MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phong thủy chứng khoán năm Tân Sửu 2021: Đầu tư ngành nào sẽ "phát tài phát lộc"?

Phong thủy chứng khoán năm Tân Sửu 2021: Đầu tư ngành nào sẽ "phát tài phát lộc"?

Năm Tân Sửu sẽ là một năm đề cao chiến lược đầu tư từ trên xuống (Top-down) và đi theo sự hồi phục của nền kinh tế…

Hàng năm vào cuối tháng 1, hãng môi giới chứng khoán CLSA đều đưa ra phát hành báo cáo chỉ số phong thủy FSI (CLSA Feng Shui Index) để dự báo thị trường chứng khoán năm Tân Sửu dựa trên phong thủy. Đây là năm thứ 27 phát hành báo cáo phong thủy của chỉ số này.

Phong thủy chứng khoán năm Tân Sửu 2021: Đầu tư ngành nào sẽ phát tài phát lộc? - Ảnh 1.

Nguồn CLSA

Năm cũ Canh Tý, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 3 tháng đầu năm chật vật khi Covid 19 bất ngờ tới, mọi thứ trở nên quá bất ngờ với giới đầu tư chứng khoán giống như sự bất thường của cơn mưa rào đêm giao thừa và sáng mồng một tết năm đó ở miền bắc.

Đang trên đà chinh phục mốc 1.000 điểm, VN-Index lao dốc từ 991,46 điểm (22/1) xuống mốc thấp nhất 649,1 điểm trong thời gian ngắn ngủi. Khi đó, giá trị danh mục của nhiều nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư nước ngoài đã giảm trên 35%.

Tưởng rằng 2020 đánh dấu một năm thảm hại của giới đầu tư chứng khoán, khi thị trường chìm dưới đáy của bĩ cực thì những gói kích thích kinh tế, bơm tiền được chính phủ các nước đưa ra và làm đảo ngược tình trạng thị trường chứng khoán.

Chứng khoán toàn cầu đã hồi phục vượt sự kỳ vọng của giới đầu tư. Đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam có 10 tháng sau đó để leo lại lên ngưỡng đỉnh lịch sử 1.200.

Phong thủy chứng khoán năm Tân Sửu 2021: Đầu tư ngành nào sẽ phát tài phát lộc? - Ảnh 2.

Đồ thị VN-Index năm 2020

Theo bảng Can-Chi-Mệnh thì năm 2021 là năm Tân Sửu, tức là con Trâu, mệnh Thổ - Bích Thượng thổ (tức là Đất tò vò hay Đất trên vách, đất trên tường thành). Theo quan niệm dân gian thì "con trâu là đầu cơ nghiệp", từ đó thấy được rằng loài vật này rất chăm chỉ, siêng năng, chịu khó và gần gũi với con người, được xem là bạn của nhà nông Việt Nam.

Trong 12 cung hoàng đạo, Sửu cũng là con giáp đứng thứ hai, sau Tý. Đó là lý do tại sao nó được các nhà chiêm tinh coi là "chủ nhân của năm tái tạo", sau khi bắt đầu một chu kỳ 12 năm mới. Năm Canh Tý 2020 là một năm mà toàn thế giới biến động do dịch cúm và sự suy thoái kinh tế nặng nề.

Chính vì vậy năm 2021 được dự báo là năm thuận lợi trong đầu tư chứng khoán hơn năm cũ, nhất là thời điểm giữa và gần cuối năm. Tình trạng giằng co và tích lũy dự kiến sẽ còn chi phối các chỉ số thị trường trong những tháng đầu năm 2021.

Việc mua vào cho mục tiêu dài hạn có thể được xúc tiến từ nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 trở đi. Chính vì vậy nhà đầu tư có thể nghiên cứu các nhóm ngành hấp dẫn để lên danh mục dự kiến ngay từ bây giờ.

Theo quan điểm dịch lý tướng số, năm 2021 tương sinh: Kim, Hỏa và đối lập tương khắc sẽ bao gồm Thủy, Mộc.

