Phong thái nói chuyện ảnh hưởng trực tiếp đến vận may: Chỉ cần chọn đúng, cuộc sống của bạn lúc nào cũng sẽ thuận lợi
Vận may của mỗi người luôn tỉ lệ thuận với cách giao tiếp của họ.
- 30-09-2020Biết nói chuyện là bản năng, nói năng khéo léo là bản lĩnh
- 30-08-2020Người khôn ngoan có “3 điều ít nói, 3 chuyện ít quản”: Bớt lời bớt mẫu thuẫn, ít quản ít lo âu
- 27-06-2020Cuộc nói chuyện cuối cùng của Công nương Diana với người khiến bà một lần nữa tin vào tình yêu: Lời nói cay nghiệt như điềm báo trước bi kịch?
Khi giao tiếp, thái độ đôi khi còn quan trọng hơn cả nội dung mà bạn nói. Vì thái độ giao tiếp là thứ phản ảnh rõ nhất cách bạn đối nhân xử thế. Vận may của mỗi người luôn tỉ lệ thuận với cách giao tiếp của họ.
Thái độ ảnh hưởng tới hiệu quả
Lời nói đều là phần âm thanh được chuyển hóa từ suy nghĩ của mỗi cá nhân. Theo bạn, những người khẩu xà tâm phật có thể được coi là người tốt hay không? Nếu như lòng tốt của một người được thể hiện bằng những lời chua ngoa cay nghiệt, vậy nó có khác gì một nhát dao đâm vào tim người nghe.
Một câu nói đủ để sưởi ấm con tim trong đêm tàn lạnh giá, cũng có khả năng làm nguội lạnh một trái tim đang sục sôi khao khát.
Cùng một thông điệp, nhưng khi truyền tải với ngữ điệu khác nhau thì hiệu quả thu được cũng sẽ khác nhau.
Trong lịch sử Chiến quốc, nước Tề từng phải hứng chịu một nạn đói kinh hoàng. Một phú ông lương thiện đã phát lòng hảo tâm ra tay cứu giúp những dân nghèo. Ông quyết định phát cháo cho những người nghèo khổ qua đường.
Khi ấy, có một người bộ dạng khốn khổ cứ đi đi lại lại ở ven đường. Ông ta không ngừng than khóc, trông vô cùng tội nghiệp. Phú ông thấy vậy liền lập tức cầm một cái bánh bao lên và hét rằng: "Lại đây! Chỗ chúng tôi có đồ cho ông ăn này."
Người kia liền dừng bước và nhìn thẳng vào ông mà nói: "Ông tưởng tôi đói đến mức phải ăn của bố thí của ông à! Dù có phải chết đói, tôi cũng không thèm ăn đồ của ông đâu."
Cuối cùng, ông ta thà chết chứ nhất quyết không chịu nhận đồ bố thí. Phú ông hối hận vì mình đã quá sỗ sàng nên mới gây ra sự hiểu lầm nơi đối phương. Thế mới nói của cho không bằng cách cho.
Những tổn thương, tủi nhục đến từ lời nói giống như một chiếc đinh được đóng trên tường. Cho dù thời gian trôi qua hay kể cả khi đinh đã không còn nữa những dấu vết vẫn mãi còn đó. Nếu bạn thực sự quan tâm và tôn trọng đối phương, hãy nói năng cẩn thận và chú ý đến thái độ nói chuyện của mình.
Thái độ thế nào, nội tâm thế ấy
Kinh Phật có câu: "Tâm sinh tướng". Nội tâm chi phối đến thái độ và giọng điệu khi giao tiếp. Sâu xa hơn, đó còn là tấm gương phản ánh nhân cách của mỗi người.
