Phú Nhị Đại: Kim chi ngọc diệp tung hoành xứ người trong nhung lụa xa hoa hay cũng chỉ là những “con tốt thí” bị vứt bỏ bởi chính đấng sinh thành?
Công chúng luôn liệt cậu ấm cô chiêu vào nhóm những thanh thiếu niên hư hỏng, may mắn được ông trời ưu ái cho cuộc sống phú quý nhưng lại có những lối sống không đúng chuẩn mực. Tuy nhiên, mấy ai biết rõ họ đang sống như thế nào?
- 02-10-202030% nữ giới tuổi 30 mắc u tuyến giáp, tỷ lệ tăng dần theo độ tuổi: Bác sĩ chuyên khoa nhấn mạnh việc quan trọng nhất để nhận biết chính xác nguy cơ ác tính
- 01-10-2020Trợ lý kể chuyện cảm động về HLV Park Hang-seo: “Chẳng lẽ mình có chút tiếng tăm, lại đi quên những năm tháng đó”
- 01-10-2020"Trăm nghe không bằng một thấy", chuyến đi đến xứ sở Phù Tang đã dạy cho tôi 4 bài học về sự tích cực của con người nơi đây
Sự bùng nổ kinh tế trong hơn 30 năm qua đã đưa 400 triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo. Đồng thời tạo ra những vấn đề mới như ô nhiễm môi trường, bất công xã hội và cũng dẫn đến sự xuất hiện của một tầng lớp siêu giàu. Hiện tại, 1% những người giàu nhất Trung Quốc đang nắm giữ 1/3 tài sản của đất nước này.
Tại Trung Quốc, khái niệm “phú nhị đại” không còn xa lạ gì với mọi người. Phú nhị đại nghĩa là thế hệ giàu có đời thứ 2, được sử dụng để chỉ những cậu ấm cô chiêu của giới siêu giàu Trung Quốc. Trong mắt nhiều người, thế hệ này gắn liền với hình ảnh khoe mẽ sự giàu có, kiêu ngạo, chỉ biết hưởng thụ và tiêu xài hoang phí. Phú nhị đại ở Trung Quốc là những người có được cuộc sống nhung lụa mà người bình thường có cố gắng cả đời cũng khó mà đạt được.
Bởi vậy, công chúng luôn có định kiến với những cậu ấm cô chiêu, họ liệt những người này vào nhóm những thanh thiếu niên hư hỏng chỉ biết ăn tiêu đập phá. Trong khi hầu hết mọi người đều đang vật lộn với cuộc sống thì những thiếu gia, tiểu thư trong giới siêu giàu lại dành gần như toàn bộ thời gian để hưởng thụ cuộc sống xa xỉ nhất trần đời.
Cuộc sống hằng ngày của những phú nhị đại Trung Quốc không chỉ là ăn uống và mua sắm, họ đi mây về gió tới bất kỳ nơi nào trên thế giới, thậm chí có thể đến Hollywood chỉ để dạo chơi và tổ chức tiệc tùng trong những căn biệt thự cao cấp.
Sự xa hoa của phú nhị đại khiến người ta phải thốt lên: "Sống giữa đống tiền thì lấy gì mà khổ?" nhưng người giàu thì cũng khóc, đằng sau nhung lụa là những nỗi bi ai cũng giống như rất nhiều người, có điều, họ khóc mà chẳng ai thương. Bởi giàu có như vậy, sao không dùng tiền mà khỏa lấp nỗi buồn?
Ảnh minh họa.
Cô độc - Tiền nhiều đến mấy cũng chẳng mua nổi tình thân
Lộ Lộ (tên nhân vật đã được thay đổi) là con gái độc nhất của một giám đốc điều hành công ty điện tử ở Thâm Quyến (Trung Quốc) và có mẹ đang làm việc trong ngành ngân hàng. Vì sự nghiệp, bố mẹ Lộ Lộ bỏ bê việc nuôi dạy con gái cho ông bà. Chính vì vậy Lộ Lộ cũng không có nhiều thời gian gần gũi với bố mẹ.
Khi Lộ Lộ lớn hơn một chút, bố mẹ Lộ Lộ quyết định cho con sang Mỹ du học. Trước đó, Lộ Lộ không hề biết gì về cuộc sống ở nước ngoài nhưng vẫn chấp nhận nghe lời. Với cô, có lẽ rời xa gia đình còn tốt hơn sống trong căn nhà đồ sộ nhưng không có hơi ấm của bố mẹ.
Sau khi sang Mỹ, mối quan hệ giữa Lộ Lộ và gia đình ngày càng xa cách, cô phải sống một mình ở nơi đất khách. Bố mẹ cô chỉ quan tâm con bằng cách chuyển tiền đóng học phí và sinh hoạt. Khoảng 35% học sinh trong trường Lộ Lộ đang theo học là người Trung Quốc, học phí và tiền ăn uống vào khoảng 60.000 đô la Mỹ (gần 1,4 tỷ đồng)/năm.
