Phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp trong Tết: Bạn sẽ không hối hận nếu biết chắc những điều này
Trong dịp nghỉ Tết, ngoài tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm là một vấn đề nghiêm trọng. Nghỉ ngơi dài ngày, được dịp đoàn tụ với người thân, mọi người thường ăn uống hết mình mà không lưu ý đến những nguyên tắc bảo quản và chế biến thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến khâu chọn mua, chế biến, bảo quản thực phẩm… Để gia đình khỏe mạnh trong những ngày Tết sắp đến, việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là rất quan trọng. Dưới đây là cách để phòng tránh và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm bạn cần chú ý để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày Tết sắp tới.
Chọn mua thực phẩm cẩn thận
Khi mua thực phẩm vào dịp Tết bạn nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Với rau củ quả, bạn nên đến các cửa hàng rau sạch, siêu thị mua, chọn rau quả còn nguyên, tươi, không bị hư thối.
Đối với thực phẩm qua giết mổ, bạn nên tới các cửa hàng uy tín, đảm bảo chất lượng. Khi mua thịt lợn hoặc thịt bò, nên chọn khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi, ấn tay vào thấy thịt mềm, có độ dính, màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu.
Đối với cá, tốt nhất là chọn cá còn đang quẫy nước. Nếu cá chết, cần chọn cá còn nhớt bóng, mắt cá trong, vảy cá không bị rời, mang cá hồng, ấn ngón tay vào thịt cá không để lại vết lõm. Nếu mua thực phẩm chế biến sẵn, nên chọn những nơi có uy tín và bảo quản hợp vệ sinh. Chọn mua đồ hộp cần chú ý hạn sử dụng còn dài, ghi rõ nơi sản xuất, nhà phân phối, thành phần, phần hộp đựng không được móp méo, phồng hay rỉ sét.
Chú ý trong khâu chế biến và bảo quản thực phẩm
Thực phẩm sau khi mua về cần tiến hành chế biến hay bảo quản ngay vì một số vi khuẩn có hại tiềm ẩn trong thực phẩm sẽ phát tán nếu không bảo quản thực phẩm đó đúng cách. Tất cả các thực phẩm nên cho vào bao, bọc kín, thực phẩm chín và sống nên để riêng, tránh bị nhiễm khuẩn chéo khi để chúng quá gần nhau trong tủ lạnh.
Cá, hải sản, thịt tươi bạn cũng nên cho vào bao, bọc kín, đặt vào ngăn đá của tủ lạnh có thể giữ được từ 2 đến 5 ngày, không nên để lâu hơn, thực phẩm có thể biến chất. Khi chế biến thực phẩm nên rửa tay sạch trước hoặc mang bao tay vào để đảm bảo vệ sinh hơn. Không dùng chung dụng cụ nấu thức ăn chín và sống với nhau.
Thức ăn đã nấu chín nên dùng hết trong 1-2 ngày, không nên để lâu hơn. Các thực phẩm nên nấu chín trước khi ăn, hạn chế ăn sống. Nơi chế biến thức ăn không đặt gần đường cống rãnh, nhà vệ sinh.
Rửa sạch dụng cụ ăn uống trước khi dùng
Chén đĩa sau khi ăn nên rửa sạch, để ở nơi khô ráo, nên lấy một chiếc khăn mềm lau qua khi có nhu cầu sử dụng. Không nên tái sử dụng chén đĩa chưa được rửa sạch, ăn xong không rửa mà để dùng tiếp cho lần sau hoặc để cho người khác dùng lại. Làm như vậy sẽ khiến các vi khuẩn có hại cho sức khỏe truyền bệnh dễ dàng hơn, nâng cao khả năng bị ngộ độc cho bạn và gia đình.
Vệ sinh nhà bếp thường xuyên
Nhà bếp nên thường xuyên vệ sinh, tạo sự khô thoáng vì không khí nóng ẩm, có nhiều thực phẩm dinh dưỡng ở nhà bếp thường tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi, phát triển, gây hại cho cơ thể người.
Rửa tay trước khi ăn
Bàn tay thường tiếp xúc với nhiều thứ trong môi trường sống xung quanh bạn. Để đảm bảo vệ sinh tốt nhất, phòng ngộ độc, bạn nên rửa tay sạch với nước và xà phòng trước khi bắt đầu thưởng thức mâm cỗ Tết nhé.
Nhận biết và xử lý khi bị ngộ độc
- Một người có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm khi bị nôn liên tục, nôn ra máu, đi ngoài nhiều, tiêu chảy, có lúc đi ra máu, người mệt mỏi, đuối sức, có thể sốt hoặc không, nếu sốt thì nhiệt độ trên 38 độ C.
- Khi phát hiện các dấu hiệu trên, nếu người bệnh chưa nôn, nôn chưa hết, giúp người bệnh nôn hết phần thực phẩm gây ngộ độc ra, móc họng hoặc dùng một chiếc muỗng sạch đặt sâu vào cổ họng sẽ giúp nôn nhanh hơn. Nhớ để đầu người bệnh cúi thấp hơn ngực để các dịch không tràn vào phổi gây nguy hiểm.
- Nôn xong, cần tiếp nước cho người bệnh với nước dừa, nước cam, ăn cháo loãng hay truyền nước biển. Sau đó, để ổn định sức khỏe, người bệnh nên ăn các thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ. Nếu áp dụng mọi biện pháp trên, mà người bệnh vẫn nôn không ngừng, sốt nặng hơn, đi ngoài ra máu thì nên đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để kịp xử lý.