Người thô lỗ, bỉ ổi thì nói năng cục súc. Kẻ ích kỷ, hẹp hòi thích chê bai và chỉ trích. Người có giáo dục sẽ luôn dịu dàng với người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Khi được thăng làm quan Nhị phẩm, Tăng Quốc Phiên hoàn toàn có quyền sử dụng kiệu 8 người khiêng. Nhưng bản tính không thích phô trương, ông vẫn chỉ dùng kiệu 4 người khiêng.
Một buổi sớm lên triều, khi đang đi ngang qua con ngõ nhỏ, kiệu ông đụng phải một chiếc kiệu 8 người khiêng đi ra từ trong ngõ. Người ta đi quá nhanh nên kiệu của ông buộc phải dừng lại và hạ kiệu. Khi ông còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, người dẫn đường cho kiệu 8 người kia đã lôi ông ra ngoài và cho ông một cái bạt tai. "Cái thứ đê tiện này gặp đại nhân nhà ta mà còn không mau nhường đường." Ông mới hoảng hốt, hóa ra là do kiệu của mình đã chặn đường người ta. Nếu không thì làm gì có ai dám cả gan tát quan Nhị phẩm chứ. Ông đành đích thân đi tới bên kiệu người ta để xin lỗi. Bỗng nhiên, người ngồi trong kiệu lao ra và quỳ sụp dưới chân ông: "Xin đại nhân tha mạng. Nô tài đáng chết!"
Lúc này, ông mới biết người này chỉ là quan tam phẩm. Quan tam phẩm mà dám đánh quan nhị phẩm là phạm phải tội chết. Nhưng ông chỉ nhẹ nhàng đỡ vị quan kia đứng dậy và nói: "Là kiệu của bản quan đã cản đường của đại nhân. Chuyện này không thể trách người được." Thật đúng là:
"Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn ăn nói nhẹ nhàng dễ nghe"
Nhà thơ Ben Johnson từng nói: "Nhân cách của con người được bộc lộ rõ ràng qua ngôn ngữ. Chỉ cần nghe bạn nói là tôi có thể hiểu được bạn." Ngôn ngữ là một công cụ thần kỳ.
Người biết nói chuyện không chỉ dừng ở việc biết nói ra những lời hay ý đẹp mà còn luôn biết làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu. Người lương thiện ắt biết nói lời lành. Người ăn nói dễ nghe thường là người hiền lương và biết tôn trọng người khác.
Thái độ giao tiếp chi phối số phận
Thái độ nói chuyện tỷ lệ thuận với độ may mắn của mỗi người. Người nói chuyện dễ nghe luôn gây được thiện cảm với người khác. Trong cuộc sống, họ giống như cá gặp nước, hay gặp nhiều may mắn.
Bạn biết nói chuyện làm cho người khác vui. Người ta càng vui thì họ càng thích bạn. Họ càng thích bạn thì họ sẽ giúp đỡ bạn nhiều hơn. Cứ như thế, bạn cũng sẽ vui vẻ hơn.
Phong thủy của mỗi người đều bắt đầu từ cái miệng. Đừng nói ra những lời không hay để rồi tự mình hủy đi vận may của mình. Hãy biết nói lời hòa nhã, khiêm nhường và dễ nghe.
Người nói năng lỗ mãng như kẻ tự xây tường ngăn cách mình với bốn phương. Ngay cả khi cơ hội đã bày ra trước mắt, họ cũng khó long có thể nắm bắt.
Mối quan hệ giữa người với người cần phải được xây dựng và vun đắp bằng cái tâm. Tất cả đều nên phải bắt đầu từ việc biết nói lời tử tế. Bạn muốn cải thiện khả năng giao tiếp thì hãy học cách nói chuyện bằng trái tim và học cách làm chủ cảm xúc.
Mong cho bạn và tôi – những người đang cất bước trên đường đời, biết nói cho nhau nghe những lời dịu dàng, yêu thương. Hãy cùng trao cho nhau tấm chân tình, để rồi số phận sẽ mỉm cười với tất cả chúng ta.
Trí Thức Trẻ