Phó Viện trưởng CIEM: Tôi từng chứng kiến doanh nghiệp khóc trong hội thảo bởi lẽ giấy phép của họ bị chậm
"10 ngày hay 30 ngày của doanh nghiệp xin giấy phép có lẽ không mấy ý nghĩa với cơ quan nhà nước, nhưng với doanh nghiệp thì chỉ 1 ngày cũng như ngồi trên đống lửa", ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại toạ đàm "Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh trói doanh nghiệp" do báo Lao Động tổ chức sáng nay (18/10).
- 16-10-2017Tấn công “bức tường” điều kiện kinh doanh
- 13-10-2017Bộ Công Thương có thể còn cắt giảm nhiều hơn 675 điều kiện kinh doanh
- 06-10-2017Bước tiếp theo của đề xuất loại bỏ 675 điều kiện kinh doanh là gì?
- 05-10-2017Chính phủ yêu cầu cắt giảm tiếp 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành
Điều kiện kinh doanh hay giấy phép con là những cụm từ liên tục được nhắc đến trong thời gian gần đây. Bởi lẽ, sau nhiều năm, đây là lần đầu tiên các cơ quan chức năng đã thống kê và đưa ra con số đầy đủ.
Gần 5.000 loại giấy phép con mà phần nhiều đang được xem là rào cản, khiến cho doanh nghiệp giảm tính cạnh tranh, cản trở sự sáng tạo, tăng nguy cơ bị rủi ro.
Bởi vậy, Chính phủ đang và sẽ quyết tâm cắt gọt hết những rào cản này, tạo điều kiện thông thoáng cho môi trường đầu tư. Tuy nhiên, hành động cắt bỏ sẽ chỉ là động tác vật lý chứ, giấy phép con có thể tái mọc nếu như gốc rễ không được xử lý.
Theo ông Phan Đức Hiếu, bãi bỏ hay cắt bỏ điều kiện kinh doanh phải hiểu là việc thay đổi tư duy quản lý Nhà nước, trong đó, không trực tiếp can dự sâu vào hoạt động kinh doanh.
“Đấy chính là thông điệp chính của cuộc cải cách lần này”, ông Hiếu nói.
Đánh giá cao hành động của Bộ Công thương khi quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, viện phó CIEM nhận định đấy là quyết định chưa từng có trong lịch sử ở hai phương diện: Bộ đã tự rà soát, bãi bỏ các quy định của mình và quá trình diễn ra tương đối minh bạch.
Cũng theo ông, các Bộ ngành rất hay tranh luận về vấn đề quản lý khi đề cập đến các điều kiện kinh doanh. Quản lý tất nhiên là trách nhiệm của các Bộ, ông Hiếu nhận xét, tuy nhiên, điều quan trọng là chỉ ra quản lý bằng phương pháp nào, ít tác động lên chi phí của doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian nhất thì ưu tiên.
Bởi lẽ, như ông từng chứng kiến, có doanh nghiệp đã bật khóc tại các cuộc hội thảo vì thời gian xin giấy phép quá lâu. Đối với cơ quan quản lý, có lẽ 10 – 30 ngày chờ đợi thủ tục cấp phép là không có ý nghĩa nhưng 1 ngày đối với doanh nghiệp là như ngồi trên đống lửa. Một ngày bị chậm trễ chính là việc tính cạnh tranh của doanh nghiệp bị giảm đi, khiến doanh thu, doanh số của doanh nghiệp giảm, cá biệt có trường hợp có thể dẫn đến phá sản.
“Một giấy tờ, một thủ tục, đôi khi phát khóc”, ông nói.
Ông nói thêm rằng mỗi khi các Bộ, ngành yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm một giấy tờ nào đó, doanh nghiệp sẽ phải chạy đôn chạy đáo. Nhiều điều này góp phần tạo ra thất bại cho doanh nghiệp một cách đau đớn, vì không phải do thị trường, không phải từ cạnh tranh hay họ kém thông minh, đơn giản chỉ vì thủ tục, hoặc việc giải quyết thủ tục không đúng thời gian.
“Một chữ chúng ta viết ra có thể gây chi phí cả tỷ đồng cho doanh nghiệp, cho xã hội. Vì vậy, cái quan trọng nhất là chúng ta đưa ra quy định gì, viết ra cái gì, vừa phải đảm bảo đòi hỏi ngày càng cao của xã hội vừa phải thực sự giảm được chi phí cho doanh nghiệp”, ông Hiếu bình luận.
Vị chuyên gia đến từ CIEM cũng cho biết, trong lúc chờ đợi việc cắt giảm tiếp các điều kiện kinh doanh, các Bộ, ngành cần có tư duy làm thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận lợi hơn, ít gây tác động đối với doanh nghiệp.