Phóng viên bất động sản đi buôn… đất!
Phóng viên bất động sản, cũng giống phóng viên chứng khoán một thời, nhiều người cũng “máu mê” đầu tư, mua bán.
Câu chuyện “thâm cung bí sử” phóng viên bất động sản đi “buôn đất” là chuyện có thật. Không ít người đã thành công vì nắm được thông tin và mối quan hệ, nhưng cũng có người “lên voi, xuống chó”, rơi vào cảnh khốn đốn vì... buôn đất!
“Gặp họa” vì phân tán rủi ro sang… đất
Năm 2009, là phóng viên theo dõi thị trường chứng khoán và bất động sản của một tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam, anh D đã là đại gia, có trong tay gần chục tỷ đồng nhờ đầu tư chứng khoán.
Trong khi thị trường chứng khoán ngày càng đi xuống, anh D tìm cách phân tán rủi ro sang đầu tư đất nền Ba Vì.
Giai đoạn năm 2009-2010, giá đất nền Ba Vì tăng nhanh, vì có thông tin trung tâm hành chính Thủ đô sẽ chuyển về Ba Vì, khiến khối tài sản của anh D tăng chóng mặt. Tuy nhiên, thay vì bán đất để hiện thực hóa lợi nhuận, anh D tiếp tục dồn tiền, thậm chí vay thêm tiền người thân đầu tư hết sang đất nền.
Cuối năm 2010, thị trường bất động sản rơi vào suy thoái, giá đất Ba Vì bắt đầu lao dốc và khó bán. Toàn bộ tiền bạc có được trước đó, anh D đều đã găm hết vào đất.
Bị người quen đòi nợ riết, đầu năm 2011, anh D chấp nhận bán “cắt lỗ” một phần đất với giá thấp hơn giá trên thị trường rất nhiều để trả nợ.
Sau này chia sẻ với bạn bè, anh thú nhận, quyết định “cắt lỗ” bán đất trả nợ vẫn là quyết định sáng suốt nhất. Bởi rất nhiều nhà đầu tư bất động sản sau này muốn “cắt lỗ” nhiều hơn cũng không bán được đất.
Đúng là tiền kiếm dễ thì mất đi cũng dễ. Khối tài sản lên đến nhiều tỷ đồng ngày nào cứ teo tóp dần mà không thể thanh khoản nổi. May mà anh D không vướng phải cuộc sống nợ nần và lại chuyên tâm vào công việc phóng viên viết bài lấy nhuận bút kiếm sống.
“Mắc cạn” đất nền vùng ven
Năm 2010, đất nền vùng ven Hà Nội tăng nhanh chóng mặt, khiến nhiều phóng viên bất động sản hàng ngày đi tìm hiểu thông tin thị trường cứ “hoa mắt” với khả năng sinh lời của việc đi “buôn đất”.
Vì vậy, không ít phóng viên, nhất là người ngoại tỉnh chấp nhận vay chạy người thân, hoặc bán đất quê để đầu tư đất nền ngoại thành do suất đầu tu thấp với hy vọng sinh lời, hoặc sau này sẽ có “mảnh đất cắm dùi” ở Thủ đô.
Nhiều phóng viên mua đất nền giai đoạn này mua đất nền tại huyện Đông Anh, hoặc Gia Lâm. Có người ham rẻ, chấp nhận mua đất xen kẹt không giấy tờ.
Phóng viên tên T, làm việc tại một tờ báo lớn ở Hà Nội, quê Thái Bình mới đây còn tiết lộ: Anh vẫn chưa bán được lô đất tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh đã nhờ bố mẹ vay chạy ở quê để mua từ gần 6 năm trước, dù đã bấm bụng cắt lỗ nhiều lắm.
Theo anh T, khá nhiều phóng viên viết về địa ốc từng mua đất nền tại huyện Đông Anh, Gia Lâm, hay Hoài Đức, nhưng không tỉnh táo, hoặc vì tham đã không bán ngay khi có chút lãi, đều mắc cạn vì đầu tư đất nền.
Cuối năm 2016, bất động sản khởi sắc, Cầu Nhật Tân khánh thành, nhiều người chấp nhận “cắt lỗ” để không dính vào đất cát. Nhưng với những người mua đất xen kẹt, việc chào bán rất khó khăn. Bởi sau suy thoái, người mua đất nền ngoại ô, ai cũng chỉ chọn mua đất nền có sổ đỏ!
Ưu đãi và... ngược đãi!
Câu chuyện phóng viên đi buôn đất và mắc kẹt vì đất là câu chuyện khá phổ biến khi bất động sản rơi vào suy thoái.
Thế nhưng, không vì thế mà những phóng viên theo dõi hàng ngày về thị trường bất động sản hết “máu me” và không dám tham gia vào thị bất động sản. Bởi nhiều phóng viên vẫn chủ động tham gia đầu tư vì coi việc đầu tư để biết được bản chất diễn biến của thị trường. Nhiều người khác lại bất ngờ trở thành nhà đầu tư vì cơ hội từ những mối quan hệ “rơi trúng”.
Chẳng hạn có khá nhiều chủ đầu tư trước mỗi đợt mở bán vẫn cho phóng viên quen biết những xuất “ngoại giao” với giá ưu đãi. Nhiều phóng viên nhanh nhạy bán ngay khi chưa xuống tiền, kiếm được chút tiền chênh lệch, có khi bằng cả tháng nhuận bút. Thế nhưng, có người không bán được, vì tiếc suất ưu đãi chấp nhận đặt cọc, hoặc vào hợp đồng mua bán, cũng khốn đốn bị doanh nghiệp đòi đóng tiền theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng!
Câu chuyện Tập đoàn M chuyên làm nhà giá rẻ, trước và sau mỗi lần mở bán, thường cho phóng viên khá nhiều suất ưu đãi, khiến nhiều phóng viên kiếm bộn vì bán được nhà. Thế nhưng, cũng có người không bán được, vay chạy tiền để vào hợp đồng, nhưng không có khả năng đóng được tiền theo tiến độ, bị doanh nghiệp phạt chậm nộp tiền cho “lên bờ xuống ruộng”.
Năm 2016, giá nhà đất lẫn thanh khoản thị trường bất động sản vẫn tăng, nhưng việc đầu tư ngắn hạn kiếm lời lại có quá nhiều rủi ro. Vì vậy, nhiều phóng viên được doanh nghiệp ưu ái suất “ngoại giao” thường rỉ tai nhau: Cứ nhận cho biết thị trường diễn biến thế nào, còn chớ có dại đặt cọc hay vào hợp đồng.
Bởi một khi đã vào hợp đồng, thì mua nhà suất ưu đãi hôm nay, có thể thành ngược đãi trong ngày mai như thường!
Bizlive