Theo quan điểm của một số đại gia, chỉ cần chu cấp tài chính đầy đủ cho con cái, tạo điều kiện chúng "bay nhảy" khắp nơi, thế là đủ. Công việc và các mối quan hệ xã hội không cho phép họ ở cạnh con nên họ hy vọng những thú vui xa hoa sẽ giúp những đứa trẻ xoa dịu phần nào sự cô đơn khi họ vắng mặt.
Giống như hàng nghìn phú nhị đại khác, Lộ Lộ có cuộc sống hào nhoáng và tiêu xài rất phung phí. Mỗi cuối tuần, cô thường cùng các bạn mua sắm tại các trung tâm thương mại xa hoa bậc nhất. Quần áo, túi xách, mỹ phẩm,... Lộ Lộ đều phải mua những loại đắt tiền nhất. Với mức chi tiêu khổng lồ như thế, bố mẹ Lộ Lộ vẫn không có động thái can thiệp, vì họ cho rằng không có gì là quá đáng.
Một mình ở môi trường mới, lại bị bố mẹ “vứt đi”, không quan tâm con gái sống như thế nào, Lộ Lộ dần trở nên buông thả hơn và cuối cùng cô đã bị nhà trường đuổi vì nghỉ học quá nhiều. Thời điểm đó, bố mẹ Lộ Lộ vẫn chưa nhận ra sai lầm của mình trong quá trình nuôi dạy con.
Có thể nói, Lộ Lộ đã và đang cô độc trong chính gia đình của mình. Với suy nghĩ chỉ cần đáp ứng tài chính là con gái có thể vui vẻ và hạnh phúc, chính bố mẹ Lộ Lộ đã từng bước đẩy con gái vào vực thẳm bế tắc, dễ sa vào lối sống cực đoan. Thiếu hụt sự quan tâm từ bố mẹ, sự lạ lẫm ở nơi đất khách đã khiến Lộ Lộ nổi loạn và bất cần hơn.
Suy cho cùng, nổi loạn và sa ngã là một biểu hiện của thái độ "hận đời" và sự phẫn nộ tột cùng, hóa ra giá trị bản thân lại nhỏ bé đến thế, không đủ để có được sự nâng niu của bố mẹ.
Người ngoài nhìn vào, hẳn ai cũng ghen tị với cuộc sống sang chảnh của Lộ Lộ nhưng họ không biết rằng, Lộ Lộ dù có nhiều tiền, muốn mua gì cũng có, nhưng cái cô muốn "mua" nhất chính là sự yêu thương và quan tâm của bố mẹ, thì lại không có. Chính điều này đã đẩy cô vào nỗi cô độc bất tận.
Ảnh minh họa.
Những cánh chim lạc đàn
Bi kịch chồng chất bi kịch, ngoài sự "ruồng rẫy" của bố mẹ, những cậu ấm cô chiêu còn phải chịu đựng ánh nhìn kỳ thị từ người ngoài. Cứ ngỡ bố mẹ không cần mình thì sẽ có thế giới đón nhận, nhưng tất cả chỉ là giấc mộng đẹp không thể thành hiện thực.
Vào năm 2011, một doanh nghiệp đã khiến dư luận Trung Quốc “dậy sóng” khi công khai điều kiện tuyển dụng ngay giữa hội chợ việc làm của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Trong bản tuyển dụng của công ty này ghi rõ: “Hội học sinh trường sẽ được ưu tiên, từ chối tuyển ‘phú nhị đại’”.
Vấn đề này cũng tương đối dễ hiểu. Do sự ngạo mạn và hống hách của một số cậu ấm cô chiêu đã khiến công chúng phát sinh ác cảm với tất cả người được sinh ra trong giới siêu giàu. Vì vậy, họ luôn tìm cách tránh tiếp xúc với người trong thế giới xa hoa đó, thậm chí còn không tiếc lời chỉ trích.
Rudy (tên nhân vật đã được thay đổi) xuất thân từ một gia đình siêu giàu ở Tô Châu, Trung Quốc. Bố mẹ Rudy đã cống hiến hết mình cho ngành trò chơi trực tuyến, nhanh chóng tích lũy khối tài sản to lớn và trở thành tỷ phú.
Năm 14 tuổi, Rudy được bố mẹ đưa sang Mỹ du học. Từ nhỏ đến lớn, anh chàng này không phải lo cơm ăn áo mặc. Ở tuổi thanh thiếu niên, Rudy sống một mình trong căn biệt thự rộng hơn 500 mét vuông tại bãi biển Newport ở Los Angeles, Hoa Kỳ, nơi mà nhiều người trưởng thành phải vất vả cả đời mới có được.
Dù có điều kiện kinh tế, được sống trong nhung lụa nơi đất khách quê người, nhưng Rudy và nhiều du học sinh khác, cũng là con của giới siêu giàu Trung Quốc vẫn bị sinh viên Âu Mỹ kỳ thị, vì vậy anh chàng đã quyết định thành lập hội Prime Union, một câu lạc bộ dành cho phú nhị đại ở Mỹ với phí hội viên cao ngất ngưởng 20.000 USD (hơn 460 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại).
Câu lạc bộ được hoạt động theo quy mô nhỏ, thành viên đa số là toàn những thanh thiếu niên có bố mẹ giàu có, thỏa sức ăn chơi, thỏa sức tiêu xài. Với riêng Rudy, anh chàng nhiều lần thuê máy bay riêng đến Las Vegas (Mỹ) tổ chức tiệc tùng bất tận, thuê biệt thự ở Hollywood Hills xả stress sau những giờ học căng thẳng.
Chính vì định kiến của xã hội, tâm lý ghét người giàu và sự đố kỵ của một bộ phận công chúng, Rudy và nhiều cậu ấm cô chiêu khác không thể tìm được một người bạn ngoài giới siêu giàu. Họ chỉ có thể tụ họp và vui chơi cùng nhau, tạo nên vòng tròn giới siêu giàu tách biệt với xã hội.
Một bữa tiệc có sự góp mặt của những cậu ấm cô chiêu nổi tiếng: Trần Vũ Ngang (trên cùng), Annabel Yao (trái), Viên Cửu Nhi (giữa), Hà Siêu Hân (phải) và nhiều thiếu gia khác.
Thời gian dần trôi, những cậu ấm cô chiêu đã quen với cuộc sống không có bố mẹ quản thúc, muốn làm gì thì làm. Dù buồn tủi nhưng đối với họ, điều đó không còn quan trọng nữa. Thế nhưng, đến một ngày khi họ muốn tự chủ cuộc đời, muốn sống theo những gì mình muốn có, thì bố mẹ bất ngờ thay đổi 180 độ, đây cũng là lúc bi kịch khác lại ập đến với những đứa trẻ "ngậm thìa bạc".
Vứt bỏ con cái nhưng lại mưu cầu quyền kiểm soát
Thời thơ ấu thiếu vắng hình ảnh của bố mẹ đã là một vết thương lớn trong lòng không ít thiếu gia, tiểu thư. Đau đớn hơn là khi trưởng thành, bố mẹ họ lại quay sang tỏ vẻ quan tâm bằng cách tự cho mình cái quyền định đoạt hạnh phúc của những đứa trẻ mà mình chỉ nhọc công sinh ra nhưng lại thiếu công nuôi dưỡng.
Đầu năm 2019, dư luận Trung Quốc xôn xao về chuyện tình trắc trở của nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp Phó Oanh và một phú nhị đại tên là Tiểu Long (tên nhân vật đã được thay đổi). Tiểu Long là con trai độc nhất của một gia đình giàu có, tài sản lên đến vài trăm triệu NDT. Sau 4 năm yêu nhau, cả 2 quyết định bàn đến chuyện cưới xin. Lúc này, bố mẹ Tiểu Long mới lên tiếng phản đối.
Ban đầu, bố mẹ Tiểu Long nghĩ con trai chỉ đơn giản là cặp kè với một mỹ nữ chân dài, mối quan hệ đó sẽ giúp con trai có thêm trải nghiệm mới trong đời. Thế nhưng, họ không thể ngờ rằng Tiểu Long lại thật sự muốn kết hôn với cô gái này.
Và đương nhiên, cuộc hôn nhân đó đã bị phản đối kịch liệt. Dù Tiểu Long là con trai cưng, ngày trước muốn gì được nấy, nhưng bây giờ đến chuyện đại sự lại không thể tự quyết định được. Một khi bố mẹ bảo là không muốn thì anh chàng cũng không thể làm gì khác.
Trong suy nghĩ của bố mẹ Tiểu Long, mỹ nữ chân dài chỉ là kiểu người "đào mỏ", lợi dụng con trai mình để bòn rút tài sản gia đình. Họ muốn Tiểu Long phải kết hôn với những cô gái môn đăng hộ đối, có thể giúp sự nghiệp kinh doanh của gia đình phát triển hơn nữa. Từ đây có thể thấy được, trong mắt những gia đình giàu có, chuyện tình cảm thật lòng của con cái không quan trọng bằng "bộ mặt" của gia đình, bằng sĩ diện của bố mẹ.
Hôn lễ thế kỷ của một cặp đôi phú nhị đại từng khiến dư luận xôn xao cuối năm 2017.