2021 cũng là năm thuận lợi với người tuổi Mão, Sửu, Dần, Ngọ và Dậu. Những người sinh năm Tý, Hợi, Mùi, Thìn và Tỵ có lẽ sẽ phải gồng mình để vượt qua và đối phó với nhiều thử thách hơn trong năm nay.

Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn cổ phiếu liên quan đến hành Kim, Hoả hay hành Thổ đều đáng được quan tâm hơn trong năm 2021.

Cụ thể, trong hành Kim nhà đầu tư có thể quan tâm tới nhiều cổ phiếu Large Cap như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, sắt thép. Tuy nhiên, có nhiều ngành hẹp như vàng bạc - trang sức cũng được hưởng lợi.

Các ngành bất động sản, dầu khí, bán lẻ, viễn thông – công nghệ thông tin, thủy sản, dệt may sẽ là những ngành được dự báo tích cực trong nửa cuối năm sau khi đều mang tính đại diện phần lớn cho hành Hoả và Thổ.

Theo tập đoàn tài chính CLSA ở Hong Kong thì ngành chăn nuôi và ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, thủy điện…) cũng thuộc vào nhóm ngành được quan tâm cho năm 2021.

Phong thủy chứng khoán năm Tân Sửu 2021: Đầu tư ngành nào sẽ phát tài phát lộc? - Ảnh 3.

Nguồn CLSA

Rủi ro đề cập đến trong năm 2021 có thể tới từ 2 yếu tố và ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, bao gồm dịch Covid-19 và biến chủng sẽ tiếp tục là rào cản lớn cho kinh tế thế giới chừng nào vắc-xin chưa được phân phối rộng rãi.

Bên cạnh đó, chỉ số P/E cao, định giá thị trường không còn rẻ nữa, đồng nghĩa với việc các nhịp rung lắc mạnh sẽ thường xuyên xảy ra hơn.

Ở chiều tích cực, sự kiên trì của Chính phủ trong việc thực hiện các quyết sách nhằm ổn định vĩ mô và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước phát triển sẽ có lợi trong dài hạn.

Đồng thời, vắc xin dự kiến tiến hành thử nghiệm và phân phối trong năm 2021 cũng sẽ giúp nền kinh tế lưu thông bình thường trở lại.

Một mặt khác, với yếu tố đồng USD yếu, dòng tiền ngoại được dự báo xoay chuyển lại đến các thị trường mới nổi và cận biên.

Trong năm 2021 với Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giúp thị trường chứng khoán có thể thực hiện được các nghiệp vụ mới như bán khống, ký quỹ, nới lỏng room nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ giúp tăng kỳ vọng Việt Nam được thêm vào rổ FTSE vào đầu năm 2022 và được xét nâng hạng của MSCI vào giữa năm 2022.

Không thể nhắc tới yếu tố quan trọng là " tiền rẻ" khi dòng tiền cá nhân F0 tiếp tục thúc đẩy thị trường phát triển. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, trong năm 2020, tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên, chiếm 78% giao dịch toàn thị trường, tổ chức trong nước và nước ngoài chia nhau phần còn lại. Tỷ lệ này là lớn so với các thị trường chứng khoán quốc gia khác. Các nhà đầu tư cá nhân thường tâm lý yếu và có thể gây biến động thị trường.

Theo VDSC dự báo, mức tăng điểm của VN-Index sẽ ở mức phù hợp, thị giá cổ phiếu sẽ theo sát các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Thị trường chung sẽ dao động trong khoảng 1.000 - 1.300 điểm.

Năm 2021 sẽ là một năm đề cao chiến lược đầu tư từ trên xuống (Top-down) và đi theo sự hồi phục của nền kinh tế.

Trong đó các ngành được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng và hoạt động xuất nhập khẩu sẽ là những điểm đến đầu tư tiềm năng. Một số cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng riêng nhờ vào sự hỗ trợ/ưu tiên của chính phủ hoặc có khả năng gia tăng thị phần sẽ là những cơ hội nhà đầu tư có thể tiếp tục xem xét.

Lê Hằng

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên