từ nghịch lý trong thu ngân sách năm 2020
- 19-01-2021Đại sứ EU: EVFTA là yếu tố giúp Việt Nam như ‘Hổ mọc thêm cánh’
Nhận xét về gói kích thích thứ nhất, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, đây là một gói kích thích mà Chính phủ phải làm việc trong thời gian rất nhanh, chưa có tiền lệ và kèm theo vô vàn những thách thức. "Do vậy, chúng ta có những điểm thành công, song cũng có những điểm chưa thành công".
"Nhưng nếu nhìn những điểm chưa thành công dưới góc độ là bài học kinh nghiệm đối với gói kích thích thứ 2 thì sẽ có ý nghĩa hơn", ông Hiếu nhận định.
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu
Vậy gói kích thích thứ 2 nên được hình thành như thế nào?
Đại diện CIEM nhấn mạnh, một gói chính sách mới cần phục vụ cho hai mục tiêu: đầu tiên là phục hồi, thứ hai là thúc đẩy tăng trưởng. Với hai mục tiêu như vậy thì cũng sẽ có hai cấu phần rõ ràng.
Trong gói kích thích thứ nhất, đối với phần "phục hồi", theo ông Hiếu, Chính phủ nên tập trung vào chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. "Bài học của gói thứ nhất đưa ra là cần tránh những chính sách gây ra tác động ngược".
Ví dụ như vừa qua, Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lao động hay doanh thu. Tuy nhiên, nếu đưa ra những tiêu chí ngược như mất từng này lao động, mất từng này doanh thu mới được hỗ trợ thì sẽ tạo ra động lực ngược. Trong khi Chính phủ đang rất muốn doanh nghiệp giữ lao động, giữ doanh thu thì đôi khi doanh nghiệp lại sa thải lao động, giảm bớt doanh thu nhằm có được mức thiệt hại đủ để nhận hỗ trợ.
Từ bài học đó, gói chia sẻ doanh nghiệp phải chính xác hơn về đối tượng và dựa trên kết quả đầu ra. Như vậy, tránh trường hợp có nhiều doanh nghiệp nhận được hỗ trợ mặc dù nếu không có Covid-19 thì có thể đã bị đào thải khỏi thị trường.
Phó Viện trưởng CIEM đề xuất, giả sử như muốn chia sẻ khó khăn thì có thể đưa ra chính sách thuế đối chi phí doanh nghiệp bỏ ra để mua vật tư và các phương tiện phòng chống dịch. "Như vậy thì ai làm, người đó được hưởng, rất thực tế chứ không đồng loạt".
Đối với phần "thúc đẩy tăng trưởng", ông Hiếu đưa ra 2 yếu tố chủ chốt, đó là: năng suất và năng động.
Dư địa tăng trưởng phải là năng suất và hiệu quả. Điều này không phải một yếu tố mới, vì ngay cả khi không có Covid-19 thì trong bối cảnh bình thường cũng phải có năng suất. Yếu tố mới ở đây đó là khu vực năng động, nghĩa là phải thực sự nhanh nhạy trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp. Đây là yếu tố mới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Đối với gói hỗ trợ về tài chính, ông Hiếu cho rằng Chính phủ nên hướng đến lợi ích cho toàn dân ngay cả khi không còn Covid-19. Như vậy thì đầu tư công nên tập trung vào y tế, giáo dục, hạ tầng kinh tế ưu tiên cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đầu tư công, một động lực khác đó là đầu tư của nhà nước trong doanh nghiệp. Cụ thể, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tạo ra động lực, chứ không chỉ gói kích thích về đầu tư công.
Một yếu tố chủ chốt khác thúc đẩy tăng trưởng là thể chế. Thể chế thực sự phải tạo ra được sự năng động trong kinh doanh, sự cạnh tranh. "Tức là những doanh nghiệp hiệu quả sẽ tồn tại được, còn những doanh nghiệp không hiệu quả sẽ được thay thế bởi những doanh nghiệp khác".
Liên quan đến vấn đề này, đại diện CIEM nêu rõ, Nhà nước nên giảm thiểu sự can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. "Ví dụ như việc cơ cấu lại doanh nghiệp, mua bán sáp nhập dự án hay góp vốn… tại sao cần sự phê duyệt, tốn kém thời gian rất nhiều, khiến doanh nghiệp không năng động, không thể tự cơ cấu lại được?".
Đánh giá về cải cách thế chế hiện nay ở Việt Nam, Phó Viện trưởng Hiếu cho hay, việc cải cách vẫn chưa bền vững do chưa có cơ chế. "Bởi cải cách thể chế không phải cơ chế tự thân, tức là những người làm ra thể chế hàng ngày không tự mình cải cách được".
Các quốc gia trên thế giới hiện nay đều có cơ chế bổ sung để giải quyết cơ chế tự thân. Các cơ quan chuyên trách có đủ thẩm quyền để giám sát, thúc đẩy, thậm chí là áp đặt việc cải cách thể chế trong thời hạn nhanh nhất. Theo đó, ông Phan Đức Hiếu kết luận: "Trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam rất cần cơ quan bổ sung được thành lập để thúc đẩy cải cách bền vững. Từ đó có thể cải cách được thực thi nhanh, hiệu quả và bền vững".