Về phần Phó Oanh, cô cũng biết bạn trai đã cố gắng hết sức. Chính vì vậy cô đã chủ động đưa ra đề nghị: Tổ chức hôn lễ nhưng không đăng ký kết hôn, có như vậy thì cô sẽ không liên quan đến vấn đề tài sản của gia đình Tiểu Long. Lúc này bố mẹ Tiểu Long mới miễn cưỡng đồng ý.
Trường hợp có thể kết hôn với người ngoài giới như Tiểu Long thật sự hiếm có. Hôn nhân trong giới siêu giàu với nhiều người chỉ là một cuộc giao dịch, sử dụng quyền lực và tiền tài của gia đình thông gia để làm bàn đạp phát triển cơ ngơi của gia đình mình. Do đó, không ít tỷ phú sẵn sàng ép con cái phải kết hôn với những đối tượng mà họ đã chọn trước.
Nếu vị phú nhị đại đó có tính cách nhẹ nhàng, vâng lời bố mẹ thì chắc chắn sẽ diễn ra một hôn lễ thế kỷ thu hút sự quan tâm đặc biệt từ công chúng. Không thể phủ nhận nhiều cặp đôi có thể phát triển tình cảm sau khi kết hôn nhưng cũng có những trường hợp hôn nhân không tình yêu trở thành bi kịch gia đình, kéo theo sự khổ sở của các thế hệ sau này.
Nhiều thiếu gia, tiểu thư cố chấp, quyết chống đối cuộc "hôn nhân chính trị" đến cùng. Quan hệ giữa họ và bố mẹ vốn đã không khăng khít nay lại càng gay gắt hơn. Số phận của những phú nhị đại không khác những con cờ trong tay bố mẹ đại gia.
Nhiều người tự nhủ: Nếu không sinh ra trong gia đình quyền quý, có lẽ bản thân đã vui vẻ hơn nhiều. Ít nhất cũng có được hạnh phúc đơn sơ là được quây quần bên bố mẹ trong mỗi bữa cơm hay được tự do lựa chọn bạn đời.
Dù ít nhưng vẫn tồn tại bộ phận phú nhị đại "biết thân biết phận", chủ động cân nhắc đặt lợi ích của gia đình lên trên, chính điều đó đã khiến họ rơi vào bế tắc trên con đường đi kiếm hạnh phúc lứa đôi.
Tống Phức Lị là ái nữ duy nhất của ông Tống Khánh Hậu, người sáng lập thương hiệu đồ uống lớn nhất Trung Quốc. Năm 2015, Tống Phức Lị xếp thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất châu Á. Đến năm 2020, cô tiếp tục được vinh danh là 1 trong 30 nữ doanh nhân có sức ảnh hưởng nhất Trung Quốc.
Năng lực được xã hội công nhận nhưng con đường tình duyên của Tống Phức Lị khá trắc trở khi vẫn chưa lấy chồng dù đã gần tứ tuần. Nói trắc trở đã là nói giảm nói tránh, thực chất cô chưa từng trải qua mối tình nào.
Tỷ phú Tống Khánh Hậu từng tuyên bố ông không có bất kỳ yêu cầu khắt khe nào với con rể, mà chính Tống Phức Lị đã quyết tâm dành mọi tâm huyết cho sự nghiệp, không suy nghĩ về yêu đương.
Tống Phức Lị.
Với áp lực phải chứng minh năng lực của người thừa kế duy nhất của tập đoàn đồ uống lớn nhất Trung Quốc, Tống Phức Lị đã đặt sự nghiệp và lợi ích của gia đình lên trên hạnh phúc cá nhân. Có lẽ cô đã từ chối nhiều chàng trai khi cho rằng họ không phù hợp với quan điểm sống và công việc của mình.
Qua những câu chuyện trên, chúng ta có thể nhìn thấy đằng sau những bức ảnh lung linh, những buổi tiệc hoành tráng hay khối tài sản kếch xù là những khoảng không trống vắng trong tâm hồn của phú nhị đại. Tất cả những hình ảnh ấy đều chỉ để tô điểm cho chiếc mặt nạ cho cuộc đời bế tắc, những phú nhị đại có thể sống giữa đống tiền nhưng không có quyền kiểm soát, quyết định đời mình sẽ đi đâu về đâu.
Trong khi nhiều người thường mơ được sinh trưởng trong gia đình quyền quý, trải nghiệm cuộc sống nhung lụa xa hoa thì có không ít cậu ấm cô chiêu muốn "tung cánh" bay khỏi chiếc lồng son mang tên "phú nhị đại". Phải chăng đó là một trong những điều khó hiểu nhất trên đời, người ở ngoài thì muốn bước vào, còn người ở trong lại muốn thoát ra?
Nguồn: Sina, Zhihu, Sohu
Pháp luật và bạn đọc